20 năm thực hiện Chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Lục Ngạn

Trên hành trình 20 năm thực thi tín dụng chính sách xã hội, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, luôn đồng hành với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Hoạt động của hệ thống Ngân hàng CSXH đã bảo đảm an sinh xã hội nói chung và giảm nghèo nói riêng, được triển khai mang lại hiệu quả hết sức quan trọng và luôn bám sát mục tiêu cho vay của Chính phủ, tập trung huy động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Mô hình chăn nuôi ngựa bạch của gia đình anh Vi Xuân Thủy, thôn Vựa Trong, xã Phong Vân.

Lục Ngạn là huyện miền núi, gồm 28 xã và 1 thị trấn, trong đó có 12 xã vùng cao. Diện tích tự nhiên 101.223 ha, tổng số hộ dân toàn huyện hơn 56,6 nghìn hộ với hơn 241 nghìn nhân khẩu; số hộ nghèo năm 2021 chiếm tỷ lệ 6,67%, số hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 6,69%. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%, nhân dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Ngày 14/10/2002, Chính phủ đã ban hành nghị định 78 về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 131 thành lập Ngân hàng CSXH nhằm huy động sức mạnh tổ hợp toàn xã hội, cùng chung sức xây dựng thực hiệu chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Trên cơ sở đó, Ngân hàng CSXH huyện Lục Ngạn chính thức khai trương đi vào hoạt động từ tháng 7/2003.

Mô hình tổ chức hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Ngạn gồm bộ máy quản trị là Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH huyện và bộ máy tác nghiệp là Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện được thành lập và duy trì hoạt động theo đúng quy định đến nay đã có 40 thành viên gồm: Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND huyện và các thành viên là đại diện các phòng, ban, ngành, các tổ chức Chính trị- xã hội huyện nhận ủy thác và 29 thành viên là Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.

Mô hình nuôi trâu thương phẩm của gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn Tư Thâm, xã Đồng Cốc.

Trong 20 năm hoạt động, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện luôn duy trì lịch họp định kỳ theo quy định; bám sát và triển khai kịp thời chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các Nghị quyết của HĐQT Ngân hàng CSXH của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của Ngân hàng CSXH huyện trong điều kiện cụ thể của địa phương đảm bảo các nghị quyết, chỉ đạo của Ngân hàng CSXH cấp trên được triển khai trên địa bàn phát huy hiệu quả.

Từ bước khởi đầu đầy khó khăn, thiếu thốn, với nguồn vốn được giao thấp thuộc 3 chương trình tín dụng, là cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh- sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tập thể Ngân hàng CSXH huyện đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng của nhà nước.Thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức Chính trị - xã hội nhận ủy thác như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội CCB, Đoàn Thanh niên và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương. Ngân hàng CSXH hội đã kịp thời chuyển tải nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Việc ủy thác thông qua các tổ chức chính trị xã hội ở các địa phương đã giúp cho vốn đối tượng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng, chất lượng và hiệu quả tín dụng không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Mô hình trồng vải thiều chất lượng cao của gia đình anh Vi Văn Nhuần, thôn Vựa Trong, xã Phong Vân.

Để phủ sóng các chương trình tín dụng của Nhà nước Ngân hàng CSXH đang áp dụng mô hình hoạt động tại các điểm giao dịch xã. Đến nay Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện thành lập 29 Điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tại 29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Các Điểm giao dịch đều được bố trí trong khuôn viên UBND các xã, thị trấn, thực hiện giao dịch vào ngày, giờ cố định hàng tháng (kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật). Tại đây, các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi và danh sách khách hàng đang vay vốn cũng như các thông tin về điều kiện, quy trình, thủ tục vay vốn của từng chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH đều được niêm yết công khai tại Bảng thông tin tín dụng chính sách, khách hàng giao dịch trực tiếp với Ngân hàng CSXH để gửi tiền tiết kiệm, nhận tiền vay và trả nợ dưới sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền cấp xã.

Có thể nói, mô hình Điểm giao dịch xã chính là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng có của Ngân hàng CSXH, đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực trong hoạt động của Ngân hàng CSXH. Mô hình này vừa tạo thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ, thông tin về tín dụng chính sách xã hội, tiết giảm chi phí, thời gian đi lại, vừa đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách xã hội dân chủ, công khai với cách thức “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”, góp phần hạn chế nguy cơ dẫn đến thất thoát, xâm tiêu, tham ô chiếm dụng vốn, tạo được lòng tin của nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động của Ngân hàng CSXH.

