Lục Ngạn vùng đất giàu tiềm năng

Lục Ngạn là huyện miền núi, cách thành phố Bắc Giang 40 km về phía Đông Bắc, có ranh giới phía Bắc giáp huyện Chi Lăng và huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn), phía Tây và phía Nam giáp huyện Lục Nam, phía Đông giáp huyện Sơn Động ( tỉnh Bắc Giang) và huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Huyện Lục Ngạn kết nối với các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên... qua các tuyến giao thông chính như QL.31, QL.279, ĐT.289-293, ĐT.248... Lục Ngạn còn có tuyến giao thông đường thủy trên sông Lục Nam dài khoảng 45 km, có thể phục vụ vận chuyển, giao lưu hàng hóa với các tỉnh vùng xuôi như: Hải Phòng, Hải Dương…

          Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 1.032,53 km2, rộng nhất toàn tỉnh. Huyện có 28 xã, 1 thị trấn (trong đó có 12 xã vùng cao; 17 xã, thị trấn vùng thấp) với 322 thôn, tổ dân phố. Toàn huyện hiện có khoảng 57 nghìn hộ dân với hơn 230 nghìn người (đứng thứ 2 toàn tỉnh). Có 8 dân tộc sinh sống (gồm: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa); các dân tộc thiểu số chiếm hơn 51% tổng số dân. Hơn 90% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn; hơn 80% dân số lao động sản xuất trong lĩnh vực sản xuất nông- lâm nghiệp.

          Vùng đất Lục Ngạn có lịch sử lâu đời; có bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng. Huyện có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia là Khu di tích Đền Hả (xã Hồng Giang) và Khu di tích chùa Am Vãi (xã Nam Dương); có 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Dân ca dân tộc Sán Chí (xã Kiên Lao) và Dân ca dân tộc Cao Lan (xã Đèo Gia). Trên địa bàn còn có nhiều cảnh quan đẹp, rất giàu tiềm năng để khai thác phát triển du lịch như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần…

          Vùng đất Lục Ngạn được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp để hình thành vùng trồng cây ăn quả hàng hoá tập trung chất lượng cao và phát triển kinh tế lâm nghiệp, với các sản phẩm nổi tiếng  như vải thiều, cam, bưởi, nhãn, táo, ổi, mật ong…

          Với điều kiện tự nhiên đặc thù, bề dày truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng đã trở thành nguồn tài nguyên quý báu, là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện trong thời kỳ đổi mới.

          Năm 2022, sau đại dịch Covid-19, KT-XH của huyện nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng ổn định với tổng giá trị sản xuất các ngành (theo giá cố định năm 2010) vẫn đạt 17.435 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 14,1%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực: Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 27,28%; công nghiệp - xây dựng: 36,65%; dịch vụ: 36,07%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện tăng trưởng đạt hơn 3%/năm, giá trị sản xuất năm 2022 là 3.671 tỷ đồng. Giá trị sản xuất/1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt hơn 128 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2022, giảm xuống còn 4,86%.

          Những năm gần đây, tuy còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ, chính quyền huyện Lục Ngạn quyết tâm ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị và xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2015 đến nay, Lục Ngạn đã đầu tư làm mới hơn 2.000 km đường giao thông trên địa bàn, đưa tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa đạt hơn 92%. Đến nay, toàn huyện đã có 16/28 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 3 xã đạt NTM nâng cao; toàn huyện đạt bình quân 16/19 tiêu chí xã NTM.

Lục Ngạn có tổng diện tích cây ăn quả khoảng 28 nghìn ha (trong đó vải thiều hơn 17 nghìn ha; 7 nghìn ha trồng các loại cây ăn quả khác như: nhãn, cam, bưởi, táo, ổi... ) giá trị sản xuất từ cây ăn quả hàng năm đạt khoảng 6- 7 nghìn tỷ đồng/năm, đã góp phần quan trọng trong xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng riêng của huyện Lục Ngạn trong phát triển kinh tế.

Cây vải thiều đầu tiên được trồng trên đất Lục Ngạn vào năm 1953, từ đó đến nay vẫn sinh trưởng và phát triển tốt. Trải qua thời gian du nhập và phát triển, cây vải thiều vẫn là cây ưu tiên số một trong chỉ đạo phát triển sản xuất, là cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân Lục Ngạn. Vải thiều đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, với sản lượng hằng năm trên dưới 100 nghìn tấn.

Xác định được lợi thế, thế mạnh của việc phát triển cây vải thiều theo hướng hàng hóa tập trung, Huyện ủy - UBND huyện đã tập trung, tích cực chỉ đạo xây dựng và phát triển giá trị, lợi thế của cây vải thiều tại đất Lục Ngạn, để nó trở thành sản phẩm thương hiệu đặc trưng vùng miền, một sản phẩm đặc sản. Quá trình phát triển của cây vải thiều có nhiều thăng trầm, có những vất vả khó khăn, đó là mồ hôi, sức lao động để rồi có những trái ngọt có giá trị vươn xa.

Ngoài cây ăn quả chủ lực vải thiều với thương hiệu nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, huyện Lục Ngạn hiện còn có nhiều giống cây ăn quả khác cũng cho chất lượng sản phẩm thơm ngon tuyệt hảo như nhãn (hơn 900 ha), táo (hơn 1.000 ha), ổi (hơn 300 ha)… Cùng đó là tập đoàn cây có múi, với tổng diện tích lên tới 4.240 ha (trong đó: cam 1.820 ha; bưởi 2.340 ha và cây có múi khác 80 ha), ước sản lượng đạt hơn 40 nghìn tấn/năm.

