Hướng dẫn chăm sóc vải thiều giai đoạn phân hóa mầm hoa
Theo Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn, do ảnh hưởng của thời tiết cùng với mùa vải năm 2024 mất mùa trên diện rộng đã làm thay đổi chu kỳ sinh trưởng, dẫn đến tỷ lệ ra lộc trên vải thiều không đồng đều.
Như thường lệ, dịp tháng 9, tháng 10 hằng năm vải thiều sẽ có một đợt bật lộc song năm nay nhiều nhà vườn không thấy đợt lộc này. Trước thực trạng trên, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất vải thiều.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân phát hiện sâu bệnh hại trên vải.
Gia đình bà Lê Thị Bẩy, TDP Nhập Thành, thị trấn Chũ trồng 2 mẫu vải thiều, mỗi năm thu hoạch trên dưới 10 tấn quả. Tuy nhiên do thời tiết bất lợi nên vụ vải vừa qua vườn vải này bị mất trắng. Để bù đắp thiệt hại do mất mùa, bà Bẩy cho biết, năm nay, được sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện, ngay từ sớm gia đình đã chú ý chăm sóc cây trồng.
Theo Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện, đối với vườn vải có bộ lá trên cây đã chuyển sang bánh tẻ hoặc chưa bật lộc, người dân nên dùng các biện pháp hạn chế lộc đông như: Khoanh cành, cuốc lật đất... Trong thời điểm này nên khoanh đau (dùng cưa khoanh vết rộng).
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân khoanh cành vải.
Các hộ cần theo dõi sát các vườn khi lộc chuyển sang bánh tẻ thì khoanh ngay và kết thúc khoanh vào thời điểm trước hoặc sau tiết Đông chí 10 ngày. Sau khi khoanh từ 2,5-3 tuần có thể phun các dòng thuốc ủ hoa và định kỳ 10-15 ngày/lần phun để tạo điều kiện cho cây ủ hoa thuận lợi nhất.
Đối với diện tích vải ra lộc lần 3 muộn (một số vườn ra lộc lần 4), hiện lộc đang phát triển thì nên tưới nước, bón 0,2 - 0,3 kg đạm Urê/cây để thúc lộc nhanh hoàn thiện, phun phòng trừ các đối tượng sâu gây hại lộc như: Sâu cuốn tổ, sâu róm, bọ xít, sâu đo... bằng các loại thuốc như: Sixtoc 700EC, Tasieu 1.9EC, hoạt chất Abamectin...
Người dân cuốc lật đất để hạn chế lộc đông trên cây vải.
Đối với các vườn đã áp dụng các biện pháp khoanh cành, cuốc lật đất, siết nước... mà vẫn ra lộc đông thì tiếp tục áp dụng biện pháp diệt lộc như: Ngắt lộc đông trong trường hợp lộc ra ít, rải rác; nếu lộc đông nhiều có thể phun DG6, Ethphon (400mg/lít) để diệt lộc; kết hợp phun chế phẩm HPC97 hoặc phun các loại phân bón lá giàu lân làm cho lá nhanh thành thục, bước sang giai đoạn phân hóa mầm hoa.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện cũng nhắc nhở người dân thường xuyên kiểm tra vườn, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại để phòng trừ; đặc biệt, không sử dụng thuốc trừ cỏ và những loại thuốc không được đăng ký sử dụng cho cây vải…
Quang Huấn- Vũ Đoàn