Năm 2013, mô hình Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng  quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện. Trước đây Chủ tịch UBND cấp xã chỉ tham gia các hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở như chứng thực hồ sơ, tham gia các ý kiến về quản lý nợ. Do việc tham gia này chưa được hợp thức hóa, chưa có sự ràng buộc nên vai trò, trách nhiệm chưa cao. Song, từ khi là thành viên chính thức của Ban đại diện Hội đồng  quản trị Ngân hàng CSXH huyện, các Chủ tịch UBND xã đã nêu cao trách nhiệm của mình với việc quản lý tốt nguồn vốn tại địa phương.

Sau gần 10 năm thực hiện, mô hình không chỉ tạo thuận lợi đưa vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng mà còn nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền xã trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Đặc biệt là các trường hợp khách hàng có khả năng trả nợ nhưng trây ì, dây dưa. Chủ tịch UBND xã đã kịp thời tháo gỡ, từ đó chất lượng tín dụng ở các xã, thị trấn ngày càng nâng cao rõ dệt, nợ quá hạn giảm dần qua các năm.

Trong 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Lục Ngạn không ngừng tăng trưởng ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua Ngân hàng CSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.Cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng quan tâm chuyển vốn địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đến nay nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác đạt8 tỷ 717 triệu đồng tăng 7 tỷ 410 triệu đồng so với khi thành lập và tăng 5 tỷ 364 triệu đồng so với thời điểm bắt đầu chỉ thị.

Đồng chí Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện.

Sau 20 năm hoạt động, đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Ngạn đã triển khai cho vay 16 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn huyện. Tổng dư nợ đạt hơn 814 tỷ đồng, tăng hơn 790 tỷ đồng so với năm 2003, với trên 17 nghìn khách hàng dư nợ, mức dư nợ bình quân là 47,89 triệu đồng/1 hộ vay. Hoạt động tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Trong tổng số 16 chương trình chính sách tín dụng được giao cho Ngân hàng CSXH huyện triển khai, tuy cơ cấu nguồn vốn và đối tượng thụ hưởng khác nhau nhưng chương trình nào cũng mang ý nghĩa lớn và thiết thực. Hàng nghìn hộ đã thoát nghèo, có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Điển hình như gia đình anh Vi Xuân Thủy, thôn Vựa Trong, xã Phong Vân, năm 2020 được vay vốn Ngân hàng CSXH huyện 70 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Từ số tiền trên anh đã đầu tư chăm sóc hơn 100 cây vải thiều và mua 2 con ngựa nái về nuôi. Được chăm sóc tốt, vườn vải thiều của gia đình đạt sản lượng từ 5 đến 7 tấn quả mỗi vụ. Đặc biệt, 2 con ngựa nái đã sinh sản 2 con ngựa con. Nhờ đó đến nay gia đình anh đã thoát nghèo, xây dựng được căn nhà vững chắc và nuôi con cái học hành tiến bộ.

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn Tư Thâm, xã Đồng Cốc trước đây thuộc diện khó khăn nhưng nay đã trở lên khá giả. Năm 2020, chị Liên được tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ. Từ số tiền trên cùng với số vốn tích cóp được, gia đình chị đã đầu tư chuồng trại phát triển mô hình nuôi trâu thương phẩm. Nhờ được chăm sóc tốt nên đàn trâu phát triển khỏe mạnh. Theo chị Liên, đối với trâu lớn sau khi mua về có thể chăm sóc từ 3 đến 4 tháng là có thể xuất bán; trâu nhỏ chăm sóc khoảng 1 năm. Tùy theo giá bán ở từng thời điểm, mỗi con sau khi chăm sóc xuất bán, chị thu lãi từ 5 đến 6 triệu đồng. Chị Liên cho biết, tới đây gia đình sẽ tiếp tục đầu tư lứa mới với khoảng 15 con trâu cùng 40 con bò.

Cùng với chương trình cho vay hộ nghèo, chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn thì chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ đã góp phần tác động tích cực đến việc chuyển dịch dần số lao động nông thôn thuần túy sang các ngành nghề khác có mức thu nhập cao hơn; nhiều khách hàng được vay vốn chương trình này đã tạo được việc làm ổn định, tăng thu nhập. Đến nay doanh số cho vay đạt hơn 62,8 tỷ đồng, với 2.364 lượt khách hàng được vay vốn. Hiện số khách hàng đang dư nợ là 692 khách hàng, số dư bình quân 1 khách hàng là 48,6 triệu đồng.

Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với sự tham gia của các cấp, các ngành, mô hình tổ tiết kiệm vay vốn đã tạo được những kênh dẫn vốn thuận lợi đến hộ vay. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả đắc lực trong công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện giám sát tại điểm giao dịch xã Giáp Sơn.

Sau 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Ngạn đã giải ngân cho hơn 100 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trong đó chương trình cho vay hộ nghèo và học sinh- sinh viên có hoàn cảnh kho khăn là chủ đạo. Tuy vậy chất lượng tín dụng luôn được kiểm soát tốt. Các chương trình chính sách được triển khai sâu rộng đến 100% xã trong phạm vi toàn huyện, với quy mô và đối tượng thụ hưởng ngày càng mở rộng, mức cho vay sát với nhu cầu thực tế, với nhiều hình thức ưu đãi. Đến nay đã có hơn 17 nghìn học sinh- sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, không để sinh viên nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí, giúp các em yên tâm học tập, nâng cao trình độ.

Cùng với việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, các chương trình mới được triển khai cho vay nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Ngân hàng CSXH tích cực triển khai hiệu quả. Đến nay tổng nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết 11 đạt 12 tỷ 315 triệu đồng thuộc 4 chương trình cho vay: Giải quyết việc làm; Nhà ở xã hội; Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; Cơ sở mầm non độc lập, tư thục.

ác chính sách cho vay đã hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm nền kinh tế đất nước theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước, không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau.

Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, Ngân hàng CSXH huyện được giao triển khai 16 chương trình tín dụng, song chương trình nào cũng thiết thực, ý nghĩa, phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tế tại địa phương. Nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giầu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Thông qua chương trình cho vay tín dụng ưu đãi đã gióp phần: Giúp hơn 37 nghìn lượt hộ thoát nghèo; Xây dựng và sửa chữa 4.409 căn nhà cho hộ nghèo;  Thu hút và tạo việc làm cho hơn 2.400 người lao động từ nguồn vốn quỹ quốc gia về việc làm; Giúp hơn 17.600 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; Hơn 3.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn; Hơn 12.200 hộ gia đình, thương nhân đang sinh sống và hoạt động tại vùng khó khăn tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh; Xây dựng trên 19.900 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Đồng chí Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện cho biết: Trải qua 20 năm hoạt động có thể khẳng định Ngân hàng CSXH đóng vai trò rất quan trọng trong công tác bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Thứ nhất, đã truyền tải được kênh dẫn vốn ưu đãi của Chính phủ đến với các đối tượng chính sách một cách nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có thể tiếp cận được nguồn vốn phù hợp, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững; tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.

Thứ hai, hoạt động của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và đặc thù riêng có của Ngân hàng CSXH đối với các tổ chức tín dụng khác tại địa phương.

Thứ ba, từng bước hình thành và tạo lập thói quen tiết kiệm chi tiêu hằng tháng trong gia đình cho các hộ vay vốn để phục vụ cho mục tiêu trả nợ vốn vay và các mục tiêu trong tương lai của các hộ vay.

Thứ tư, hình thành và tạo dựng được hệ thống quản lý nguồn vốn tín dụng sát và gần với người dân, từ đó truyền tải chính sách cho vay một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa về thời gian và chi phí đi lại của hộ vay.

Thứ năm, xây dựng được đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo đáp ứng với khẩu hiệu của ngành “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Qua những kết quả trên có thể khẳng định Nghị định số 78/2022/NĐ-CP của Chính phủ và sự ra đời của Ngân hàng CSXH các cấp là một quyết định đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong công tác thực hiện an sinh xã hội tại địa phương.

Đối với mỗi cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lục Ngạn, chặng đường 20 năm chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để đánh giá sự nỗ lực, cố gắng, vượt qua những khó khăn, vất vả và tất nhiên họ cũng được đón nhận nhiều niềm vui khi được góp một phần công sức nhỏ bé đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến với hộ nghèo huyện Lục Ngạn. Để ngày càng có thêm nhiều hộ thoát nghèo bền vững.

 

Quang Huấn- Vũ Đoàn

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.