Triển vọng mô hình chăn nuôi thuỷ sản tổng hợp

Đầu năm 2020, ông Diệp Văn Liên (SN 1975), thôn Hai Cũ, xã Quý Sơn đã đầu tư chuyển diện tích ao thả cá thành khu chăn nuôi thuỷ sản tổng hợp, gồm: Ốc nhồi, lươn, ba ba. Đây là một trong những mô hình mới, nhiều triển vọng, được cấp uỷ, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp quan tâm.

          Gia đình ông Liên có 2 mẫu vườn trồng vải thiều, cam, bưởi sản xuất theo quy trình VietGAP, cộng với buôn bán nhỏ, mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Dù vậy, ông Liên vẫn luôn suy nghĩ phải mở mang chăn nuôi con đặc sản, vừa để thoả đam mê lại có thêm thu nhập.

Lãnh đạo huyện Lục Ngạn và xã Quý Sơn thăm mô hình chăn nuôi thuỷ sản tổng hợp của gia đình ông Diệp Văn Liên.

          Sau thời gian tìm hiểu qua sách, báo, trên mạng internet và thực tế, ông quyết định đầu tư vào mô hình nuôi ốc nhồi và lươn, bởi hiện nhu cầu tiêu thụ 2 sản phẩm này trên thị trường rất lớn, nhưng nguồn cung lại hạn chế. Nghĩ là làm, đầu năm 2020, ông Liên đầu tư gần 100 triệu đồng xây dựng 10 bể nuôi. Diện tích mỗi bể từ 5-25 m2 để tiện chăm sóc vật nuôi ở các giai đoạn khác nhau.

Ban đầu, ông Liên tìm mua 1 vạn ốc nhồi giống ở huyện Tân Yên và nhờ người quen ở tỉnh Thanh Hoá mua giúp 4 nghìn con lươn giống không bùn về nuôi. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên ốc nhồi, lươn sinh trưởng tốt. Sau gần 4 tháng nuôi, lứa đầu ông Liên thu hoạch và xuất bán được 3 tạ ốc nhồi thương phẩm thu về 30 triệu đồng, đồng thời lựa chọn được một số ốc bố mẹ làm giống. Đối với lươn, do thời gian nuôi lâu hơn nên hiện ông mới bán tỉa hơn 1 tạ, thu về 20 triệu đồng. Năm nay, tính đến thời điểm này, ông Liên đã thu hoạch được gần 5 tạ ốc thương phẩm, bán với giá bình quân 100 nghìn đồng/1 kg. 

Theo ông Liên, ốc nhồi dễ nuôi, ít dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào, đơn giản và sẵn có tại địa phương, như: Bèo tấm, bí, mướp, khoai lang và các loại lá cây… Bên cạnh đó, chi phí đầu tư mô hình không nhiều nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, phù hợp với người dân nông thôn.

Ông Diệp Văn Liên kiểm tra trọng lượng của baba Nam bộ.

 

Nhờ có đủ điều kiện chăn nuôi, tháng 8/2021, ông Liên được Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện hỗ trợ mô hình nuôi ba ba Nam bộ, với quy mô gần 240 con, trong đó Nhà nước nỗ trợ 70% giá giống. Đến nay sau quá trình chăm sóc, ba ba phát triển tốt, trọng lượng trung bình đạt 0,5 kg/1con.

“Tới đây tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất thêm 200 m2 bể nuôi. Mục tiêu, cung cấp lượng lớn ốc nhồi thương phẩm cho thị trường và nguồn giống chất lượng cao cho người dân”, ông Liên chia sẻ. Hiện ông đang nghiên cứu cải tạo nhiệt độ, môi trường nước giúp ốc sinh sản nhiều lứa để có sản phẩm bán quanh năm. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện nuôi lươn, ba ba sinh sản…

Đồng chí Vi Ngọc Văn, Bí thư Đảng uỷ xã Quý Sơn cho biết: “Mô hình chăn nuôi thuỷ sản tổng hợp của gia đình ông Liên bước đầu mang lại hiệu quả, thành công của mô hình sẽ là cơ sở để xã khuyến khích người dân nhân rộng trong thời gian tới”.

Quang Huấn

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.