Sức sống của những làn điệu dân ca

Nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa- Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn lần thứ XXI năm 2023 được tổ chức nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn. Cụ thể là trang phục truyền thống, tiếng nói, hát dân ca, hát giao duyên, hát đối đáp, trò chơi dân gian, giao lưu thưởng thức ẩm thực truyền thống tiêu biểu nhất… của mỗi dân tộc.

Ngay từ sáng sớm, nhân dân từ các làng bản vùng cao đến các xóm thôn vùng thấp; từ già, trẻ, gái, trai, ai ai cũng rộn ràng khăn áo mới, nô nức cùng nhau xuống chợ để được gặp gỡ hẹn hò, để vui chơi, hát hội giao duyên, trong câu hát sli, hát lượn, câu Sloonghao.

Du khách đi trẩy hội.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày hội là bà Trần Thị Tiện, thôn Ba Lều, xã Biển Động (thành viên Câu lạc bộ hát dân ca dân tộc Nùng xã Biển Động) lại rủ bạn hát xuống trung tâm huyện để hát Soonghao. Bà không nhớ rõ những câu hát ấy có từ bao giờ, chỉ biết rằng từ ngày còn nhỏ bà đã theo cho mẹ đi hát hội. Là người dân tộc Nùng, bà yêu làn điệu Soonghao tha thiết.

Trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Lục Ngạn nói riêng, các loại hình dân ca truyền thống của đồng bào các DTTS mang âm hưởng, màu sắc vô cùng độc đáo. Sự hội tụ và lan tỏa của các loại hình dân ca này đã tạo nên những mảng văn hóa đa sắc màu, trở thành vốn di sản quý đang được địa phương chú trọng bảo tồn và phát huy.

Bên sườn Tây của dãy núi Yên Tử hùng vĩ, huyện Lục Ngạn từ xa xưa đã là nơi cư trú của các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chí, Cao Lan, Dao, Sán Dìu, Hoa… tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng và cũng là nơi lưu truyền các loại hình hát dân ca tiêu biểu. Các loại hình dân ca ở Lục Ngạn có thể kể đến là Sình ca của người Cao Lan; Cnắng cọô của người Sán Chí; Soọng cô của người Sán Dìu; Soong hao của người Nùng; Then của người Tày và Nùng... 

Bà Trần Thị Tiện, xã Biển Động (thứ 2 từ trái sang) cùng ban hát Soonghao.

Sình ca được lưu truyền trong cộng đồng người Cao Lan nhằm gửi gắm, trao đổi tâm tư, tình cảm, tình yêu đôi lứa, hay những ước mơ, nguyện vọng của mình với thiên nhiên và thần linh qua câu hát,… Sình ca còn là kho tư liệu lịch sử phản ánh chân thực về đời sống sinh hoạt của người Cao Lan, sự đúc kết những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Đối với loại hình dân ca của người Sán Chí, là lối hát đối đáp nam-nữ, nhịp điệu theo thể thơ "thất ngôn tứ tuyệt", thường được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh và không gian khác nhau. Cùng với đó, làn điệu Soọng cô là tiếng hát từ tâm hồn của người Sán Dìu, được đúc kết từ cuộc sống lao động, sản xuất và các sinh hoạt văn hóa thường ngày của đồng bào. Vì thế dân ca Sán Dìu được đồng bào nâng niu, quý trọng, thực hành trong những cuộc vui, những nghi lễ cộng đồng…

Khác với một số loại hình dân ca dân tộc khác, hát Soonghao của dân tộc Nùng có nét đặc biệt ở chỗ, đó là điệu hát không có nhạc đệm. Tuy nhiên, Soonghao vẫn có được sức hấp dẫn, sự ngọt ngào và được chia thành nhiều hình thức hát như: Hát giao duyên, hát ví, hát đối, hát ban ngày, hát ban đêm, hát đám cưới… Riêng 2 dân tộc Tày và Nùng còn lưu giữ điệu hát then rất độc đáo. Điệu hát then gắn liền với cây đàn tính, được chia làm hai loại, đó là: Then tâm linh (then nghi lễ) và then văn nghệ quần chúng. Nội dung của những bài hát then chủ yếu là ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, cầu mong cuộc sống bình an, mùa màng bội thu…

Để bảo tồn, phát triển rộng khắp các làn điệu dân ca DTTS, huyện Lục Ngạn đã thành lập và duy trì được 32 CLB hát dân ca DTTS ở 22/29 xã, thị trấn. Hoạt động của các CLB hát dân ca không những góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, để có được tầm nhìn tổng quát trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình dân ca, ngành văn hóa huyện phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều Chương trình hành động, thu thập các bài hát, hiện vật, bộ hiện vật về đời sống, văn hóa của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu, Cao Lan,... trên địa bàn. Những hiện vật này được bảo quản, lưu giữ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa các DTTS nói chung và di sản dân ca nói riêng.

Đồng bào các dân tộc huyện Lục Ngạn giao lưu tại ngày hội.

Công tác truyền dạy dân ca các DTTS cũng được tổ chức thường xuyên, tiêu biểu như: Triển khai thực hiện Chương trình "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Cao Lan", mở lớp truyền dạy kỹ năng hát dân ca Cao Lan trên địa bàn xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn; định kỳ hàng năm tổ chức lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho các học viên là các hạt nhân văn nghệ trên địa bàn huyện...

Dân ca các dân tộc là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ lâu đời, mỗi dân tộc sở hữu loại hình dân ca riêng, với ngôn ngữ thể hiện riêng nhưng có điểm chung là thông qua những ca từ để thể hiện tâm tư, tình cảm, suy nghĩ. Đó là những tiếng lòng được trao đi, nhận lại, để rồi tạo nên tình đoàn kết, găn sbos, lan tỏa sắc thái văn hóa tộc người và được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Quang Huấn

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.