Hiện nay trà vải sớm của huyện Lục Ngạn đang trong giai đoạn phát triển dày cùi, tròn quả, tích lũy dinh dưỡng và chuyển hóa đường; Trà vải chính vụ đang trong giai đoạn phát triển cùi. Thời điểm này, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện khuyến cáo nhân dân thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của quả, tình hình sâu bệnh hại và thực hiện một số biện pháp sau:
Tưới nước: Tưới đủ ẩm, tưới nhẹ khi thời tiết nắng hạn kéo dài, tưới đều xung quanh gốc dưới tán cây, tiến hành phát quang cỏ dại, (không trừ cỏ bằng các loại hóa chất và dẫy sạch cỏ); Riêng vải lai Thanh Hà, đối với cây quá sai, cây yếu, để tránh hiện tượng khô lá, cháy quả gây chết cây vào cuối vụ cần tỉa thưa bớt quả trên cây, chống đỡ cây không để lật úp lá, kết hợp tưới bổ sung các loại phân kích rễ ... Bón phân cân đối bằng cách hòa phân vào nước để tưới hoặc rắc phân sau đó tưới nước.
Đối với những vườn không chủ động nước có thể bổ hốc, bón vùi. Lượng phân bón từ 1,5 -2,5kg/cây tùy theo tuổi cây, lượng quả và chất đất. Nên sử dụng các loại phân tổng hợp NPK chứa hàm lượng lân và kali nhiều. Tiếp tục bổ sung các nguyên tố trung, vi lượng như: Canxi, Fe, Zn, Mg, Mn... qua các loại phân bón qua lá;
Người dân phòng trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện. |
Đồng thời tập trung phòng trừ sâu đục cuống quả: Dự báo sâu trưởng thành đục cuống quả vải lứa 4-5 ra rộ tập trung từ ngày 18-22/5/2023 và có hiện tượng gối lứa, để phòng trừ hiệu quả cần phun kép, phun lần 01 từ ngày 25-27/5/2023, phun lần 02 cách lần 01 từ 5-7 ngày bằng một trong các loại hoạt chất như: Emamectin, Abamectin, Matrine...
Phòng trừ sâu róm, bọ xít, rệp muội và phòng trừ các đối tượng bệnh gây hại như: Bệnh sương mai, đốm nâu quả, đốm đen (một chủng của thán thư), xanh chàm...
Chú ý: Khi thời tiết nắng nóng, thời điểm quả vải phát triển cùi và chuyển hóa đường cần lựa chọn các dòng thuốc trung tính và mát, phun thuốc vào chiều mát để tránh xảy ra hiện tượng cháy quả sau phun.
Đức Thọ