Hiệu quả nguồn vốn sản xuất kinh doanh vùng khó khăn ở Đồng Cốc

Từ nguồn vốn vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn theo quyết định số 31, ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, gia đình chị Nguyễn Thị Liên, thôn Tư Thâm, xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn đã đầu tư mô hình chăn nuôi hiệu quả.

Gia đình chị Nguyễn Thị Liên trước đây thuộc diện khó khăn của thôn Tư Thâm, xã Đồng Cốc. Mặc dù có nhiều đất đai nhưng mãi loay hoay không biết trồng cây gì, hay nuôi con gì hiệu quả. Thế rồi đến năm 2020, trong một lần tìm hiểu qua sách báo và tới thăm thực tế mô hình nuôi trâu thương phẩn tại Bắc Giang, Hà Nội, chị đã bàn bạc với gia đình để thực hiện ước mơ làm giầu.

Chị Nguyễn Thị Liên, thôn Tư Thâm, xã Đồng Cốc chăm sóc đàn trâu.

 

Được tiếp cận nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ số tiền 50 triệu đồng, cộng với số vốn tích cóp được, chị đã đầu tư chuồng trại nuôi trâu thương phẩm. Tùy theo thời điểm và nguồn kinh phí, có lứa chị nuôi tới gần 20 con, còn hiện tại chị đang chăm sóc 9 con chuẩn bị được xuất bán.

Để đàn gia súc có nguồn thức thức ăn dồi rào, chị đã trồng hơn 1 ha cỏ voi quanh nhà, trên khu vực đồi cao. Theo chi Liên, đối với trâu lớn sau khi mua về có thể chăm sóc từ 3 đến 4 tháng là có thể xuất bán; trâu nhỏ chăm sóc khoảng 1 năm. Tùy theo giá bán ở từng thời điểm, mỗi con sau khi chăm sóc xuất bán, chị thu lãi từ 5 đến 6 triệu đồng. Chị Liên cho biết, sau khi thu hoạch vải thiều xong, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư lứa mới với khoảng 15 con trâu cùng 40 con bò.

Không chỉ gia đình chị Liên, nhiều hộ gia đình ở xã Đồng Cốc cũng đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này để mở mang sản xuất, kinh doanh đem lại hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giầu.

Theo ông Lưu Minh Phú, Chủ tịch UBND xã Đồng Cốc, nguồn vốn chính sách đã thực sự có ý nghĩa đối với người dân nơi đây. Trước đây Đồng Cốc là xã nghèo của huyện Lục Ngạn, nhưng giờ đây xã đã được công nhận đạt nông thôn mới, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no.

Thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn vay theo quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện đến nay đã có hàng nghìn người được tiếp cận, với tổng dư nợ đạt gần 150 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay tập trung vào chăn nuôi, trồng, chăm sóc cây ăn quả, mua công cụ, mở rộng sản xuất kinh doanh. Chương trình này mang lại hiệu quả thiết thực, giúp mở rộng ngành nghề, thu hút lao động, khai thác tiềm năng rừng, tạo sản phẩm mới, thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Đặc biệt từ chương trình này đã góp phần xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới tại các xã vùng khó khăn.

 

Quang Huấn- Vũ Đoàn

 

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.