Bưởi Da xanh trên đất đồi Lục Ngạn

Mặc dù mới được đưa về huyện miền núi Lục Ngạn (Bắc Giang)trồng cách đây chưa lâu nhưng bưởi Da xanh đã khẳng định là một trong những giống cây ăn quả có múi thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và cho giá trị kinh tế rất cao.
Anh Nguyễn Duy Tuấn kiểm tra vườn bưởi Da xanh đang chuẩn bị cho thu hoạch

Một trong những hộ dân đầu tiên đưa cây bưởi Da xanh về vùng đất vải thiều trồng thành công đó là gia đình ông Nguyễn Đức Vụ ở thôn Sàng Bến, xã Tân Quang. Ông Vụ vốn là nông dân năng động, nhạy bén với các mô hình kinh tế mới. Năm 2010, sau khi xem ti vi thấy mô hình trồng bưởi Da xanh ở Bến Tre có hiệu quả kinh tế cao, nhân có người nhà trong đó, ông Vụ đã nhờ họ mua 200 cây giống để trồng thử trên 4 sào đất thay thế vườn hồng nhân hậu hiệu quả kinh tế thấp. Sau hơn ba năm vừa trồng, vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm chăm sóc, vườn bưởi da xanh của gia đình ông đã phát triển xanh tốt, cho sai quả, chất lượng thơm ngon không kém gì bưởi đầu dòng từ quê gốc Bến Tre. Ngay từ năm 2014, vườn bưởi Da xanh của nhà ông Vụ đã cho thu hoạch được hơn 1.000 quả, trị giá hơn 50 triệu đồng.

 

Tuy nhiên, nói về hộ trồng nhiều bưởi Da xanh trên đồng đất Lục Ngạn thì phải nhắc đến vợ chồng anh Nguyễn Duy Tuấn, chị Bùi Thị Thắm ở thôn Kim Thạch, xã Thanh Hải. Gia đình anh Tuấn vốn là tỷ phú cam đường Canh nổi tiếng của Lục Ngạn. Với tư duy không ngừng năng động, đưa cây giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, vợ chồng anh Tuấn luôn tiên phong trong phát triển trang trại cây ăn quả có múi của địa phương. Ngoài cam đường Canh, hiện anh Tuấn có hơn 3 ha bưởi Da xanh. Vụ này, bưởi Da xanh nhà anh Tuấn cho thu hoạch với sản lượng khoảng 50 tấn quả. Đến nay, anh Tuấn đã thu hoạch được 20 tấn bưởi Da xanh bán với giá bình quân đạt 45 nghìn đồng/kg, thu về 900 triệu đồng. Hiện vườn bưởi Da xanh của gia đình anh vẫn còn trên 20 tấn quả loại 1 (từ 1,2 kg/quả trở lên) đang chuẩn bị cho thu hoạch, anh Tuấn dự kiến sẽ bán tại vườn với giá từ 50 – 55 nghìn đồng/kg. Như vậy, tổng giá trị từ bưởi Da xanh vụ này gia đình anh Tuấn ước thu về trên 2 tỷ đồng.

 

