Hình thành tổ liên kết sản xuất hướng đi của nông dân Lục Ngạn

Năm 2017, các cấp Hội nông dân trong huyện Lục Ngạn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham ra các tổ, nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc liên kết thành lập các hợp tác xã, chi hội, tổ, câu lạc bộ sản xuất, tiêu thụ cây ăn quả nói chung, vải thiều trên địa bàn huyện Lục Ngạn bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Qua liên kết, vùng cây ăn quả Lục Ngạn từng bước chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 

Các thành viên Tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thôn Chão Mới, xã Giáp Sơn

trao đổi kinh nghiệm sản xuất

 

Năm 2015, ông Trần Văn Tuấn, thôn Kép I, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang bắt tay vào trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap. Rồi ông cùng một số anh em trong thôn, tham gia và trở thành thành viên của HTX sản xuất nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân. Từ khi là thành viên của HTX, mỗi vụ vải ông Tuấn và các thành viên đều được HTX phổ biến kinh nghiệm chăm sóc vải sao cho hiệu quả, chất lượng. Khi vải đến vụ thu hoạch, HTX lại kết nối với các Doanh nghiệp thu mua vải xuất khẩu để bán cho các thành viên. “Mặc dù số lượng vải xuất khẩu thông qua HTX chưa nhiều, mỗi hộ chỉ vài tạ đến 2 - 3 tấn, nhưng giá bán gấp 2 lần giá thị trường bên ngoài. Không chỉ giúp tăng lợi nhuận, mà gắn bó với HTX, mỗi thành viên cũng có ý thức hơn trong việc đảm bảo chất lượng vải theo đúng tiêu chuẩn VietGap để giữ uy tín với các đơn vị nhập khẩu. Cùng với đó, năm 2017, ông Tuấn cũng tham gia Tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản của Hội nông dân và ông được bầu làm Tổ trưởng. Ngay khi thành lập Tổ liên kết đã phát huy được hiệu quả trong việc tập hợp nông dân có cùng sở thích làm vườn vào sinh hoạt, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Không những vậy, dưới sự hướng dẫn của HTX, gia đình ông Tuấn và các thành viên trong tổ đã tuân thủ đúng quy trình chăm sóc Vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap, nhờ đó mà sản lượng, chất lượng vải thiều của Tổ đã được nâng cao rõ rệt. Sản phẩm làm ra được HTX đứng ra thu mua, liên kết với các doanh nghiệp tham gia đóng gói để xuất khẩu, với giá bán thường cao hơn hẳn so với ngoài thị trường tự do.

 

Không chỉ có ông Tuấn, năm 2017, ông Thăng Văn Tư, ở thôn Chão Mới, xã Giáp Sơn cũng đã tham gia Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ vải thiều do Chi hội nông dân thôn Chão Mới, xã Giáp Sơn thành lập. Khi tham gia sinh hoạt Tổ, anh Thăng thường chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cây ăn quả nói chung và sản xuất Vải thiều nói riêng cùng với các thành viên trong tổ, bởi vậy, các thành viên đều tích cực ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm Vì vậy chất lượng sản phẩm vải thiều năm nay ở chi hội được nâng lên rõ rệt và được Công ty TNHH Hùng Thảo  lựa chọn thu  mua.

 

Theo ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 về việc xây dựng Lục Ngạn thành vùng trồng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia, cuối năm 2016, Huyện ủy Lục Ngạn chỉ đạo các cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động người dân tham gia các mô hình, tổ chức liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Do vậy, đến nay toàn huyện đã thành lập 30 chi hội ở 30 xã, thị trấn, 376 tổ liên kết ở 374 thôn, bản về sản xuất và tiêu thụ nông sản; với tổng số trên 3 nghìn thành viên tham gia; chiếm trên 10% tổng số hội viên hội nông dân trong huyện. Trong đó, bình quân mỗi Chi hội có nông dân thành lập ít nhất một Tổ liên kết. Riêng 2 xã Giáp Sơn và Kiên Lao có Chi hội thành lập 2 Tổ liên kết sản xuất.

 

Các tổ hoạt động theo tôn chỉ mục đích liên kết, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, từng bước góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm từ đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất “Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và Doanh nghiệp”, tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản.

 

Qua sự liên kết này, các HTX, doanh nghiệp có đầu mối đặt hàng khi thu mua, không phải đi từng hộ ký hợp đồng. Nhờ cơ chế giám sát của HTX, chi hội, tổ liên kết, việc chăm sóc vải thiều dần được "chuẩn hóa". Đặc biệt, tham gia liên kết, các gia đình hội viên đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hiệu quả. Theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy: chủ trương thành lập các tổ nhóm trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trước mắt tập trung vào cây vải thiều và cây ăn quả có múi,với mục tiêu mỗi ..thôn, bản thành lập ít nhất một tổ liên kết hoặc câu lạc bộ; mỗi xã thành lập một chi hội sản xuất và tiêu thụ nông sản, trước hết là vải thiều.

 

Với sự liên kết này, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu và tự nguyện tham gia chuỗi liên kết. Lục Ngạn phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện sẽ có gần 80% hội viên hội nông dân tham gia Tổ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh việc liên kết sản xuất, tiêu thụ vải thiều, tới đây mô hình sẽ được huyện nhân rộng đối với các loại cây ăn quả có múi như: Cam, táo và bưởi...

 

Vũ Đoàn

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.