Người đi đầu nói không với lùi cân vải thiều

Nhiều năm nay, người trồng vải huyện Lục Ngạn luôn mang nặng nỗi lo đi bán vải bị lùi cân một các vô lý. Cứ mỗi tạ vải mang bán người dân bị thương lái trừ lùi từ 10 – 12 kg chưa kể trừ bì. Và tình trạng lùi trừ cân hình thành, ăn sâu và thành lệ xấu của tư thương khiến người dân bán vải luôn bức xúc. Vụ vải năm nay, có một doanh nghiệp mua vải cân đúng đủ, không lùi cân chị là Lê Thị Hường, ở thôn Kép 2a xã Hồng Giang.

 

Điểm cân đúng, đủ không lùi cân Tứ Hường

 

Chúng tôi có mặt tại ngã tư thôn Nhất Thành xã Quý Sơn lúc 9h sáng ngày 21/6. Tại gia đình anh Lưu Văn Bẩy, nơi chị Lê Thị Hường đặt điểm thu mua vải thiều cân đúng, đủ không lùi cân chúng tôi được chứng kiến cảnh chị Hường tươi cười chào mua hàng. Người dân mang vải đến điểm cân này bán với tâm trạng rất thoải mái, phấn khởi. Anh Nguyễn Văn Hậu ở Thôn Lãng Sơn, xã Đông Hưng huyện Lục Nam chia sẻ: “Tôi bán chuyến này là chuyến thứ 2 ở điểm cân này rồi, không lùi một cân nào, cũng không xin một đồng tiền khiêng và vải rụng, bán hàng ở điểm không lùi cân cũng thấy phấn khởi” cùng tâm trạng  Anh Tạ Văn Hải ở Thôn Bắc Hai xã Quý Sơn huyện Lục Ngạn vui vẻ chia sẻ: “ Cả nhà tôi dậy từ sáng sớm bẻ được 3 tạ vải. Như mọi hôm đi bán là bị trừ 30kg rồi nhưng hôm nay bán ở điểm cân này không trừ cân nào thấy vui. Mong rằng có nhiều điểm cân như thế này cho dân được nhờ”.

 

 Thời điểm này, vải thiều Lục Ngạn đang chín rộ nên các nhà vườn phải tập trung hết nhân lực, thậm chí thuê thêm cả nhân công để thu hái rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Năm nay, vải thiều Lục Ngạn được mùa với sản lượng ước đạt trên 100 nghìn tấn quả tươi. Giá quả vải đang được người dân bán phổ biến ở ba mức khác nhau, tuỳ theo chất lượng quả, trong đó vải thiều loại I  ở vùng sản xuất vải thiều VietGAP,Globogap luôn được giá cao từ 10 – 25 nghìn đồng/kg; vải thiều loại II – chất lượng bình thường có giá từ 5 – 6 nghìn đồng/kg; vải thiều loại III được giá từ 2 – 5 nghìn đồng/kg. Những tưởng vải thiều được mùa và được giá như vậy thì người dân trồng vải sẽ vui mừng, nhưng khi gặp gỡ tiếp xúc với người đi bán vải, chúng tôi mới thấy hết được nỗi bực dọc của bà con khi phải ngậm đắng bán vải thiều cho các tư thương. Ở Lục Ngạn thời điểm này có vài trăm điểm thu mua vải thiều khác nhau, nhưng tất cả các tư thương đã liên kết lại thực hiện cách cân hàng bóc lột người dân, mỗi tạ vải lùi từ 10 kg trở lên. Khi vải thiều của người dân mang vải bán càng nhiều ùn lên thì tư thương càng ép cân nặng. Khi chúng tôi hỏi tư thương tại sao lại lùi cân của người dân trồng vải một cách vô lý như vậy thì nhiều người từ chối trả lời hoặc không giải thích được. Một số chủ cân thì cho rằng, số cân lùi đó để trừ vào cuống quả vải và trừ hao hụt trong quá trình vận chuyển. Đây là cách trả lời rất vô lý, bởi lẽ hoa quả nào mà trả có cuống. Mặt khác quả vải thiều khi được đóng vào thùng xốp làm lạnh bằng đá cây để vận chuyển thì sẽ chẳng hao hụt là bao. Với cách cân hàng không đẹp, ép người dân trồng vải vô lý đó, tính ra nếu huyện Lục Ngạn bán hết trên 100 nghìn tấn vải tươi thì đã bị cửa cân ăn không mất hơn 10.000 tấn vải, chỉ tính với giá vải bình quân 5 nghìn đồng/kg thì nông dân Lục Ngạn đã bị mất trắng khoảng 5 tỷ đồng. Vốn là người con sinh ra và lớn lên trên đất vải, Chị Hường thấu hiểu hết những nhọc nhằn của người nông dân để làm ra những quả vải ngọt. Chị cũng rất bức xúc khi chứng kiến người dân bị ép cân như vây và nung nấu ý định, phải làm gì để xóa đi cách làm xấu này. Chị Lê Thị Hường, Thôn kép 2a xã Hồng Giang cho biết: “ Mặc dù biết mua vải mà không lùi cân như thế này thì lợi nhuận sẽ hạn chế, thậm chí chấp nhận lỗ vốn nhưng tôi vẫn quyết thực hiện để chia sẻ những khó  khăn, vất vả với người trồng vải. Mong rằng những thương nhân khác cũng sớm bỏ việc lùi cân vô lý của bà con”.

 

Lục Ngạn là vùng sản xuất vải thiều nổi tiếng lớn nhất cả nước, toàn huyện hiện có hơn 15.000 ha vải thiều. Thực tế quả vải thiều Lục Ngạn đã trở thành món ăn đặc sản và thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng được vươn xa hơn, bởi chất lượng quả vải không ngừng được nâng lên: quả to, chín đỏ đẹp, hạt nhỏ, cùi dầy, thơm ngon bổ dưỡng… được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Có thể  nói, giá cả quả vải thiều tăng, giảm do thị trường điều tiết. Còn cách mua - bán quả vải do người dân bán vải và tư thương cùng thống nhất. Điều cơ bản là người đi buôn cần phải có lợi nhuận và người bán vải không bị quá thiệt thòi. với thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng vươn xa, hiện nay nhu cầu sử dụng, thu mua vải thiều của khách hàng trong và ngoài nước rất lớn. Bởi vậy người trồng vải trong huyện Lục Ngạn cần phải đoàn kết thực hiện thống nhất một cách bán, đó là không lùi cân vô lý. Tất cả mọi người đi bán vải đều giám sát và tuyên truyền cho nhau thống nhất không lùi cân. Làm điều đó có thể người dân trồng vải sẽ phải chấp nhận một hai mã hàng khó bán – không tiêu thụ được ngay thì quẳng vải thiều lên lò sấy để bán sau còn hơn là bán theo kiểu chấp nhận bị áp bức và nhận lấy bực bội. Để từ đó đưa việc thu mua vải thiều trở lại theo đúng quy luật – có bao nhiêu kg vải thiều thì tính tiền bấy nhiêu, đó cũng là cách cân vải thiều mà tư thương đã thực hiện cách đây 5 – 7 năm về trước. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc nhân rộng hơn những điểm cân đúng đủ, không lùi cân như điểm thu mua vải thiều “Tứ Hường”./.

 

Bùi Được

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.