Hướng dẫn chăm sóc một số loại cây trồng tháng 4 năm 2022

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn trung ương:  Giữa tháng 4 đầu tháng 5 do cường độ áp thấp nóng phía tây hoạt động mạnh dần nên nhiệt độ trung bình tăng lên dao động từ 23,5-24,50C, những cơn mưa rào do thời tiết chuyển mùa kèm theo hiện tượng mưa đá, giống lốc và gió giật mạnh, tổng lượng mưa từ 200-400mm, độ ẩm trung bình từ 80-90%. 

           Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn chăm sóc một số loại cây trồng tháng 4 năm 2022, cụ thể như sau:

1. Cây ăn quả

           1.1 Cây Vải

 Trà vải sớm đang triển quả non; trà chính vụ đang trong giai đoạn tàn hoa và phát triển quả non.

 Khuyến cáo nhân dân thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình phát triển của quả và sâu bệnh hại và thực hiện một số biện pháp sau:

+ Đối với những vườn chưa tỉa cành cần tiến hành tỉa cành ngay sau khi tàn hoa, tỉa các cành khuất, cành trong tán, cành không mang quả, cành sâu bệnh... cần tỉa thưa, thông thoáng để hạn chế sự trú ngụ của sâu bệnh và  tập trung dinh dưỡng cho cành mang quả chính phát triển.

+ Bón phân đầy đủ bằng cách bổ hốc xung quanh tán cây, sau đó bón phân, lấp đất và tưới nước; Có thể hòa phân vào nước để tưới hoặc rắc phân sau đó tưới nước. Không bón phân bằng cách xẻ rãnh sâu và liên tục sẽ làm ảnh hưởng đến bộ rễ hút phân của cây. Lượng phân bón từ 1,5-3kg/cây tùy thuộc vào tuổi cây, lượng quả và chất đất (nên dùng những loại phân tổng hợp NPK có hàm lượng lân và kali nhiều).

+ Bổ sung các nguyên tố vi lượng (Bo, Ca, Fe, Zn, Mn...) bằng các loại phân bón lá để ức chế quá trình hình thành tầng rời và hạn chế các đợt rụng quả sinh lý.

   + Các đối tượng sâu gây hại trong giai đoạn này chủ yếu là: Sâu đo, sâu róm, sâu đục cuống quả, bọ xít, rệp muội,...khuyến cáo phun trừ bằng một trong những loại hoạt chất Emamextin 5WG, Abamectin 1.8 - 3.6EC, Cypermethrin... hoặc một số loại thuốc như: Moclodan 300EC, Peran 50EC, Goodcheck 780wp,Trebon 10EC, Cyrin 25EC, Kinalux 25EC ...

  + Các đối tượng bệnh gây hại chủ yếu như: Bệnh sương mai, thán thư, đốm nâu (một chủng của thán thư), xanh chàm...khuyến cáo phun bằng một trong các loại hoạt chất như: Azoxystrobin, Difenoconozole, Mancozeb...các loại  thuốc: Anvil 5SC, Amistartop 325SC, Ridomil Gol 68 WP, Polyram 80DF, Ricide 72WP...

           1.2 Cây Nhãn      Hiện tại cây Nhãn đang giai đoạn tàn hoa và phát triển quả non, khuyến cáo nhân dân thường xuyên thăm vườn, bón phân cho cây (chọn các loại phân NPK tổng hợp  chứa nhiều Lân và Kali) kết hợp với tưới nước đủ ẩm và phun phòng trừ các đối tượng sâu bệnh như: bọ xít, sâu róm, bệnh sương mai...bằng các loại thuốc như khuyến cáo đối với cây vải.              

          1.3 Cây có múi (cây Cam ngọt, cây Bưởi, cam Lòng vàng...)

  • Đối với cây Cam ngọt: Những vườn cam mới khoanh chống rụng quả và giữ quả: Sau thời gian khoanh theo dõi các quả trên cây xanh ổn định thì tiến hành tưới nước giữ độ ẩm và phun các loại phân bón lá như Botrac, Bo hữu cơ ...để bổ sung vi lượng và hạn chế rụng quả;

  • Đối với cây bưởi Ngọt, bưởi Da xanh và cây cam Lòng vàng: Trong giai đoạn phát triển quả non. Khuyến cáo thường xuyên thăm vườn, tưới nước kết hợp bón phân tạo điều kiện cho quả phát triển (khuyến cáo chọn các loại phân bón chứa hàm lượng lân nhiều), phun bổ sung các nguyên tố vi lượng bằng các loại phân bón lá cùng với các đợt phun thuốc sâu; 

   Các đối tượng sâu gây hại chủ yếu trong giai đoạn này: Bọ trĩ, vẽ bùa, nhện đỏ, nhện trắng, rệp các loại...bằng các loại hoạt chất như: AlphaCypermethrin, Special Additives, Thiamethoxam... các loại thuốc như: Sokupi 3.6 AS, Cyperan 10 EC, Karate 25EC, Otusr 5SC, Masahal 200SC, Pegasus

500SC...; Chủ động phòng trừ một số bệnh như sương mai, mốc sương... hại quả nhỏ bằng các loại thuốc như: Score 250 EC, Ridomil Gold 68 WG...;

          2. Cây hàng năm

  2.1. Cây lúa  Hiện nay trà chính vụ lúa đang giai đoạn đẻ nhánh; Trà muộn đang bén rễ, hồi xanh, cần tiến hành làm cỏ sục bùn và bón thúc lần 1, bón thúc lần 2 sau bón thúc lần 1 khoảng 10 - 15 ngày. Khi lúa chuẩn bị đứng cái có thể tháo cạn nước, nhằm giúp rễ ăn sâu, hút được nhiều dinh dưỡng và hạn chế lúa đổ sau trỗ, sau đó đưa nước trở lại ruộng và tiến hành bón thúc lần 3 (bón đón đòng) với tỷ lệ 1 đạm

: 2 kali; 

 Chú ý phòng trừ các đối tượng như: Ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu ăn lá, sâu cuốn lá, bệnh nghẹt rễ sinh lý, đốm sọc vi khuẩn...

2.2. Cây lạc và cây đậu đỗ các loại

  • Đối với những diện tích trồng sớm: Cây đang thời kỳ phát triển thân lá. Để cây sinh trưởng tốt cần tưới nước bổ sung cho cây khi thời tiết khô hạn kéo dài. Tiến hành bón thúc lần 2 kết hợp làm cỏ, vun gốc khi cây đỗ chuẩn bị ra hoa và khi cây lạc đã ra hoa rộ 5 - 7 ngày; 

  • Đối với diện tích trồng muộn: Khi cây mọc được 3 - 4 lá thật tiến hành xới phá váng (xới nhẹ) kết hợp làm cỏ và bón thúc lần 1;

  Cần chú ý phòng trừ các đối tượng như: Sâu xám, sâu khoang, bệnh gỉ sắt, đốm lá... 

Lưu ý:  Sử dụng các loại thuốc BVTV theo đúng nồng độ, liều lượng và thời gian cách ly theo khuyến cáo trên bao bì.

Yêu cầu cán bộ Khuyến nông, Thú y cơ sở thường xuyên đi cơ sở, tuyên truyền, khuyến cáo, hướng dẫn nhân dân chăm sóc tốt một số loại cây trồng tháng 4 năm 2022.

Đề nghị Trung tâm Văn hoá - Thông tin và Thể thao huyện; UBND các xã, thị trấn phối hợp tuyên truyền, chỉ đạo./.

 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.