Rộn ràng mùa cam Tân Mộc

Những ngày này, các nhà vườn ở huyện Lục Ngạn đang bước vào thu hoạch cây có múi; trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh; các thương nhân ở một số tỉnh đang tìm đến để thu mua cam, bưởi cho bà con nông dân. Thời điểm này Lục Ngạn đã tiêu thụ khoảng 15 nghìn trong tổng số hơn 60 nghìn tấn cam, bưởi.

          Gia đình anh Vũ Công Hiến, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc có 5 ha trồng cam; trong đó cam lòng vàng 3 ha, sản lượng năm nay ước đạt khoảng 50 tấn quả, cam ngọt diện tích 2 ha, sản lượng khoảng 30 tấn quả.

Gia đình anh Vũ Công Hiến, thôn Đồng Quýt thu hoạch cam lòng vàng.

Do có sản lượng cam lớn cùng với áp dụng sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, nên năm nào thương nhân cũng vào tận vườn thu mua. Năm nay do dịch Covid-19 diễn biến khó lường nên cam chín đến đâu, gia đình thu hái ngay đến đó để tránh rủi ro. Để bảo đảm việc thu hái, gia đình anh Hiến đã thuê gần chục nhân công cho các công đoạn thu hoạch.

Trên dọc các tuyến đường thôn thuộc xã Tân Mộc, xuất hiện nhiều xe tải từ các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình đến gom hàng. Trong quá trình thu mua, các thương nhân đều thực hiện nghiêm quy định 5K trong phòng, chống dịch. Các xe tải sau khi gom đủ hàng sẽ di chuyển đến các tỉnh, thành phố lớn và các tỉnh phía Nam để tiêu thụ.

Chị Dương Thu Hương, Thương nhân ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương cho biết: “Tôi đã mua cam cho bà con ở huyện Lục Ngạn cách đây hơn 10 năm và đem đi tiêu thụ ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Cam Lục Ngạn được người tiêu dùng đánh giá cao vì có mã đẹp, ăn ngon”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Mậu, cùng thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc cũng trồng gần 3 ha cam ngọt và cam lòng vàng. Vụ này, vườn cam của gia đình anh cho thu hoạch khoảng hơn 40 tấn quả, giá bán bình quân 16 nghìn đồng/1kg. Đặc biệt, đây là vụ đầu tiên, anh Mậu thí điểm mô hình sản xuất cam theo hướng hữu cơ do Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện hỗ trợ trên diện tích 2 ha cam. Nhờ chăm sóc theo đúng hướng dẫn nên chất lượng cam năm nay cao hơn năm trước; đặc biệt sản phẩm cam của gia đình anh Mậu đã được cấp mã truy suất nguồn gốc. Tuy nhiên do trồng trên diện tích đất đồi nên cam của gia đình anh Mậu chín muộn hơn các vườn khác nên sẽ cho thu hoạch muộn hơn ít ngày so với thời vụ.

Anh Nguyễn Văn Mậu (áo xanh), thôn Đồng Quýt trao đổi kỹ thuật sản xuất cam lòng vàng với cán bộ khuyến nông xã Tân Mộc.

 

Theo ông Vũ Duy Giáp, Chủ tịch UBND xã Tân Mộc: Tổng diện tích cây có múi của xã Tân Mộc thời điểm này có hơn 780 ha, giảm khoảng 300 ha so với năm trước. Nguyên nhân do một số diện tích cây cam bị hỏng, chết do sâu bệnh hại. Những diện tích trên xã đã tuyên truyền nhân dân chuyển đổi một số loại giống mới vào trồng thử nghiệm, sau đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng. Đối với diện tích còn lại tiếp tục tuyên truyền nhân dân đẩy mạnh thâm canh, chăm sóc, sản xuất theo hướng VietGap, hữu cơ, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

          “Người dân xã Tân Mộc cần cù, sáng tạo, luôn đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Từ trồng cây ăn quả, nhân dân đã xoá được đói, giảm được nghèo, nhiều người có mức thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm”- ông Giáp nói.

Những năm qua, huyện Lục Ngạn đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, gắn kết doanh nghiệp vào các khâu, nâng cao vai trò của HTX trong việc quản lý giống cây, đồng thời quan tâm xử lý tốt vấn đề môi trường. Do đó, cùng với chính sách phát triển phù hợp trong xây dựng thương hiệu nông sản, nông dân Lục Ngạn cũng đang từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để đưa Lục Ngạn trở thành vùng trái cây an toàn, chất lượng.

 

Quang Huấn-Vũ Đoàn

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.