Hội nông dân huyện Lục Ngạn mô hình sản xuất chế phẩm EM ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp
Sáng 10/11, Hội nông dân huyện phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo sản xuất chế phẩm sinh học E-mi-na (gọi tắt là EM) ứng dụng trong sản xuất và xử lý môi trường cho 58 cán bộ hội nông dân và hộ sản xuất của 29 xã, thị trấn trong huyện.
Quang cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về hiệu quả của chế phẩm E-mi-na (gọi tắt là EM) đối với trồng trọt; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản và xử lý môi trường. Trên cơ sở đó, hội nông dân huyện hướng dẫn quy trình sản xuất phân bón vi sinh từ việc tận dụng các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, sinh hoạt hàng ngày và những sản phẩm thừa trong sản xuất nông nghiệp tại hộ gia đình như rơm, rạ; rau, củ quả thải loại sạu thu hoạch và các loại hạt như đậu tương, và bột cá…Sau khi xử lý ngâm, ủ sẽ tạo ra sản phẩm phân bón vi sinh bón cho cây trồng, nhất là cây ăn quả hiện nay. Ngoài ra, chế phẩm EM còn có tác dụng trong việc xử lý, làm sạch môi trường chăn nuôi và ao, hồ chăn nuôi thủy sản và sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng, trừ sâu bệnh trên cây trồng…
Đồng chí Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội nông dân huyện triển khai một số nội dung tại hội thảo |
Thực tế, trong bối cảnh chi phí mua phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hiện nay ngày một tăng cao, thì việc sản xuất chế phẩm EM để ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi của bà con nông dân sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe con người. Từng bước đưa nông nghiệp phát bền vững theo hướng sản xuất kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả cao.
Các đại biểu dự hội thảo
|
Sau hội thảo, Hội nông dân huyện Lục Ngạn chỉ đạo các cơ sở hội lựa chọn, mỗi xã xây dựng ít nhất một mô hình sản xuất phân vi sinh, từ đó triển khai nhân rộng ra toàn huyện.
Vũ Đoàn