Chất lượng làm nên thương hiệu trái cây Lục Ngạn

Những năm gần đây, vùng đất Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng với sản phẩm vải thiều thơm ngon, mát bổ mà còn trở thành vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm của khu vực phía Bắc với tập đoàn cây ăn quả trù phú chất lượng như: cam, bưởi, nhãn, ổi, táo.... đang mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.    

          Năm 2021, diện tích trồng cây ăn quả của Lục Ngạn gần 28 nghìn ha, với tổng sản lượng quả tươi ước đạt hơn 180 nghìn tấn. Tổng thu nhập từ cây ăn quả năm ước đạt khoảng hơn 3.300 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất nông- lâm nghiệp, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt bình quân hơn 130 triệu đồng/ha, cá biệt có những diện tích vải thiều, táo cho thu nhập cả tỷ đồng/năm. Cây có múi tập trung chủ yếu ở các xã: Hồng Giang, Tân Mộc, Thanh Hải, Giáp Sơn, Quý Sơn..., năm nay sản lượng cam, bưởi của toàn huyện ước đạt 60 đến 70 nghìn tấn, tăng hơn 2 nghìn tấn so với năm trước.

Người dân xã Tân Quang thu hoạch bưởi ngọt

          Đối với vải thiều, thời gian thu hoạch từ 20/5 đến 20/7 (dương lịch), sản lượng từ 90 đến 120 nghìn tấn; nhãn thu hoạch từ 25/7 đến 20/9, sản lượng bình quân từ 5 đến 8 nghìn tấn; bưởi da xanh diện tích 537 ha, thời gian thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 11, sản lượng khoảng 2.500 tấn; cam lòng vàng diện tích 1.721 ha, thời gian thu hoạch từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau, sản lượng từ 16 đến 20 nghìn tấn; cam ngọt diện tích 2.180 ha, thời gian thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, sản lượng từ 28 đến 32 nghìn tấn; cam V2 diện tích 241 ha, thời gian thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3, sản lượng từ 1.600 đến 1.800 tấn; bưởi ngọt diện tích 1.715 ha, thời gian thu hoạch từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau, sản lượng từ 13 đến 16 nghìn tấn.

Không vui sao được, khi mà Lục Ngạn vừa trải qua vụ vải thiều thành công ngoài mong đợi trước thời tiết bất thường, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Với những cách làm chủ động, sáng tạo, cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng trong huyện đã khắc phục khó khăn trong khâu tiêu thụ, góp phần tạo nên thành công của vụ thu hoạch vải thiều.

Đặc biệt ấn tượng với những ai đến với Lục Ngạn vào dịp này là nhiều con đường nông thôn mới chạy dài vào các thôn xóm, ra tận những cánh đồng. Từ thực tế địa phương, huyện xác định chuyển đổi mô hình sản xuất, cơ cấu cây trồng phải đi trước một bước; sau đó sẽ tính đến cơ sở hạ tầng. Bởi khi điều kiện kinh tế của người dân ổn định, sẽ có điều kiện đối ứng với nhà nước. Với cách làm này, đến nay giao thông ở huyện miền núi Lục Ngạn đã được cứng hoá cả nghìn km (riêng năm 2019 huyện đã cứng hóa được 750km đường giao thông nông thôn)- đáng nói là ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, sức dân đóng góp là không nhỏ. Có đường lớn, phẳng đẹp, các sản phẩm hàng hóa của nông dân đã rộng đường tỏa đi các địa phương, con số tỷ phú nông dân nơi đây theo đó ngày một nhiều hơn.

Người dân xã Tân Mộc chăm sóc cam lòng vàng

Việc tiêu thụ trái cây mấy năm gần đây gặp nhiều thuận lợi hơn so với những năm trước. Thậm chí, quả chưa chín đã có thương lái đến tận vườn đặt cọc để thu mua. Tuy nhiên, trong lúc nhiều địa phương cũng đang đua nhau trồng cây có múi, việc tổ chức sản xuất thế nào để nguồn cung không bị thừa, sản phẩm không bị rớt giá cũng là bài toán mà huyện đã tính đến.

UBND huyện đã có chiến lược quy hoạch bài bản cho từng loại cây. Trước mắt, sẽ tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cho diện tích hiện có, bao gồm 15.290ha vải thiều, gần 7 nghìn ha cam, bưởi và hơn 5 nghìn ha các loại cây ăn quả khác. Song song với đó, sẽ hỗ trợ, hướng dẫn các nhà vườn, hợp tác xã xây dựng chỉ dẫn địa lý, áp dụng quy trình sản xuất an toàn để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm từ cây có múi, từng bước đưa các sản phẩm tiêu thụ xa hơn, với số lượng và giá trị cao hơn.

Sau những tâm huyết, nỗ lực để trái vải thiều có chỗ đứng, có thương hiệu; để việc xuất khẩu vải thiều được qua cửa riêng, thông quan không kể giờ giấc; giờ đây, lãnh đạo huyện Lục Ngạn lại tiếp tục tìm cách tiêu thụ cho cam, bưởi, ổi, táo. Với người nông dân nơi đây, không chỉ lao động với tinh thần “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, đa phần các hộ sản xuất nay đã chủ động, tự tin hơn khi nắm vững kỹ thuật để quyết định cho cây ra trái thời điểm nào, điều chỉnh kích cỡ, độ đậm- nhạt ra sao...

Tất cả đang tạo nên những chuyển biến tích cực từ tổ chức sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đi cùng với đó là thu nhập vượt trội của các nhà vườn. Làm được như nông dân, như nông nghiệp ở Lục Ngạn, theo đó trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều người, nhiều địa phương.

Mùa thu về, đi giữa vườn cam, vườn bưởi lúc lỉu trái vàng, ngắm nhìn những ngôi nhà vườn hiện đại được xây dựng từ công sức lao động... mới thấy trân trọng hơn sức cần lao của người dân và tiềm năng mà vùng đất này mang lại.

 

Quang Huấn- Vũ Đoàn

 

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.