Vườn vải thiều hữu cơ chất lượng cao nhờ kỹ thuật cho ra quả trong thân

Ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn ai cũng biết đến vườn vải thiều của gia đình anh Ngô Văn Hùng, thành viên HTX Nông nghiệp Thanh Hải. Do áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nên vườn vải cho sản lượng lớn, mẫu mã, chất lượng vượt trội so với mọi năm. Đặc biệt từ kinh nghiệm được đúc kết nhiều năm, năm nay, anh Hùng áp dụng kỹ thuật cho ra quả trong thân, tạo ra một vườn vải sai trĩu cành.

Là một trong 7 hộ tham gia trong mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu của HTX nông nghiệp Thanh Hải, thời điểm này, vườn vải của gia đình ông Ngô Văn Hùng đang bước vào thời điểm chín rộ, với những chùm quả sai trĩu cành. Với tổng diện tích 2ha trồng vải thiều tham gia mã số vùng trồng xuất khẩu, năm 2022, gia đình ông được Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện triển khai xây dựng mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ, với quy mô diện tích 1ha. Để làm sản xuất vải thiều đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, ngay từ đầu vụ, ông Hùng luôn tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, hướng hữu cơ. Quá trình chăm sóc được thực hiện khoa học, có sổ ghi chép rõ ràng về thời gian, danh mục thuốc BVTV cho phép; chỉ dùng các loại thuốc BVTV có trong danh mục được sử dụng tại Việt Nam.

Vườn vải hữu cơ của gia đình ông Ngô Văn Hùng, thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải

 

Đặc biệt, ông Hùng sử dụng máy cắt cỏ để vệ sinh vườn, đồng thời tăng cường bón phân, chăm sóc cây bằng các loại chế phẩm sinh học và phân vi sinh.

Nhờ áp dụng các quy trình sản xuất GlobalGAP, hướng hữu cơ nên sản lượng quả năm nay của gia đình đạt cao hơn so với năm trước, sản lượng ước đạt 6 đến 7 tấn quả. Trong đó, 100% diện tích đều cho ra quả trong thân, chất lượng vượt trội. Do vườn quả đẹp, chất lượng nên ngay từ đầu vụ vườn vải thiều của gia đình ông Hùng đã đón hàng chục lượt đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm. Bình quân, mỗi ngày đón khoảng từ 2 đến 3 đoàn khách. Đặc biệt, khách đến đây không chỉ thăm quan, thỏa sức chụp ảnh mà còn được tham gia trải nghiệm thu hái và mua sản phẩm trực tiếp tại vườn. Nhờ vậy, mà vụ vải năm nay, gia đình ông chỉ bán vải tại vườn cho các đoàn khách, với giá từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg.

Ông Ngô Văn Hùng chia sẻ: để có vườn vải đẹp, chất lượng cao, gia đình  luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hướng hữu cơ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời chú trọng ngay từ khâu tỉa cành, tạo tán và chăm sóc sau thu hoạch; chú trọng vệ sinh vườn, tạo môi trường sạch bệnh, an toàn. Đặc biệt, bí quyết ở chỗ, do phần lớn cây vải thiều của gia đình có tuổi đời trên 20 năm, do vậy, ông đã áp dụng kỹ thuật cho ra quả trong thân, vừa năng xuất, vừa dễ thu hái.

Năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã tham mưu, chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo hướng hữu cơ ở 2 xã là Thanh Hải và Hộ Đáp, với diện tích 10ha. Qua đánh giá, tư duy sản xuất của các hộ được thay đổi rõ dệt; 100% diện tích vải sản xuất theo quy trình này đều cho sản phẩm có chất lượng vượt trội. Đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Từ hiệu quả bước đầu triển khai mô hình áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sang năm sau, ông Hùng dự kiến sẽ mở rộng toàn bộ diện tích 2ha vải thiều của gia đình sang sản xuất theo phương pháp này. Bởi theo ông Hùng, là người luôn tâm huyết với cây vải nhiều năm thì sản xuất vải hữu cơ không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ cũng vì thế mở rộng hơn, mang lại giá trị cũng như thu nhập cao cho người dân.

Vũ Đoàn

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.