Hướng dẫn chăm sóc cây vải thiều giai đoạn bật mầm hoa, ra hoa

Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Ngạn có một số diện tích các trà vải (U Hồng, Thanh Hà, Vải chính vụ) đã báo hoa và ra hoa. Để chủ động các biện pháp xử lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ra hoa trên cây vải, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân thực hiện tốt việc chăm sóc, giúp cho vụ mùa bội thu.

Kỹ sư Nguyễn Thị Hòe, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện hướng dẫn người dân chăm sóc vải thiều giai đoạn bật mầm hoa, ra hoa.

Đối với trà vải chín sớm (U hồng, Thanh Hà và trà vải chính vụ) đã hình thành rõ chùm hoa, để cây vải ra hoa đồng đều, thuận lợi cho sự phát triển của hoa, tăng tỷ lệ đậu quả các nhà vườn cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật.Cụ thể, đối với vải U Hồng khi chiều dài hoa đạt từ 4 - 6cm tiến hành khoanh nhẹ, vết khoanh mịn để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoa, hạn chế hiện tượng ra hoa kẹp lộc cũng như khống chế chiều dài của chùm hoa tăng và tỷ lệ đậu quả.
Cùng đó, tiến hành bón phân, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh giúp cây sinh trưởng tốt, tăng cường sức đề kháng cho cây. Giai đoạn vải ra hoa sử dụng phân bón Supe lân Lâm Thao hoặc có thể lựa chọn các loại phân  NPK tổng hợp(Việt Nhật, Hà Lan, Đầu Trâu, Hữu Nghị,…) có tỷ lệ hàm lượng lân cao, rắc đều trên mặt đất dưới tán cây, lấp một lớp đất mỏng lên trên, tưới ẩm; kết hợp bổ sung phân bón vi lượng, Bo, canxi qua lá để hoa phát triển tốt, tăng tỷ lệ đậu quả.Thườngxuyên tưới ẩm, tạo điều kiện cho hoa vải phát triển tốt.
    Phòng trừ sâu, bệnh hại: Các đối tượng sâu, bệnh hại chính giai đoạn này gồm: Sâu đo, rệp muội, sâu róm, bọ xít, nhện lông nhung, bệnh sương mai, bệnh thán thư,… Để phòng trừ tốt các đối tượng sâu, bệnh hại trên, các nhà vườn thường xuyên kiểm tra vườn, phát hiện sớm các đối tượng sâu, bệnh hại để phòng trừ kịp thời.

Anh Diệp Văn Hai, thôn Tân Giáo, xã Tân Mộc chăm sóc vải thiều.

Đối với các trà vải chưa báo hoa do kết thúc lộc thu muộn, khoanh muộn, vết khoanh chưa liền cần tiến hành đồng bộ các biện pháp sau: Tưới nước đủ ẩm cho cây, không tưới đẫm, tưới quá ẩm sẽ ảnh hưởng đến quá trình ra hoa. Phun thuốc kích thích ra hoa như: Kích phát tố hoa - trái Thiên Nông, các dòng Siêu Lân 10:55:10+TE, 5:50:10+TE kết hợp Plower 95....Kết hợp với việc tỉa cành (tỉa các cành tăm, cành sâu bệnh, cành trong tán...) chỉ để lại những cành chính tạo điều kiện cho cây bật mầm hoa sớm. Nếu vết khoanh chưa liền tiến hành quấn quanh vết khoanh bằng băng dính tối màu giúp cây nhanh liền. Đối với những vườn ra hoa kẹp lộc, cần sử dụng biện pháp thủ công để ngắt lộc. 
Cùng đó, Trung tâm Dịch vụ- Kỹ thuật nông nghiệp huyện cũng yêu cầu cán bộ chuyên môn cơ sở thường xuyên kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển, tỷ lệ bật mầm hoa của các trà vải trên địa bàn phụ trách; hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây vải trong giai đoạn này và các giai đoạn tiếp theo.

Bài, ảnh: Quang Huấn

Chuyên mục: 

Chia sẻ Zalo
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.