Trước kia, cũng như bao gia đình trẻ khác trên vùng đất vải thiều, năm 1992, vợ chồng anh Tuấn lấy nhau và được bố mẹ cho ra ở riêng chỉ với vỏn vẹn hơn 1 sào đất vườn ở thôn Kim Thạch, xã Thanh Hải. Nhờ tần tảo chịu khó làm ăn nên đến năm 1998, gia đình anh Tuấn đã tích góp được tiền mua đất, mở rộng diện tích vườn lên 1 ha, trong đó có 1 mẫu bưởi Diễn còn lại chủ yếu trồng vải thiều. Nhận thấy cây ăn quả có múi đang có giá trị kinh tế cao nên năm 2004, anh Tuấn đã chuyển đổi một phần diện tích vườn sang trồng khảo nghiệm giống cam đường Canh và đến năm 2007 thì chuyển đổi hết diện tích vải thiều sang trồng cam Canh. Do chịu khó học hỏi kiến thức và đúc rút kinh nghiệm chăm sóc bưởi Diễn, cam Canh hiệu quả nên ngay từ năm 2008 vợ chồng anh Nguyễn Duy Tuấn đã đạt doanh thu 1 tỷ đồng/năm từ cây ăn quả có múi, cộng với chăn nuôi lợn, gà. Từ năm 2009 đến năm 2012, doanh thu từ trang trại cam Canh, bưởi Diễn nhà anh Tuấn luôn đạt từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Nhận thấy việc trồng chăm sóc cây ăn quả có múi cho giá trị kinh tế cao, trong khi đó nhiều diện tích của bà con ở địa phương lại đang bỏ phí nên vợ chồng anh Tuấn tiếp tục đầu tư mua đất, cải tạo lại để mở rộng quy mô sản xuất. Hiện gia đình anh Tuấn đang sở hữu 5 trang trại ở xã Thanh Hải và xã Tân Quang với tổng diện tích rộng 5,6 ha trồng chủ yếu cam đường Canh và bưởi Da xanh. Với mô hình trồng cây ăn quả có múi này, trong ba năm trở lại đây, gia đình anh Nguyễn Duy Tuấn luôn đạt hiệu quả kinh tế cao từ 2,5 – 2,7 tỷ đồng/năm.

Bưởi Da xanh cần được chăm sóc nhiều hơn so với giống bưởi Diễn

Nói thêm về quá trình đầu tư phát triển trang trại trồng bưởi Da xanh, anh Tuấn bộc bạch: Năm 2008, trong một lần đi chơi anh được ăn thử quả bưởi Da xanh thấy ngon các giống bưởi khác nên anh đã đặt mua 20 cây bưởi Da xanh giống từ tỉnh Bến Tre về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Sau hai năm tập trung chăm sóc, thấy cây bưởi Da xanh phát triển tốt, cho quả khá ngon nên anh đã quyết định mở rộng diện tích trồng. Theo đó, năm 2012, vợ chồng anh Tuấn đầu tư 1,4 tỷ đồng mua gần 3 ha đất tại thôn Trại Cá 1, xã Tân Quang sau đó đánh luống trồng tổng cộng 2.000 cây bưởi Da xanh. Chỉ sau ba năm tập trung chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, đến năm 2015 vườn bưởi Da xanh đã cho thu hoạch. Ưu điểm của bưởi Da xanh ở là không bị mất mùa, ngoài vụ hoa chính ra vào tháng 2, nếu cây được tưới nước, bón phân hiệu quả sẽ ra hoa từ tháng 2 đến tháng 7, hết lớp hoa này đến lớp hoa khác. Quả trái vụ bưởi Da xanh trái vụ ăn vẫn ngon nên bán được giá hơn chính vụ. Vì bưởi ra hoa đậu quả rất sai nên muốn quả đạt loại một thì mỗi chùm chủ vườn chỉ để một quả. Khác với quả đầu dòng ở tỉnh Bến Tre là quả chín da vẫn xanh ngắt, còn quả bưởi Da xanh ở Lục Ngạn khi chín màu hơi chuyển sang vàng. Và do điều kiện thời tiết ở Lục Ngạn có rét nên quả bưởi ăn đậm hơn so với ở  trong Nam.

 

Nhận thấy cây bưởi Da xanh có khả năng thích nghi và sinh trưởng tốt trên đất Lục Ngạn nên nhân dân trong huyện đã phát triển mở rộng diện tích lên 157 ha, tập trung nhiều ở các xã Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Nam Dương, Tân Mộc… . Vụ này sản lượng bưởi Da xanh của Lục Ngạn ước đạt 560 tấn quả, nếu chỉ tính với giá 30 nghìn đồng/kg đã cho giá trị đạt 168 tỷ đồng. Như vậy, tuy mới chỉ được đưa về địa phương sản xuất cách đây không lâu nhưng bưởi Da xanh đã khẳng định là một trong những loại cây ăn quả có múi thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu của Lục Ngạn, quả bưởi đạt chất lượng tốt, thơm và ngon hơn bất cứ giống bưởi nào đang có ở địa phương. Đây cũng là quả bưởi đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Lục Ngạn.

 
 
Đức Thọ - Vũ Đoàn
 
 
 

Chuyên mục: 

Chia sẻ Zalo
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.