Với lợi thế về khí hậu cũng như địa hình, huyện Lục Ngạn xác định cây có múi sẽ là cây để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, cây cam, bưởi và các loại cây có múi trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã khẳng định được chất lượng thương hiệu ban đầu của mình. Để có được những kết quả như ngày hôm nay, Huyện ủy - UBND huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng NTM, trong đó một mặt tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung chuyên canh, nâng cao chất lượng, đồng thời phát triển các loại cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao.

Qua đó, huyện đã chuyển một phần diện tích vải thiều trên đồi cao có chất lượng thấp sang trồng rừng kinh tế và một phần diện tích vải thiều ở vùng trũng, thấp sang trồng cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao. Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả huyện Lục Ngạn đến năm 2020, đồng thời xây dựng Đề án "Xây dựng huyện Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp Quốc gia giai đoạn 2016-2021; giai đoạn 2021-2025.

Một góc huyện Lục Ngạn nhìn từ trên cao.

Đề án vùng sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Mộc giai đoạn 2018-2021. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Cục Sở hữu trí tuệ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Cam Lục Ngạn. Thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mỗi năm UBND huyện đã đầu tư hàng trăm triệu đồng hỗ trợ nhân dân mua cây con giống, đồng thời tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, xây dựng các mô hình sản xuất cam, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP để hướng đến việc đưa Lục Ngạn thành vùng trái cây an toàn, bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ được quan tâm thông qua nhiều hình thức như: tham gia hội chợ, quảng bá, truyền thông được tổ chức ở nhiều cấp độ, nhiều nơi trong nước, ngoài nước. Gắn tổ chức Hội chợ cam, bưởi với Chương trình đề án “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP, giúp cho nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản được thuận lợi; tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân; tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý. Đồng thời thu hút du khách để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho một số sản phẩm, cây ăn quả chủ lực của huyện theo hướng bền vững.

Ngoài thế mạnh phát triển các loại cây ăn quả, huyện Lục Ngạn gồm có 12 xã vùng cao có lợi thế về phát triển lâm nghiệp và đàn vật nuôi. Nhận thấy được lợi thế phát triển đàn gia súc tại các xã vùng Đông Bắc của huyện Lục Ngạn, từ năm 2018 UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng Đề án đẩy mạnh lợi thế phát triển chăn nuôi tại một số xã vùng Đông Bắc của huyện, giai đoạn 2018-2021. Tiếp tục xây dựng Chương trình số 13A-CTr/HU ngày 24/5/2021 về phát triển Chăn nuôi, lâm nghiệp hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025.

          Là huyện nông - lâm nghiệp, Lục Ngạn có nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng và nhiều sản phẩm tiềm năng; Trong 40 sản phẩm OCOP, thì có 11 sản phẩm đạt 4 sao và 29 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn đang thực hiện đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Lục Ngạn là huyện dẫn đầu tỉnh Bắc Giang về số danh mục sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên.

Du khách thăm quan vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn.

 

Huyện có 4 sản phẩm chủ lực là (vải thiều, cam ngọt, cam lòng vàng và cam V2); có 5 sản phẩm đặc trưng (bưởi ngọt Lục Ngạn, bưởi da xanh Lục Ngạn, mỳ gạo Chũ, rượu men lá Kiên Thành và mật ong); có 12 sản phẩm tiềm năng (nhãn, táo, ổi, nho, na, thanh long, trà hoa vàng, gạo nếp hoa vàng Phì Điền, gạo bao thai, giấm Kim Ngân, trâu, bò, ngựa, dê, hươu sao, gà…) và nhiều sản phẩm địa phương khác có xu hướng phát triển mạnh, đang được các doanh nghiệp, HTX, người dân ưu tiên đầu tư.

Các sản phẩm như Vải thiều, mỳ Chũ, giấm Kim Ngân, nước ép trái cây... đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản và các nước EU. Các sản phẩm OCOP của huyện đã có mặt tại hệ thống các siêu thị, các kênh phân phối, bán lẻ, các sàn thương mại điện tử lớn ở trong và ngoài nước.

          Lục Ngạn có 3 làng nghề truyền thống được công nhận, gồm: Làng nghề truyền thống mỳ Chũ, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương; làng nghề mỳ Chũ, làng Chũ, thị trấn Chũ; làng nghề sinh vật cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải. Ngoài ra còn có một số nghề truyền thống có tiềm năng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đó là điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn đẩy mạnh phát triển các ngành nghề kinh tế nông thôn, xây dựng chuỗi các sản phẩm OCOP du lịch sinh thái cộng đồng.

          Với vị trí thuận lợi về kết nối giao thông, là vùng sản xuất nông lâm nghiệp trọng điểm, có dân số đông, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, đây là yếu tố quan trọng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại Lục Ngạn.

          Đặc biệt, Lục Ngạn có nhiều tiềm năng thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình du lịch như trải nghiệm, nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng, văn hóa, tâm linh… gắn với vùng cây ăn quả trọng điểm. Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện đón hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch.

 

Quang Huấn

 

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.