Lục Ngạn: Dồn tổng lực khẩn trương ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 7/9/2024, Bão số 3 (cơn bão có cường độ mạnh nhất trong vòng 30 năm qua) đổ bộ trực tiếp vào đất liền nước ta gây thiệt hại rất lớn đối với nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Huyện Lục Ngạn cũng là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Bắc Giang. Hoàn lưu bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã khiến mực nước từ thượng nguồn đổ dồn về khiến cho sông Lục Nam liên tục ở mức trên báo động 3. Nước lũ trên sông, suối dâng cao gây ngập úng diện rộng trên địa bàn các xã, thị trấn đã gây ra những thiệt hại về người; cơ sở hạ tầng và tài sản của người dân tại nhiều địa phương trong huyện. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã tích cực chủ động vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt triển khai công tác ứng phó khắc phục hậu quả bão số 3.
 
Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm chính trị- Quân đội Nhân dân Việt Nam kiểm tra khắc phục hậu quả bão số 3 tại Lục Ngạn.
 
Bão số 3 đổ bộ vào Lục Ngạn đã làm 1 người chết; hơn 1 nghìn nhà dân, 52 kho xưởng, cơ sở trường học, nhà văn hóa bị tốc mái; hơn 2,3 nghìn hộ dân bị ngập phải di dời; 8 ngôi nhà của người dân bị đổ sập. 5 xã, 42 thôn, tổ dân phố cùng 28 ngầm tràn bị ngập và chia cắt… Đặc biệt, mưa lũ đã làm hơn 7,6 nghìn ha cây ăn quả, cây lâm nghiệp của người dân bị ngập úng, bật gốc, gẫy đổ, rụng quả; nhiều công trình hạ tầng cơ sở bị hư hỏng nặng. Ước tính thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Để ứng phó với cơn bão, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt, linh hoạt triển khai công tác ứng phó với bão, lũ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công. Người dân cũng đã vào cuộc chủ động, tự giác phòng chống, ứng phó nên đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra. 
UBND huyện thành lập 6 tổ công tác, đặc biệt đồng chí Bí thư Huyện ủy cũng trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại các xã, thị trấn. Qua kiểm tra cho thấy, các địa phương đã chủ động trong công tác phòng chống lụt bão; làm tốt công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; tổ chức cắt tỉa cây xanh tại các tuyến đường, trụ sở cơ quan, trường học. Huyện chủ động hiệp đồng với đơn vị quân đội trong phòng chống lụt bão; xây dựng phương án di dời nhân dân ra khỏi vùng ngập lụt. Cùng đó tuyên truyền người dân chủ động nguồn lương thực, thực phẩm nếu xảy ra ngập lụt kéo dài...
 
Các đồng chí lãnh đạo huyện trao hỗ trợ gia đình nạn nhân bị lũ cuốn ở xã Biển Động.
 
Đặc biệt, Huyện ủy, UBND huyện, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chủ động ban hành nhiều văn bản, công văn hỏa tốc chỉ đạo, theo dõi sát tình hình, kịp thời chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung ứng phó với bão, mưa lũ ngay từ xa, không để bị động bất ngờ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại chỗ ứng phó với các tình huồng xấu nhất có thể xảy ra. Song song với việc chủ động ứng phó với các tình huống, sự cố, UBND huyện, cơ quan chuyên môn cũng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão lũ. Đảm bảo nhanh chóng nhất việc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho người dân.
Toàn huyện đã huy động trên 6 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ của lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và các lực lượng tại chỗ khác tham gia ứng cứu, hỗ trợ khắc phục hậu quả. Ngoài ra huyện cũng đã huy động hàng trăm lượt phương tiện, nhiều vật tư tham gia phòng chống bão, lũ. 
Ngay sau bão, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bộ quốc phòng; lãnh đạo huyện, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả; quyết tâm không để người dân bị đói, bị rét.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã cử lực lượng chức năng, chính quyền địa phương phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Ban chỉ huy quân sự huyện; Sư đoàn 325- Quân đoàn 12; Trường bắn Quốc gia khu vực 1, Lữ đoàn công binh 575- Quân khu 1; Trạm Rada 61- Quân chủng phòng không không quân cùng sự hỗ trợ tích cực từ các lực lượng của tỉnh nhanh chóng cơ động có mặt tại  những nơi khó khăn nhất, hiểm nguy nhất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan trường học dọn dẹp vệ sinh, khôi phục sản xuất và ổn định đời sống ngay sau lũ. Sự hỗ trợ tích cực, khẩn trương của các lực lượng đã giúp chính quyền và người dân rút ngắn thời gian khắc phục hậu quả do thiên tai.
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện trao hỗ trợ cho gia đình bị đổ nhà do bão số 3 ở xã Tân Sơn.
 
