Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất Dưa chuột lai xuất khẩu

Nếu như mấy năm trước, nhiều cánh đồng trên địa bàn xã vùng cao Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chủ yếu trồng lúa và cây rau màu hiệu quả thấp, thì nay được phủ xanh bởi cánh đồng bạt ngàn dưa chuột lai xuất khẩu. Giống cây mới này đưa vào sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Đầu tháng 2/2022, gia đình ông Nông Văn Tĩnh, thôn Bến, xã Cấm Sơn là một trong số những hộ tham gia mô hình liên kết sản xuất cây Dưa lai xuất khẩu do Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Lục Ngạn triển khai. Được sự hỗ trợ của mô hình, ông Tĩnh đã mạnh dạn trồng 3 sào dưa. Sau hơn 40 ngày trồng chăm sóc, cây dưa đã cho thu hoạch, với sản lượng cao. Hiện ông thu hoạch được gần 3 tấn quả; thời điểm rộ, bình quân mỗi ngày ông Tĩnh thu khoảng 2 tạ quả. Sản phẩm thu hoạch đến đâu được HTX Toàn Phát Lục Ngạn (đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm) thu mua hết đến đó, với giá ổn định 3 nghìn đồng/kg. Theo ông Tĩnh, 1 sào dưa cho sản lượng từ 2,5 đến 3 tấn quả; trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 5 đến 6 triệu đồng/sào/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Lãnh đạo UBND xã Cấm Sơn và Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Ngạn kiểm tra mô hình trồng dưa chuột lai tại thôn Bến

Nhờ tuân thủ kỹ thuật chăm sóc nên diện tích dưa lai của các hộ tham gia mô hình phát triển tốt, đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ với sản lượng cao. Do hợp đồng liên kết chặt chẽ từ trước với HTX, nên sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi ngay đầu vụ. Anh Vy Văn Toàn, Giám đốc HTX Toàn Phát Lục Ngạn chia sẻ: Năm nay, mặc dù thời tiết không thuận lợi do ảnh hưởng của mưa lũ, song năng xuất, chất lượng dưa của mô hình vẫn đạt cao, thị trường tiêu thụ gặp nhiều thuận lợi. Đến nay, HTX đã thu mua khoảng gần 200 tấn dưa; bình quân, mỗi ngày HTX thu mua khoảng 10 đến 15 tấn sản phẩm. Toàn bộ sản phẩm được HTX cung ứng cho Công ty GOC, Bắc Giang, nên bà con cũng rất mừng.

Với mong muốn khai thác hiệu quả tiềm năng đất nông nghiệp ở địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, nhất là các xã vùng lòng hồ Cấm Sơn, đầu năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Lục Ngạn đã triển khai mô hình trồng dưa lai xuất khẩu tại 2 xã Hộ Đáp và Cấm Sơn, với tổng diện tích 9,5ha. Trong đó phần lớn diện tích được trồng tại xã Cấm Sơn, khoảng 7,5ha, với 124 hộ ở 6 thôn trong xã tham gia.

Ông Nông Văn Thêm, Phó Chủ tịch UBND xã Cấm Sơn, Lục Ngạn cho biết: Thực tế, việc sản xuất cây rau màu ngắn ngày, đặc biệt là cây dưa chuột đã được bà con đưa vào sản xuất mấy năm gần đây. Tuy nhiên, năm nay được hỗ trợ của mô hình Khuyến nông nên diện tích được nhân rộng hơn. Sản phẩm được HTX đứng ra bao tiêu với giá cố định nên bà con rất phấn khởi, bởi dưa được mùa, được giá. Đây cũng là điều kiện để địa phương nhân rộng sang năm tới.

Gia đình anh Nông Văn Tĩnh, thôn Bến, xã Cấm Sơn thu hoạch dưa chuột lai

Theo Ông Lâm Nguyên Năng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp Lục Ngạn: Để mô hình đạt hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp hỗ trợ 70% vật tư, phân bón và tập huấn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đồng thời đứng ra ký kết hợp đồng với HTX Toàn Phát Lục Ngạn để bao tiêu sản phẩm, với giá cố định 3 nghìn đồng/kg. Qua đánh giá mô hình, cây dưa chuột lai được trồng trên đất Cấm Sơn rất phù hợp, cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Bình quân đạt từ 140 đến 160 triệu đồng/1ha.

Mặc dù mới bước vào đầu vụ, song việc thu hoạch và tiêu thụ dưa chuột lai xuất khẩu tại xã Cấm Sơn đang diễn ra sôi động. Nông dân phấn khởi vì dưa được mùa, được giá, cùng đầu ra ổn định. Đây sẽ là điều kiện để Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện và chính quyền xã Cấm Sơn đánh giá, từ đó triển khai nhân rộng, từng bước tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân  vùng lòng hồ.

 

Vũ Đoàn - Đức Thọ

 

 

 

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.