Nguy cơ thị trường lao động Hàn Quốc đóng cửa do người lao động bỏ trốn

(BGĐT) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa công bố danh sách các địa phương bị tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2019. Trong số 40 quận, huyện thuộc 10 tỉnh, thành phố thuộc diện này (có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp từ 60 người trở lên), tỉnh Bắc Giang có 3 huyện gồm: Lục Nam, Yên Dũng, Lạng Giang. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Tỉnh Bắc Giang trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Bắc Giang với những nội dung dưới đây.

Đề nghị ông cho biết số lao động của Bắc Giang đang tham gia chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo quy định của Luật Việc làm Hàn Quốc (chương trình EPS) cũng như tình hình thu nhập, đời sống và việc chấp hành luật pháp nước sở tại của họ? 

Ông Nguyễn Thế Dũng: Tính đến hết tháng 4-2019, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 1,8 nghìn người đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (bao gồm cả số lao động đang cư trú bất hợp pháp).

Qua nắm bắt thông tin, nhìn chung, lao động đều có việc làm ổn định, mức lương bình quân từ 28 - 35 triệu đồng/người/tháng. 

Tuy nhiên, do nhận thức kém, nghe theo bạn bè, vì lợi ích trước mắt, vẫn còn một số người bỏ trốn khỏi nơi làm việc, không về nước khi hết thời hạn hợp đồng, ở lại cư trú bất hợp pháp gây khó khăn trong công tác quản lý lao động, làm xấu hình ảnh lao động Việt Nam tại nước ngoài. 

Con số này theo rà soát hiện nay là 501 người. Những lao động này vi phạm pháp luật của Hàn Quốc nên thường xuyên bị lực lượng an ninh nước sở tại truy quét, không được Chính phủ và pháp luật Hàn Quốc bảo hộ, sẽ gặp nhiều rủi ro trong quá trình làm việc tại đây. Họ còn tạo ra nguy cơ mất thị trường xuất khẩu lao động truyền thống.

 

Những lao động chấp hành về nước đúng hạn tham gia hội nghị tuyên truyền vận động, kéo giảm tỷ lệ cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc năm 2018.

 
 

Theo ông, vì sao tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp diễn ra nhiều năm, Bắc Giang có một số địa phương bị đưa vào danh sách dừng tiếp nhận do có nhiều lao động bỏ trốn mà tình hình vẫn chưa được cải thiện?

Ông Nguyễn Thế Dũng: Theo số liệu của Trung tâm Lao động ngoài nước và Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc cung cấp, hiện tại, tỉnh Bắc Giang có khoảng 500 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. 

Trong đó số lao động bất hợp pháp của năm 2019 tập trung chủ yếu tại 3 huyện: Lục Nam (180 người), Yên Dũng (92 người) và Lạng Giang (62 người). 

Vì thế, người lao động của 3 địa phương này sẽ không được tiếp tục đăng ký tham dự kỳ thi tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2019.

Để giải quyết tình trạng người lao động không về nước đúng hạn, cư trú bất hợp pháp, Sở LĐTBXH đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, áp dụng các giải pháp tuyên truyền, vận động lao động trước khi xuất cảnh và thân nhân của họ về việc chấp hành chính sách pháp luật. 

Chính quyền các cấp thành lập các tổ công tác đến từng gia đình tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp giảm không đáng kể, vẫn ở mức cao. 

Nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của người lao động. Khi bỏ trốn, không làm việc theo hợp đồng hoặc hết thời hạn hợp đồng không về nước ở lại cư trú bất hợp pháp, họ vẫn được người sử dụng lao động Hàn Quốc thuê mướn, trả mức lương cao hơn gấp từ 2 - 3 lần theo mức lương hợp đồng lao động hợp pháp đã ký kết; chế tài xử lý lao động cư trú bất hợp pháp của Hàn Quốc và Việt Nam chưa đủ mạnh và khó thực hiện. 

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, hướng dẫn lao động tìm việc làm tại nước ngoài. 

