Nuôi chim bồ câu Pháp hướng thoát nghèo ở Dọc Mùng

Từ năm 2015 đến nay, nhiều hộ dân ở thôn Dọc Mùng, thôn đồng bào dân tộc Nùng khó khăn của xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn đã đầu tư mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sau nhiều năm chật vật với nghề chăn nuôi lợn, gà, rồi con Nhím, năm 2015, anh Vi Văn Lương, sinh năm 1979, dân tộc Nùng, thôn Dọc Mùng, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) đã chọn chăn nuôi chim bồ câu Pháp để phát triển kinh tế. Ban đầu, anh Lương gom góp gần 100 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 200 đôi chim bồ câu Pháp giống về nuôi. Nhờ được anh em, bạn bè tư vấn kỹ thuật, 200 ô chuồng chim bồ câu của gia đình anh phát triển và sinh sản tốt.

 

Anh Vi Văn Lương  đang chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với cán bộ hội nông dân xã

 

Anh Lương chia sẻ: Những năm đầu, vừa gây giống để nhân đàn, vừa bán một phần chim thịt để tái sản xuất. Thấy hiệu quả, năm 2017 gia đình mở rộng quy mô chuồng nuôi, nhờ vậy, đến nay, gia đình luôn duy trì nuôi trên 3.000 đôi chim câu bố mẹ. Trong đó hơn 1 nghìn đôi đang cho khai thác. Bình quân mỗi tháng anh cho xuất bán gần 2 nghìn con chim thịt, thu hơn 50 triệu đồng tiền lãi.

Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi của gia đình anh Lương, nhiều hộ trong thôn cũng mạnh dạn làm theo. Để khuyến khích các hộ và gia đình hội viên nông dân phát triển chăn nuôi, Chi hội nông dân thôn Dọc Mùng đã phối hợp với cấp trên tạo điều kiện cho người dân tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi. Vì thế, số hộ nuôi chim bồ câu Pháp ngày một nhiều. Đến nay đã có gần 20 hộ trong thôn đầu tư mô hình chăn nuôi chim bồ câu Pháp; hộ nuôi ít nhất khoảng gần 200 đôi, nuôi nhiều lên đến hơn 3 nghìn đôi giống bố mẹ. 

 

 Quang cảnh trang trại chim bồ câu Pháp của anh Lương

 

Với cương vị là Chi hội trưởng hội nông dân, Bí thư Chi đoàn thanh niên, ngoài việc tuyên truyền cán bộ, hội viên và thanh niên làm theo, anh Vi Văn Vít cũng đầu tư 80 triệu đồng chăn nuôi chim câu. Sau 1 năm chăn nuôi, gia đình anh Vít đã thoát nghèo. Hiện quy mô đàn chim của gia đình anh đã lên đến hơn 500 đôi. Mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng.

Anh Tô Văn Hải, Chủ tịch Hội nông dân xã Giáp Sơn cho biết: Qua thực tế chăn nuôi cho thấy, mô hình chăn nuôi chim bồ câu pháp có nhiều ưu điểm, dễ làm, sinh sản nhanh, giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Chỉ mất vốn đầu tư ban đầu nhưng có tính phát triển bền vững. Bình quân, mỗi hộ chỉ cần đầu tư hơn 50 triệu để nuôi gần 200 đôi chim câu giống, sau gần 5 tháng cho sinh sản. Với giá bán chim thịt hiện nay tại chuồng từ 120 đến 130 nghìn đồng/đôi và 200 nghìn đồng/1 đôi giống.  Từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp thôn Dọc Mùng, Hội nông dân xã cũng đã có hướng tuyên truyền nhân rộng ra một số chi hội trong xã, đồng thời hướng thành lập các tổ nhóm sản xuất, tạo hướng đi bền vững cho mô hình.

Là một thôn vùng xa, có đông đồng bào dân tộc, nằm giáp Trường bắn Quốc gia TB1, diện tích canh tác hẹp, đời sống kinh tế của người dân trước đây gặp khó khăn. Do vậy, việc phát triển chăn nuôi chim bồ câu đã góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con. Năm 2019, thôn Dọc Mùng đã có thêm 8 hộ thoát nghèo.

Vũ Đoàn

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.