Chị Lý Thị Bế, một cộng tác viên dân số tích cực

Suốt 15 năm qua chị như con ong “tìm mật”, luôn bám sát địa bàn để đưa những thông tin, chính sách liên quan đến công tác dân số. Với gần 15 năm làm CTV dân số, chị Lý Thị Bế có nhiều đóng góp làm chuyển biến công tác DS-KHHGĐ ở địa phương.

 Năm 1998, chị Lý Thị Bế tình nguyện đảm nhận công việc cộng tác viên dân số ở thôn Đồng Man, xã Biển Động (Lục Ngạn). Với tính tình hay nói, dễ gần gũi, hòa đồng lại từng tham gia công tác phụ nữ nên khi đảm nhận công tác dân số, chị Bế gặp khá nhiều thuận lợi, có thể tiếp cận và nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của chị em... Tuy nhiên, những khó khăn chị gặp phải cũng không ít. Suốt 15 năm qua chị như con ong “tìm mật” luôn bám sát địa bàn để đưa những thông tin, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác DS – KHHGĐ xuống với mọi người dân. Chị đang và tiếp tục nhiệt tâm với công việc không lùi bước, khó khăn không nản lòng, bước chân lặng lẽ của chị dường như in dấu ở khắp trên các nẻo đường từ nhà đến vườn đồi trong thôn. Thôn Đồng Man là địa bàn rộng, người dân cư trú chủ yếu nằm rải rác trên các sườn đồi. Toàn thôn hiện có 178 hộ thì chị Bế phụ trách 99 hộ, với 444 khẩu, trong đó phụ nữ 15 – 49 là 227 người, có chồng 48 người. Người dân trong thôn chủ yếu là dân tộc Nùng, trình độ  nhận thức còn nhiều hạn chế, điều này đã làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền vận động. Thế nhưng chị Bế có cách làm riêng của mình. Bước đầu chị lập danh sách những đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, tìm hiểu thời gian làm việc và hoàn cảnh gia đình của họ. Từ đó, đưa ra hình thức, thời gian và không gian để vận động cho phù hợp, bằng cách vận động từng đối tượng, ban ngày kết hợp tuyên truyền vận động khi đi làm đồng, làm vườn, ban đêm về nhà phát các phương tiện tránh thai. Chị chia sẻ: “Ở đây bà con chủ yếu làm nông nghiệp, vườn đồi lại cách xa nhà nên chủ yếu vận động vào buổi tối, cứ chiều chiều ra đứng đầu ngõ gặp ai cũng “đưa đò” từ chuyện này sang chuyện khác rồi mới đi đến chuyện vòng vèo”. Thậm chí còn phải “nỉ non”  mới mong được việc ”.

Trước đây thôn Đồng Man là một trong những thôn có mức sinh cao và tỷ lệ dân cư đông đúc. Vì vậy, cũng rất khó khăn cho công tác dân số của xã. Trong khi đó tâm lý của người dân vẫn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ nên nhiều cặp vợ chồng đã có 2 con một bề vẫn muốn sinh. Chị Bế  tâm sự:  “Có nhiều đối tượng khi vận động KHHGĐ họ bảo có tăng dân số thì tăng cả huyện, cả tỉnh chứ riêng gì trong “cái” thôn Đồng Man này, chúng tôi đẻ chúng tôi nuôi, có bắt Nhà nước nuôi đâu, phải kiếm bằng được “thằng cu”. Điều đó cho thấy, để vận động được một cặp vợ chồng không sinh con thứ ba thì chúng ta mới thấy hết được sự gian nan vất và của đội ngũ CTV dân số,  họ không chỉ vận động đối tượng trực tiếp mà phải vận động từ những đối tượng “liền kề” như: bố mẹ, ông bà nội ngoại, dòng họ... Mặt khác, trong lúc vận động CTV dân số cần phải có sự khéo léo, tế nhị mới mới thuyết phục được đối tượng, chị Bế được các CTV dân số ở đây nhận xét là người có “duyên”, có tâm và có thâm niên trong vận động. Ngoài ra, chị còn tham mưu cho Ban chỉ đạo thôn xây dựng CLB “Phụ nữ không sinh con thứ ba” nhằm giúp các chị em nâng cao nhận thức và giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết của chị Lý Thị Bế mà đến nay công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của thôn đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai ngày càng nhiều, tỷ lệ sinh và sinh con thứ ba trở lên giảm xuống theo từng năm,   điển hình địa bàn chị phụ trách 3 năm liền không có người sinh con thứ ba trở lên, đặc biệt nhận thức hiểu biết của bà con về chính sách dân số - KHHGĐ đã được nâng lên rõ rệt.  Ngày càng nhiều hộ gia đình trong thôn chấp nhận quy mô gia đình ít con để có điều kiện làm kinh tế hộ gia đình. Đến với thôn Đồng Man hôm nay nhà nào cũng có ti vi, xe máy, đặc biệt có điều kiện nuôi con ăn học, nhiều cặp vợ chồng nhờ vậy đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu và đã thầm cảm ơn chị Bế, có người còn mạnh dạn bảo chị Bế là người “cứu tinh” cho vợ chồng em. Ngoài việc trực tiếp đến từng nhà để tuyên truyền, giải thích cho chị em hiểu về chính sách dân số, chị còn lồng ghép tuyên truyền trong các lần họp thôn, các buổi sinh hoạt chi hội, hay trong những lần đi làm cùng nhau. Với cách làm linh hoạt, chị đã giúp cho nhiều chị em trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt những chị em là người đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch và tác hại của việc sinh đông con. Hiện, trong thôn có 48 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chiếm tỷ lệ trên 80%.

Được biết, ngoài công việc làm cộng tác viên dân số chị Lý Thị Bế còn là một cộng tác viên y tế tâm huyết và một chi hội trưởng phụ nữ tích cực. Dù ở vị trí công việc nào chị đều nhiệt tình thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, được cấp ủy chính quyền và tổ chức hội ghi nhận, khen thưởng. Nhưng đối với chị phần thưởng lớn nhất có lẽ là sự tin yêu, quý trọng của người dân dành cho  mình khi nhắc tới chị Bế dân số, đó chính là động lực để chị hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ trong thời gian tới./.
 
 
 
Bùi Được
 

Các tin khác

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.