Trù Hựu bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu
Đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn xã Trù Hựu chiếm tỷ lệ cao, thế nhưng những giá trị văn hoá truyền thống như: tiếng nói, trang phục, làn điệu Soọng cô, Lễ cấp sắc đang dần bị mai một. Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn cũng như lưu giữ lại cho các thế hệ sau, chính quyền địa phương và những người cao tuổi có tâm huyết đã và đang tích cực vào cuộc để tìm lại những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp trên.
Toàn cảnh lễ bế giảng lớp dạy tiếng dân tộc Sán Dìu tại thôn Sậy To, xã Trù Hựu.
Thôn Sậy To, xã Trù Hựu hiện có 197 hộ, với 860 nhân khẩu, trong đó: hơn 95% sinh sống trong thôn là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Ông Leo Văn Hạnh, thôn Sậy To cho biết: Thời còn thanh niên, mỗi khi đi làm đồng, tôi thường được nghe các bà, các chị hát Soọng cô. Điệu hát ngọt ngào, vang vọng, ca ngợi về thiên nhiên, công lao cha mẹ, răn dạy con người sống có đức, có hiếu..., nhưng hiện nay, gần như không còn ai biết hát Soọng cô. Nếu trước đây, trang phục của đồng bào thường được mặc trong sinh hoạt hàng ngày thì nay lại trở thành của hiếm trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu nơi đây.
Trước thực trạng trên, năm 2022 Hội Bảo tồn dân tộc Sán Dìu xã Trù Hựu được thành lập với 25 thành viên tham gia hoạt động. Đến nay, Hội đã phát triển lên 37 thành viên. Sau gần 2 năm triển khai thành lập, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu tại địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người dân được nâng lên rõ rệt, từ việc bảo tồn làn điệu hát Soọng cô, đến ẩm thực, tiếng nói, trang phục...
Tiết mục múa quạt của các nghệ nhân Hội Bảo tồn dân tộc Sán Dìu xã Trù Hựu.
Ông Leo Văn Man, Chủ tịch Hội Bảo tồn Dân tộc Sán Dìu xã Trù Hựu cho biết: Vừa qua, tranh thủ thời gian các cháu học sinh đang nghỉ hè, Hội Bảo tồn dân tộc Sán Dìu xã đã phối kết hợp với Chi bộ, Ban quản lý thôn Sậy To tổ chức lớp dạy hát tiếng dân tộc Sán Dìu cho 55 học viên, lứa tuổi từ 6 – 16 tuổi là con, cháu các gia đình hội viên và người dân đang sinh sống tại thôn Sậy To. Trong thời gian 10 ngày, từ ngày 11/8 – 21/8/2024, tại nhà văn hóa thôn, bằng sự tâm huyết, nhiệt tình và trực tiếp truyền dạy của các thành viên, 55 học viên tham gia lớp học cơ bản đã nghe, nói và hát được những bài hát thông thường bằng tiếng Sán Dìu. Theo ông Man, trong quá trình triển khai truyền dạy soọng cô và dạy nói tiếng Sán Dìu cho các học viên nhỏ tuổi cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do gia đình các học viên ít giao tiếp tiếng Sán Dìu tại nhà, khiến các em mất đi cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt, nhiều phụ huynh nhận thức hạn chế, lo lắng con mình học tiếng Sán Dìu sẽ ảnh hưởng đến khả năng học tiếng Việt hay những ngôn ngữ khác. Bên cạnh đó, kinh phí để duy trì hoạt động hầu hết do chính các thành viên trong Hội tự nguyện đóng góp; không có bộ tài liệu đầy đủ, khoa học…
Các nghệ nhân Hội Bảo tồn dân tộc Sán Dìu, xã Trù Hựu hát Soong Cô tại buổi lễ.
Nhưng với lòng nhiệt huyết, trách nhiệm, các thành viên trong Hội đã và đang cố gắng khắc phục những khó khăn đó. Hội tự đóng góp kinh phí để sưu tầm, biên soạn tài liệu và in ấn phát miễn phí cho các học viên. Niềm vui của các thành viên trong Hội là thấy được các cháu biết nói, biết hát soọng cô. Đặc biệt, mọi hoạt động của CLB đều được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Trù Hựu ủng hộ, quan tâm động viên, chia sẻ, nên mọi thành viên của Hội đều nỗ lực cố gắng.
Với mục đích bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá, nghệ thuật dân gian truyền thống tốt đẹp của dân tộc thiểu số trước nguy cơ bị mai một; Thời gian tới, xã Trù Hựu sẽ tiếp tục quan tâm, huy động các nguồn xã hội hoá để hỗ trợ Hội nhằm duy trì hoạt động thường xuyên. Kịp thời động viên, cổ vũ và ghi nhận đối với các thành viên trong Hội.
Quỳnh Nga – Phương Thảo