Người dân Lục Ngạn căng mình chống hạn cho vải thiều
Những ngày này cùng với việc gồng mình chống hạn cho cây ăn quả, người dân Lục Ngạn còn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc nâng cao chất lượng vải thiều xuất khẩu.
Nhiều ngày nay, mỗi buổi chiều mát, gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Muối xã Giáp Sơn lại bắc máy bơm hút nước tại tuyến kênh dẫn nước từ hồ Muối để chống hạn cho hơn 400 cây vải thiều đang độ quả non. Do chủ động được nguồn nước nên cứ 2 đến 3 ngày gia đình chị Hằng lại tưới cho vườn vải thiều 1 lần, đồng thời bón phân bổ sung dinh dưỡng giúp quả lớn nhanh.
Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào vườn vải thiều này, do đó, việc chăm sóc vải thiều được tiến hành quanh năm. Tuy nhiên thời điểm này vải đang ở giai đoạn quả non, đồng thời gặp nắng hạn kéo dài, vì vậy cần lưu tâm chăm sóc kỹ hơn.
Cán bộ chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân chăm sóc vải thiều thời kỳ quả non.
Xã Giáp Sơn có 997 ha vải thiều, trong đó thôn Muối có diện tích lớn nhất, với 300 ha. Toàn bộ diện tích vải thiều xã Giáp Sơn đã được cấp mã số vùng trồng. Năm nay do thời tiết hạn hán lâu ngày, cộng với nắng nóng ngay từ đầu vụ nên hiện nay bên cạnh tận dụng mọi nguồn nước để tưới cho cây, nhân dân xã Giáp Sơn còn tăng cường các biện pháp chăm sóc giúp nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng thôn Muối, xã Giáp Sơn cho biết: Thôn đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn chăm sóc vải thiều đạt năng xuất, chất lượng. Trong nhiều năm nay do tuân thủ các biện pháp sản xuất an toàn nên vải thiều thôn Muối đã được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp.
Người dân bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng.
Năm nay, huyện Lục Ngạn duy trì sản xuất trên 10 nghìn ha vải thiều, trong đó hơn 6 nghìn ha đã được cấp mã số vùng trồng gồm (24 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 36 mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Thái Lan…).
Thời điểm này, vải thiều đang trong giai đoạn quả non nhưng gặp phải thời tiết nắng hạn kéo dài, nếu không kịp thời bỏ sung nước tưới và dinh dưỡng cho cây sẽ rất dễ bị ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng quả vải. Qua khảo sát đến thời điểm hiện nay chỉ có khoảng 40% diện tích vải thiều chủ động được nguồn nước tưới. Một số xã vùng cao có nhiều diện tích vải thiều đang chịu hạn hán và rất cần nước tưới.
Người dân xã Giáp Sơn tưới nước, chống hạn cho vải thiều.
Trước tình hình đó, UBND huyện chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác nạo vét kênh mương để dẫn nước phục vụ tưới tiêu; Phòng Nông nghiệp và Môi trường khảo sát các hồ đập để điều tiết lượng nước tưới cho các địa phương. Cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân tận dụng nguồn nước từ ao, hồ, sông, suối, giếng khoan… để tưới cho cây trồng vào thời điểm chiều mát hoặc khi trời tối.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, sự chủ động của người dân, nhiều diện tích vải thiều đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của người trồng vải Lục Ngạn lúc này là trong một vài ngày tới trời sẽ đổ mưa.
Vũ Đoàn – Quang Huấn