Lục Ngạn: Phát huy hiệu quả từ mô hình Chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 05/8/2019 của BCH T.Ư Hội Nông dân (HND) Việt Nam (khóa VII) về "Đẩy mạnh xây dựng chi Hội nông dân (HND) nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp”, Hội nông dân huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo thành lập chi, tổ HND nghề nghiệp. Các mô hình này sau khi thành lập và đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, tạo nhiều sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
Anh Lã Văn Bẩy, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi chim bồ câu Pháp với thành viên tổ sản xuất |
Năm 2018, hộ anh Lã Văn Bẩy, thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn đầu tư hơn 200 triệu đồng xay dựng trạng trại nuôi chim bồ câu Pháp thương phẩm. Từ 200 đôi bồ câu giống ban đầu, đến nay anh đã phát triển lên 1,2 nghìn đôi bố mẹ. Do chim bồ câu có sức sinh sản và thời gian sinh trưởng nhanh, tiêu thụ thuận lợi. Giá bán tại chuồng bình quân từ 80 đến 88 nghìn đồng/con chim thương phẩm. Với hơn 1 nghìn đôi bố mẹ, bình quân mỗi tháng anh thu về hơn 20 triệu đồng tiền lãi. Để liên kết sản xuất, năm 2020, anh và 8 hộ trong thôn tham gia Tổ Hội nông dân nghề nghiệp nuôi chi bồ câu thương phẩm của Chi hội nông dân thôn Dọc Mùng. Khi tham gia tổ hội, anh và các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hiện Tổ có 8 thành viên nuôi hơn 11 nghìn đôi bồ câu. Hộ ít nhất 300 đôi, nhiều có 3,2 nghìn đôi. Ngoài gặp gỡ hàng ngày, định kỳ hằng tháng, các thành viên trong Tổ họp một lần, cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh, thống nhất giá bán và đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tìm nguồn thức ăn ổn định cho cả Tổ. Nhờ đó đến nay, việc sản xuất kinh doanh của các hộ đi vào nền nếp, cho thu nhập khá. Cứ 1 nghìn đôi bồ câu bố mẹ, trừ chi phí, chủ nuôi lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng; vai trò của tổ chức HND nâng lên. Ông Tô Văn Hải, Chủ tịch Hội nông dân xã Giáp Sơn chia sẻ: Việc thành lập tổ hội nông dân đã góp phần tập hợp, quy tụ những nông dân có cùng chí hướng làm giàu, cùng lĩnh vực, ngành nghề để cùng nhau liên kết, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất.
Thành viên chi hội sản xuất cây ăn quả Phì Điền học kinh nghiệm xử lý lộc đông trên cây vải thiều |
Xuất phát từ thực tế trong sản xuất cây ăn quả, năm 2020, Hội nông dân xã Phì Điền đã tuyên truyền, vận động các hội viên có cùng chí hướng để thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Phì Điền, với 45 thành viên. Ngay khi thành lập và đi vào hoạt động, Chi hội đã thực sự phát huy được hiệu quả tích cực. Để thuận tiện cho việc liên kết sản xuất, chi hội đã chia thành các tổ sản xuất theo từng loại cây như Vải thiều, Cam, bưởi và cây Táo. anh Nguyễn Văn Tiếp, Chi hội trưởng Chi HND nghề nghiệp trồng cây ăn quả xã Phì Điền cho biết: Để tạo tính chuyên biệt, chi hội đã chia thành các tổ sản xuất với từng loại cây ăn quả như: tổ sản xuất Vải thiều, tổ sản xuất cây có múi và tổ sản xuất cây táo; mỗi tổ có hình thức hoạt động đặc thù riêng, tạo tính chuyên nghiệp và trọng tâm trong khâu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như liên kết tiêu thụ.
Ông Bùi Xuân Sinh, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện (áo trắng) thăm mô hình trồng táo xuân của chi hội nông dân nghề nghiệp xã Phì Điền
|
Ông Bùi Xuân Sinh, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Lục Ngạn cho biết: Từ hai chi, tổ hội thành lập đầu tiên của huyện, đến nay, Hội nông dân huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo thành lập 37 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, với gần 380 thành viên là cán bộ, hội viên nông dân và hộ sản xuất kinh doanh cùng lĩnh vực, ngành nghề tham gia. Sau khi được thành lập, các chi, tổ hội đã hoạt động hiệu quả, trở thành nơi liên lết, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hội nông dân huyện phối hợp với cơ quan chuyên môn tạo nguồn vốn vay ưu đãi; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng các mô hình mẫu, đồng thời kết nối các DN, HTX trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Qua thực tế hoạt động, các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động đã và đang tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức Hội với phát triển KT-XH ở địa phương, làm tiền đề cho kinh tế tập thể phát triển. Từ hiệu quả bước đầu của các chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội nông dân huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, nhân rộng mô hình qua đó góp phần nâng cao tư duy tự lực, năng động sáng tạo của hội viên, tăng khả năng dẫn dắt đông đảo nông dân cùng phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.
Vũ Đoàn