Người ghép thử nghiệm thành công vải không hạt ở Lục Ngạn

Là người gắn bó nhiều năm với cây vải thiều, với đức tính ham học hỏi, muốn tìm ra những giống cây mới, ông Vi Văn Hiệu (SN 1966), ở thôn Hạ Long, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn đã ghép thử nghiệm thành công giống vải không hạt trên cây vải thiều. Năm nay, 4 cây vải ghép ban đầu đã cho đậu quả, cho chất lượng thơm ngon.

Ông Vi Văn Hiệu bên những trái vải thiều không hạt đầu tiên.

          Năm 2018, thông qua một người bạn, ông Vi Văn Hiệu đã tìm hiểu và mua một cây giống vải không hạt về trồng tại vườn nhà. Quá trình chăm sóc cây phát triển tốt, nên ông đã tỉa từng cành nhỏ để ghép dần lên cây vải thiều tại vườn nhà. 

Theo ông Hiệu, để thuần hóa thành công loại vải này, công đoạn ghép được thực hiện nhiều lần theo phương thức “ghép đoạn”. Tức là sau khi ghép lần đầu, đến khi cành bánh tẻ sẽ cắt ngọn và ghép nối, cứ như vậy, sau 4 năm ông Hiệu đã có 4 cây vải không hạt cho ra quả như hiện nay.

Vải thiều không hạt có cùi dày, ăn ngọt và thơm rất đặc trưng.

Năm đầu tiên, 4 cây vải thiều không hạt này cho sản lượng hơn 100 kg quả. Về chất lượng, theo đánh giá ban đầu, vỏ quả vải màu đỏ, có gai, dày thuận lợi cho quá trình bảo quản được lâu; cùi vải dày không có hạt, ăn ngọt và thơm rất đặc trưng. Mẫu mã và trọng lượng quả vải không hạt tương đương với vải thiều chính vụ ở Lục Ngạn.

Ông Vi Văn Hiệu bên gốc vải thiều không hạt được “ghép đoạn”.

Qua tìm hiều được biết, vải không hạt có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là giống ăn quả mới lạ nên được rất nhiều người tìm mua và trả giá 100 nghìn đồng/1kg nhưng gia đình ông Hiệu đã ký hợp đồng bao tiêu từ trước. Để tiếp tục thử nghiệm mô hình này, từ nguồn giống sẵn có, năm nay ông Hiệu dự định sẽ ghép mở rộng diện tích lên vài sào tại vườn nhà.

          Được biết, cách đây 3 năm, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã đưa hơn 500 cây vải không hạt trồng tại vườn đồi của xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn. Năm nay đã có một số cây cho quả với sản lượng vài tạ.

Ông Vi Văn Hiệu tiếp tục nhân giống vải thiều không hạt.

 

Hiện tại các cơ quan chuyên môn của tỉnh và UBND huyện Lục Ngạn đang tiếp tục khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả để khi phát triển giống vải không hạt này sẽ bảo đảm được tính ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, nếu thành công, vải không hạt sẽ góp phần mở ra một hướng đi mới trong đa dạng hóa các loại cây trồng, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất sản xuất. 

 

Quang Huấn - Vũ Đoàn 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.