Cùng với lực lượng quân đội, lực lượng Công an tỉnh, Công an huyện cũng đã huy động gần 1 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ luôn sát cánh cùng người dân tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ; hỗ trợ vận chuyển di dời người và tài sản của người dân đến nơi an toàn; phối hợp tham gia tiếp tế nhu yếu phẩm cho những hộ dân bị ngập lụt; cử lực lượng trực thường xuyên có mặt tại những điểm nút giao thông bị chia cắt, nguy cơ sạt lở đất để cảnh báo, điều tiết, hỗ trợ giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.
Ngoài sức tàn phá về tài sản, cơ sở hạ tầng, bão số 3 đã làm cho sản xuất nông nghiệp của huyện đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề, với hơn 7,6 nghìn ha cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị ngập úng, gãy, đổ. Gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Ngay sau bão, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nhanh chóng kiểm tra thực tế và hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả, nhất là những diện tích cây ăn quả bị ngập lụt. Nước rút, nhiều hộ dân đã tranh thủ khơi thông rãnh thoát nước, rửa trôi bùn đất để giúp cây phục hồi nhanh chóng, giảm thiệt hại mức thấp nhất.
Đảm bảo giao thông thông suốt là nhiệm vụ quan trọng được cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm. Các điểm sạt lở ách tắc, đặc biệt là sự cố ngầm Tà Cang, xã Phong Minh bị hư hỏng nặng, làm cho xã Sa Lý bị cô lập, chính quyền huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần đường bộ Bắc Giang gấp rút thi công gia cố ngầm bị ngập, mở tuyến nhánh. Tất cả đều được triển khai khẩn trương, liên tục với mong muốn lớn nhất đó là tuyến đường nhánh được thông để hỗ trợ người dân Sa Lý khắc phục hậu quả sau mưa bão. 
Cơn bão số 3 đi qua cũng đã làm 104 cột điện trung và hạ áp trên địa bàn huyện bị gãy, đổ; 75 cột bị nghiêng; 1 trạm biến áp bị hử hỏng; 14 đường dây bị sự cố; hơn 95,4 km đường dây bị ảnh hưởng… Với sự quyết tâm cao (không để mất điện kéo dài) của ngành điện, sự phối hợp tích cực của đơn vị thi công và chính quyền địa phương, Điện lực Lục Ngạn cũng đã huy động tổng lực nhanh chóng khắc phục sự cố lưới điện. Do vậy, đến hết ngày 12/9, công tác khắc phục sự cố lưới điện do bão số 3 trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành và cấp điện trở lại, bảo đảm điện phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng của người dân, cơ quan, doanh nghiệp.
Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu của nó đã, đang để lại những hậu quả nặng nề không chỉ đối với đời sống người dân ở nhiều địa phương, cơn bão cũng đã khiến cho nhiều trường học trên địa bàn bị thiệt hại. Hàng trăm lớp học, bàn ghế, đồ dùng bị ngập sâu trong nước, nhiều phòng học, công trình nhà xe bị tốc mái. Sau bão, huyện đã chỉ đạo ngành giáo dục và các trường huy động nhân lực để dọn dẹp, đảm bảo ổn định về cơ sở vật chất, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học an toàn. 
 
Sự cố ngầm Tà Cang, xã Phong Minh đang được tập trung khắc phục.
 
Với phương châm, nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường ngay đến đó, Sư đoàn 325 đã huy động cán bộ, chiến sĩ ra quân hỗ trợ địa phương dọn rác thải, bùn đất, vận chuyển cây xanh gãy đổ. Tổng vệ sinh môi trường tại các xã, thị trấn bị ngập lụt trong huyện giúp bà con nhân dân sớm ổn định đời sống. Ngành y tế Lục Ngạn cũng đã chỉ đạo các Trạm y tế xã hướng dẫn hỗ trợ người dân phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Cơn bão số 3 đã đi nhưng hậu quả có nó để lại là quá khốc liệt. Trong những ngày khó khăn gồng mình chống lũ ấy, tình người lại sáng lên khi nhiều tổ chức đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về vùng lũ Lục Ngạn với những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những câu chuyện ấm tình người lại hiện diện khắp mọi nơi. 
Sẻ chia với những thiếu thốn, khó khăn của người dân vừa trải qua cơn lũ, những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động quyên góp, hỗ trợ đồng bào huyện Lục Ngạn bị thiệt hại do bão số 3. Tính đến ngày 18/9, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã tiếp nhận trên 1 tỷ đồng tiền mặt và nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá gần 800 triệu đồng từ các tổ chức, cá nhân, DN, nhà hảo tâm hỗ trợ người dân Lục Ngạn bị thiệt hại trên địa bàn do bão số 3. Sự sẻ chia ấy đã và đang giúp người dân vùng lũ vượt qua cơn khốn khó.
Bão số 3 là cơn bão rất mạnh đổ bộ vào Lục Ngạn, song công tác ứng phó, khắc phục hậu quả được cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt ngay từ sớm, từ xa. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, các lực lượng. Đặc biệt là lực lượng Quân đội, Công an cùng nhiều lực lượng xung kích khác tại cơ sở. Huy động sức mạnh, tổng hợp từ huyện đến cơ sở, sự chia sẻ đùm bọc, đồng lòng của nhân dân đã góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả, để người dân, doanh nghiệp sớm ổn định đời sống và nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Vũ Đoàn-Quang Huấn

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.