Hấp dẫn trò chơi dân gian

 

Cứ mỗi khi Tết đến, xuân về, nhiều địa phương lại tổ chức các trò chơi dân gian hấp dẫn, tạo không khí vui tươi, gắn kết cộng đồng.

Đến với Hội hát Sloong hao và Phiên chợ xuân vùng cao huyện Lục Ngạn năm nay, du khách và nhân dân trong huyện bên cạnh việc đi thăm quan những ngôi nhà trình tường tại thôn Bắc Hoa còn rất thích thú với trò chơi đu. Giàn đu gồm 4 cây tre lớn tạo thành hai trụ, bàn đu và thượng đu. Chơi đu có đu đơn và đu đôi song hấp dẫn hơn cả là phần chơi đôi nam nữ. Hai người quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, dùng sức từ đôi chân đẩy cho bay cao. Trên mỗi cây đu gắn một chiếc khăn đỏ hoặc phần thưởng, người tham gia giật được chiếc khăn hay phần thưởng đó mới được xem là thắng cuộc. Khi hội trống gióng lên rộn rã, người xem ở khắp làng trên xóm dưới đổ dồn về cuộc chơi, vòng trong vòng ngoài khép kín. "Từ lúc bé, tôi đã được xem các anh chị thanh niên đánh đu và rất thích. Sau này lớn, hội đền năm nào tôi cũng tham gia trò chơi. Cũng nhờ chơi môn này mà vợ chồng tôi bén duyên với nhau", anh Chu Văn Đoan thôn Khuôn Kén xã Tân Sơn chia sẻ. Chơi đu đã trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong những ngày Tết, nhất là tại những lễ hội xuân.

Không chỉ xuất hiện ở các lễ hội đầu Xuân, trò chơi dân gian còn được nhiều cơ quan, đơn vị lựa chọn để tạo không khí vui tươi trong ngày hội đoàn kết dịp cuối năm. Ngoài tổ chức phần lễ trang trọng, giao lưu văn nghệ thì các trò chơi dân gian như “bịt mắt đập niêu” thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Luật chơi theo lối cổ, người chơi bị bịt mắt bằng một tấm vải rồi từ từ cầm gậy tiến đến những chiếc niêu được treo ở vị trí cách mặt đất khoảng 2 m. Ai đập trúng thì được nhận thưởng. Trò chơi này tạo nên nhiều điều thú vị, sự thích thú, hò reo của người cổ vũ khi nhiều người chơi dù đã đi đúng hướng nhưng cú đập vẫn vào không khí. Chị Trần Thị Yến thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân chia sẻ: “Mỗi năm vào thôn tổ chức Ngày hội Đoàn kết, chúng tôi đều háo hức tham gia trò chơi này. Đây là cơ hội để tôi được trở lại tuổi thơ, thực sự thoải mái, phấn khích cùng bạn bè, đồng nghiệp để hy vọng cho một năm mới đầm ấm, vui tươi”.

Người dân xã Phong Vân tham gia trò chơi bịt mắt đập niêu.

Ở lễ hội đền Hả, xã Hồng Giang, từ lâu trò chơi đấu cờ đã trở thành nét văn hoá không thể thiếu. Ông Lành Văn Bệ, thôn Hiệp Ca cho biết: Hội đền Hả diễn ra trong ba ngày, mùng 8,9,10 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm. Tôi là người thích chơi cờ tướng và năm nào cũng đăng kí tham gia chơi nội dung này trong những ngày diễn ra lễ hội. Các thôn trong xã cũng lựa chọn những kỳ thủ chơi cờ tướng giỏi để luyện tập các thế cờ hiểm như: Bình phong mã, thuận pháo, nghịch pháo…mang đi thi đấu. Bàn cờ người trên sân đền làm sống lại hình ảnh “ba quân tướng sĩ” trong triều đình thời phong kiến. Tranh tài thi đấu là những người đam mê “xe, pháo, mã” trong vùng. Đến đây, du khách được cùng dân làng tận hưởng không khí ngày xuân trong những màn đấu trí kịch tính, hấp dẫn. Đây là thú chơi thanh cao dành cho những người trí tuệ.

Đội kéo co tham gia thi đấu tại Hội hát Sloong hao và Phiên chợ xuân vùng cao.

 

Các lễ hội trong ngày hội xuân vẫn đang lưu giữ trò chơi kéo co. Từ xa xưa, kéo co là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người dân mỗi khi Tết đến, xuân về. Nhiều người thời trai tráng tham gia đội kéo co, đến khi tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng đi hội vẫn náo nức dõi theo từng màn thi đấu. Khi đi hội nhiều người mong muốn được tham gia đội kéo co, bởi đây không chỉ là trò vui mà còn thể hiện sức khỏe dẻo dai cầu mong cho các gia đình, làng xóm yên vui, thái bình trong năm mới.  Theo văn hóa dân gian, kéo co là trò chơi cầu mong sự sinh sôi, nẩy nở, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào, làm ăn tấn tới”. Theo lệ làng, người tham gia kéo co phải là trai đinh của làng, con cái những gia đình nề nếp, gia giáo. Mỗi đội có từ 11 đến 17 người tùy từng năm, người chỉ huy mỗi đội gọi là Tổng cờ do dân làng bầu lên. Những ngày cuối năm bận rộn nhưng thanh niên làng vẫn dành thời gian tập luyện hẹn ra xuân tham gia thi đấu trong niềm vui phấn khởi, tiếng hò reo, cổ vũ vang dậy./.

Bùi Được

 

Chuyên mục: 

Chia sẻ Zalo
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.