Hấp dẫn du lịch sinh thái vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn

Lục Ngạn là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Thiên nhiên đã ưu đãi, ban tặng cho Lục Ngạn một vùng đất rộng lớn, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, đã tạo điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn trở thành một vùng cây ăn quả trù phú với nhiều sản vật trái cây thơm ngon nức tiếng gần xa. Tổng diện tích cây ăn quả của huyện hiện nay là trên 28.000 ha, trong đó có nhiều loại trái cây đặc sản như: Vải thiều, nhãn, cam ngọt, cam lòng vàng, bưởi ngọt, bưởi da xanh….

Đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện thăm nhà vườn Trần Đình Én, xã Thanh Hải.

Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để đón khách du lịch thăm quan, trải nghiệm; từ tháng 1 đến tháng 3 có cam V2 và táo, hoa mận, hoa cam, bưởi và vải; tháng 3 ngắm hoa và trải nghiệm quay mật ong; tháng 5,6,7 có sản phẩm vải thiều; tháng 7, 8 có nhãn; tháng 9 đến tháng 12 có cam, bưởi, táo, ổi, chuối... Những mùa thu hoạch, du khách có thể trải nghiệm tận tay hái quả tại vườn. Ngoài ra, Nhân dân Lục Ngạn còn có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc các loại cây ăn quả cho sản phẩm quanh năm như ổi, thanh long, bưởi da xanh, mít, chuối... Chất lượng các sản phẩm cây ăn quả Lục Ngạn ngày càng cao, đậm vị, hình thức đẹp nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Vùng đất Lục Ngạn giàu truyền thống lịch sử, văn hoá; nơi còn lưu giữ, bảo tồn nhiều di sản văn hoá phi vật thể như hát Sloong hao, hát Sli, hát Then, hát Lượn… đặc biệt, dân ca Sán Chí xã Kiên Lao, dân ca Cao Lan xã Đèo Gia, hát Then của dân tộc Tày Nùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; có nhiều di tích được xếp hạng, tiêu biểu phải kể đến di tích quốc gia chùa Am Vãi- xã Nam Dương, đền Hả- xã Hồng Giang.

Cùng với những giá trị đặc sắc về văn hoá, Lục Ngạn có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp như: hồ Cấm Sơn được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”; hồ Khuôn Thần thơ mộng, yên bình; hồ làng Thum, hồ Bầu Lầy ẩn mình trong các ngôi làng; suối Cặm, suối Đấy, suối Tà Cang hoang sơ, kỳ vĩ...

Ngoài ra, Lục Ngạn có 3 làng nghề truyền thống là: Làng nghề mỳ Chũ, xã Nam Dương; làng nghề rượu mem lá xã Kiên Thành; làng nghề cây cảnh thôn Bồng 1, xã Thanh Hải. Không những thế, ẩm thực của người dân Lục Ngạn rất đặc sắc, có nhiều món ăn ngon đặc trưng theo mùa, theo vùng với hương vị riêng, là đặc sản nổi tiếng.

Những lợi thế trên là điều kiện thuận lợi để Lục Ngạn phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút khách tham quan, trải nghiệm quanh năm, trải rộng tại các địa phương trong toàn huyện. Khu vực vùng núi cao tập trung tại các xã vùng lòng hồ Cấm Sơn, Phong Minh, Sa Lý; khu vực vùng thấp du lịch sinh thái cộng đồng vùng cây ăn quả. Đồng thời kết hợp tham quan các di tích, trải nghiệm văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Trong những năm qua, huyện Lục Ngạn luôn quan tâm, có nhiều giải pháp từ công tác tuyên truyền quảng bá, học tập kinh nghiệm, đầu tư hạ tầng, xây dựng sản phẩm du lịch đến huy động và nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân khi tham gia làm du lịch. Chính vì vậy, du lịch trên địa bàn huyện Lục Ngạn có những phát triển vượt bậc, tạo dấu ấn mạnh mẽ; nhiều đơn vị lữ hành đã kết nối tour đưa khách về Lục Ngạn; nhiều hợp tác xã du lịch của huyện đã trực tiếp tổ chức đưa đón và phục vụ các đoàn khách đến tham quan trọn gói tại huyện. Nhiều du khách đến Lục Ngạn rất hào hứng, vui vẻ, mong muốn được trở lại. Đó là cơ sở, là động lực, là sự khích lệ để Lục Ngạn tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch hơn nữa trên địa bàn.

Anh Nguyễn Văn Hữu, thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải hướng dẫn du khách trải nghiệm vùng cây ăn quả.

 

Đến Lục Ngạn, ngoài tham quan, ngắm cảnh hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, các vườn cam bưởi, vải thiều, táo, ổi, thanh long..., thưởng thức quả ngọt 4 mùa, du khách còn đi thăm chùa Am Vãi, cảm nhận giây phút yên bình thư thái, hít thở không khí trong lành của thiên nhiên. Chùa Am Vãi là một trong những ngôi chùa cổ thời Lý Trần, tọa lạc trên sườn Tây Yên Tử, trên đỉnh núi cao 438m so với mực nước biển. Đứng từ đỉnh núi du khách có thể quan sát toàn bộ thung lũng là các làng xóm, vườn cây trái trải rộng, sông Lục Nam uốn lượn như dải lụa.

Ngoài ra còn có đền Hả, xã Hồng Giang và chùa Khánh Vân, thị trấn Chũ. Không đơn thuần là những điểm đến thanh tịnh, an lành, du khách khi tham gia những tour du lịch này còn hiểu hơn về văn hóa của người dân địa phương, được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trong hành trình của mình. 

Để thúc đẩy du lịch sinh thái cộng đồng, Lục Ngạn xây dựng 4 điểm du lịch khu vực hồ Cấm Sơn gồm các xã Cấm Sơn, Tân Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải; xây dựng 7 điểm du lịch cộng đồng vùng cây ăn quả gồm các xã Mỹ An, Tân Mộc; Quý Sơn; Thanh Hải; Hồng Giang; Tân Quang; Tân Sơn. Đồng thời, xây dựng điểm du lịch văn hóa tâm linh đền Hả, xã Hồng Giang; chùa Am Vãi, xã Nam Dương.

Lục Ngạn có đủ tiềm năng để thu hút khách tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng quanh năm, trải rộng các địa phương trong toàn huyện. Việc xây dựng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn với 2 không gian du lịch chính là khu vực hồ Cấm Sơn và vùng cây ăn quả, đồng thời bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng tại làng cổ Bắc Hoa, xã Tân Sơn, qua đó. giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường…

 

Quang Huấn

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.