Lục Ngạn: giám sát chặt quy trình sản xuất vải thiều xuất khẩu

Để nâng cao chất lượng vải thiều xuất khẩu, bên cạnh quản lý hiệu quả các mã số vùng trồng thì việc tuân thủ các quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm đang được chính quyền huyện Lục Ngạn và các hộ sản xuất thực hiện nghiêm ngặt. UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn luôn đồng hành cùng bà con nông dân trong việc hướng dẫn quy trình sản xuất cũng như kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất tại các mã số vùng trồng.

Thời điểm này, vườn vải thiều của gia đình anh Ngô Văn Hùng, ở thôn Cầu Đền, thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thanh Hải đang bước vào giai đoạn tròn quả và báo mã, chuyển hóa đường. Việc chăm sóc vải thiều đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu đang được gia đình anh quan tâm thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ. Anh Hùng sử dụng máy cắt cỏ để vệ sinh vườn, cắt tỉa những cành tăm, rập rạp, cành không nuôi quả. Đặc biệt, từ ngày 28/5, anh dừng sử dụng các loại thuốc BVTV và phân bón theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời thường xuyên thăm vườn và bổ sung nước tưới cho cây, đảm bảo chất lượng quả.

Từ năm 2022, HTX nông nghiệp Thanh Hải được lựa chọn cấp mã số vùng trồng cho 10ha vải thiều xuất khẩu, với 7 hộ tham gia. Do tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nên sản lượng dự kiến năm nay ước khoảng 60- 70 tấn quả. Để duy trì hiệu quả các mã số, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp (thành viên tổ công tác của huyện) được giao theo dõi trực tiếp thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn quy trình sản xuất cho các hộ; giám sát, hướng dẫn sử dụng phần mềm số hóa vùng trồng để ghi chép nhật ký chăm sóc và sử dụng các loại thuốc BVTV nằm trong danh mục cho phép, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Điều đó đã giúp các hộ có mã số vùng trồng yên tâm sản xuất.

Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện và cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất tại các mã số vùng trồng

Năm nay, huyện Lục Ngạn tiếp tục duy trì sản xuất trên 17,3 nghìn ha, vải thiều; trong đó 13,2 nghìn ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP; 117 ha vải thiều GlobalGAP, đồng thời xây dựng mở rộng thêm mô hình sản xuất hữu cơ,  nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu. Để quản lý chặt mã số vùng trồng, cũng như tuân thủ quy trình sản xuất, UBND huyện đã thành lập các tổ công tác, trong đó giao cho mỗi cán bộ khuyến nông trực tiếp phụ trách từng mã để vừa tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vừa hướng dẫn, giám sát nông dân thực hiện nghiêm quy trình sản xuất tại các mã vùng trồng xuất khẩu ngay từ đầu vụ.

Hiện vải thiều chính vụ đang bước vào giai đoạn tròn quả, chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Do vậy, cùng với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, thì vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong việc tham gia quản lý chặt mã số vùng trồng và quy trình sản xuất, là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

 

Vũ Đoàn

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.