Xuân về gặp gỡ những nông dân tỷ phú từ trồng cây ăn quả

Những năm qua, trong phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đã có nhiều nông dân trên địa bàn để lại dấu ấn đột phá. Trở thành tỷ phú, triệu phú ngay trên từng thước đất, mảnh vườn của mình. Họ không chỉ làm giàu cho chính bản thân mình, mà còn giúp nhiều bà con khác vươn lên, góp sức xây dựng thương hiệu nông sản đặc sản huyện Lục Ngạn. Nhân dịp xuân Tân Sửu 2021, nhóm phóng viên của Trung tâm Văn hóa - Thông tin & Thể thao huyện đã có cuộc gặp gỡ những Tỷ phú nông dân tại các xã Quý Sơn, Thanh Hải và xã Hồng Giang trong khoảnh khắc đón chào năm mới.

Nông dân Trần Đình Én, sinh năm 1965, ở thôn Tân Trường, xã Thanh Hải là người tâm huyết theo đuổi nghề trồng bưởi ngọt theo mô hình hữu cơ. Bắt đầu trồng bưởi từ năm 2007, đến nay gia đình ông có khoảng 700 gốc bưởi gồm 2 giống chính là: bưởi Ngọt và Da xanh. 3 năm trước, ông Én bắt đầu mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác, từ truyền thống sang hữu cơ. Năm nay, vườn bưởi cho sản lượng gần 5 vạn quả Bưởi Ngọt và gần 10 tấn bưởi Da xanh được đánh là chất lượng, mẫu mã vượt trội. Do đó, việc tiêu thụ rất thuận lợi. Dịp tết, mỗi quả bưởi diễn của gia đình ông Én được bán với giá 20.000 đồng, bưởi da xanh có giá 30.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí, gia đình ông Én thu về gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, vườn bưởi của gia đình ông Én còn là một trong những điểm du lịch sinh thái bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, đã thu hút nhiều đoàn du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Ông Trần Đình Én (đứng thứ 3 từ phải sang) trong lần đón đoàn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường về thăm vườn bưởi của gia đình.

 

Cách đó gần chục cây số, vườn cam Ngọt rộng hơn 2 ha của hộ ông Lưu Văn Sáng sinh năm 1974 ở thôn Trại Ba, xã Quý Sơn cũng cho thu nhập từ 3 - 4 tỷ đồng/năm nhờ trồng theo mô hình hữu cơ. Do có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên năm nào vườn cam ngọt của gia đình ông Sáng cũng cho sản lượng, chất lượng cao, mẫu mã đẹp luôn được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, toàn bộ cây cam được ghép trên gốc cây bưởi, giúp cây luôn khỏe mạnh và cho năng suất cao. Tính riêng dịp tết này, gia đình ông Sáng đã bán gần 100 tấn quả có giá 50 nghìn đồng/kg, trừ mọi chi phí cũng đem lại thu nhập cho gia đình hơn 4 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường đến thăm vườn cam Ngọt trồng theo mô hình hữu cơ của gia đình anh Lưu Văn Sáng.

Song song với phát triển sản xuất, những năm qua HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hồng Xuân (HTX Hồng Xuân) ở xã Hồng Giang được xem là điểm sáng ở Bắc Giang về mô hình sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản như: hoa quả, cây giống, con giống có lợi thế ở huyện. Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc HTX Hồng Xuân, cho biết, HTX hiện có 11ha vải thiều trồng theo quy trình VietGAP, năm 2020 đạt 700 tấn, trong đó 30 tấn xuất sang châu Âu, khoảng 400 tấn xuất qua Trung Quốc, còn lại tiêu thụ trong nước. Vải thiều của HTX được khách hàng tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn so với bên ngoài 5-10%. Cùng với vải thiều, HTX còn có 12ha cam, bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP (80.000 quả bưởi Diễn, bưởi da xanh và cam đạt khoảng 700 tấn); các sản phẩm được tiêu thụ chính ở siêu thị, cửa hàng nông sản sạch. Ngoài ra, HTX còn tiêu thụ cho các tổ liên kết trong huyện 400 tấn vải, khoảng 100 tấn táo, na...Khi mới thành lập, xác định chất lượng là hàng đầu, không có chất lượng sẽ không có khách hàng. Do vậy, HTX đã chuyển sang trồng theo quy trình VietGAP nâng cao chất lượng, tìm kiếm khách hàng. Đồng thời xây dựng thương hiệu, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, phát triển bao bì cho sản phẩm. Đến nay, toàn bộ sản phẩm hoa quả của HTX đều truy xuất được nguồn gốc; mỗi năm đều nâng cao mẫu mã bao bì mới theo nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt, HTX còn quan tâm xây dựng các sản phẩm OCOP, đến nay sản phẩm vải thiều đạt 4 sao, cam ngọt (cam đường Canh) đạt 3 sao; cam lòng vàng, bưởi Diễn, bưởi da xanh đang được HTX xây dựng. Với những cách làm bài bản, hiện HTX có 18 thành viên, doanh thu 25 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân 500 triệu đồng/thành viên/năm, cùng với đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết thêm: hiện nay, trên địa bàn Lục Ngạn có khoảng 6.470 ha đang trồng các loại cây trồng có múi, nhiều năm qua huyện luôn xác định việc nâng cao chất lượng cây có múi thông qua chuyển đổi phương thức canh tác, từ vô cơ truyền thống sang hữu cơ là 1 yếu tố quan trọng để tăng giá thành cho sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có khoảng hơn 1.700 ha diện tích cây có múi đáp ứng đầy đủ quy trình sản xuất theo hướng Vietgap, trong đó: có hơn 2000 ha đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện để bán vào hệ thống siêu thị trong nước và xuất khẩu.

Bằng sự cần cù, chịu khó, tư duy nhạy bén cùng đôi bàn tay khéo léo, đã có rất nhiều nông dân để lại dấu ấn đậm nét trong sản xuất kinh doanh. Kết quả cụ thể nhất là số lượng các triệu phú, tỷ phú nông dân tại huyện Lục Ngạn ngày càng nhiều, trong đó có không ít những nông dân có mức thu nhập từ 3 - 4 tỷ đồng từ trông cây có múi/vụ/năm. Năm mới với niềm vui và hy vọng mới, mong cho 1 năm mưa thuận - gió hòa để nông dân Lục Ngạn tiếp tục nỗ lực, thi đua lao động sản xuất. Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững

Quỳnh Nga

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.