 

Được biết, huyện Lục Nam luôn là địa phương có nhiều lao động vi phạm, năm 2018, 2019 đều bị đưa vào danh sách cấm. Vậy ngành LĐTBXH và huyện có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Ông Nguyễn Thế Dũng: Hiện tại, Lục Nam là địa phương có số lao động đang cư trú bất hợp pháp nhiều nhất so với các huyện, TP trên địa bàn tỉnh (180 người).

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, UBND tỉnh, Sở LĐTBXH đã gửi danh sách người lao động hết hạn hợp đồng và quá thời hạn hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc tới UBND các huyện, TP. 

Phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động lao động về nước đúng thời hạn. 

Đồng thời, gửi thư tới 192 gia đình có lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của huyện Lục Nam để vận động gia đình thuyết phục người thân về nước.

Với trách nhiệm được giao, UBND huyện Lục Nam đã triển khai nhiều giải pháp để kéo giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc như: Thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về sự cần thiết phải vận động người lao động về nước. 

Tuyên truyền các chính sách ưu đãi của Hàn Quốc với lao động về nước đúng hạn, cảnh báo rủi ro mà lao động cư trú bất hợp pháp có thể gặp phải, những thiệt hại gây ra cho các lao động đã thi đỗ và đang chờ xuất cảnh. 

Duy trì hoạt động của các tổ công tác đến vận động từng gia đình có con em sắp hết hạn hợp đồng. Chỉ đạo chính quyền cấp xã xem xét, không công nhận danh hiệu văn hóa đối với các gia đình có lao động vi phạm. 

Ngoài 3 huyện đã thông báo tạm dừng, Bắc Giang còn có 4 huyện nằm trong danh sách 100 quận/huyện bị xem xét tạm dừng. Làm gì để tránh có thêm các huyện của tỉnh bị đưa vào danh sách "cấm" thưa ông?

Ông Nguyễn Thế Dũng: Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 740 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc hết hạn hợp đồng phải về nước, chủ yếu ở một số huyện là: Lục Nam (223 người), Yên Dũng (125 người), Lạng Giang (90 người). 

Bên cạnh đó, 4 huyện gồm: Việt Yên, Tân Yên, Lục Ngạn, Sơn Động thuộc danh sách xem xét tạm dừng xuất cảnh lao động sang Hàn Quốc căn cứ vào kết quả rà soát năm 2018. 

Trước đây, nếu mỗi huyện có từ 60 lao động trở lên cư trú bất hợp pháp thì mới bị dừng. Nay phía Hàn Quốc làm ngặt nghèo hơn; đó là khi huyện có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp từ 30% trở lên trong tổng số lao động đã xuất cảnh là bị dừng.

Vì vậy, cánh cửa sang thị trường lao động Hàn Quốc ngày càng bị thu hẹp nếu tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp không được cải thiện.

Theo thỏa thuận giữa 2 bên, Chính phủ Hàn Quốc đang thực hiện các biện pháp mạnh, quyết liệt trong việc truy quét người lao động làm việc bất hợp pháp kèm theo các chính sách tái nhập cảnh, ân hạn cho người lao động tự nguyện về nước.

Tính đến ngày 31-12-2018, đã có 2.888 người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã về nước gồm: 1.855 người lao động bất hợp pháp tự nguyện về nước và 1.033 người cư trú bất hợp pháp bị trục xuất.

Để giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc vận động người lao động về nước đúng thời hạn, Sở LĐTBXH sẽ phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác phổ biến những quy định trong lĩnh vực này cho nhân dân trên địa bàn nắm rõ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lao động về nước đúng hạn. 

Tăng cường hoạt động của các tổ công tác, vận động gia đình có con em làm việc tại Hàn Quốc ký cam kết thuyết phục người thân chấp hành nghiêm túc thời hạn cư trú theo hợp đồng. 

Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho người lao động về nước đúng thời hạn; kết nối thông tin nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tỉnh để ưu tiên tuyển lao động khi về nước.

Nguồn: Tường Vi

Báo Bắc Giang

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.