Trưởng Đài cao tuổi bắt nhịp Công nghệ Số

Không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; ứng dụng công nghệ số để sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình phát thanh; sử dụng trí tuệ nhân tạo trong một số khâu như chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số… - Đó là những ưu điểm nổi bật của thiết bị truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT), hay còn gọi là truyền thanh thông minh.
Với cách làm truyền thống, để sản xuất một chương trình hoàn chỉnh với thời lượng từ 25 đến 35 phút, ông Vi Hồng Cờ (Cán bộ Đài truyền thanh xã) sẽ mất vài giờ để viết tin bài, sau đó đọc, thu tiếng và dựng trên phần mềm máy tính.         
 
Ông Vi Hồng Cờ (Trưởng Đài Truyền thanh xã Hồng Giang) xây dựng chương trình phát thanh của xã.
 
        Giờ đây, chỉ cần 1 chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối internet là ông Cờ có thể xây dựng 1 chương trình truyền thanh hoàn chỉnh, cài đặt lịch phát tự động cho Đài truyền thanh xã. Dù ở bất cứ vị trí nào, chỉ với vài thao tác đơn giản, ông đều có thể thực hiện công việc này.
Sinh ra ở thôn Kép 2 (xã Hồng Giang), sau khi nghỉ chế độ bệnh binh ngành Công an tỉnh Hà Bắc với quân hàm Trung úy, ông Cờ trở về địa phương sinh sống và đảm nhiệm công việc Trưởng Ban văn hóa xã từ những năm 90. Đến năm 2001, khi Đài Truyền thanh xã Hồng Giang hình thành, ông Cờ được phân công giữ chức Trưởng Đài. 
       Mặc dù phải làm việc trong điều kiện vật chất, trang thiết bị máy móc thiếu thốn, chế độ phụ cấp thấp nhưng không vì thế ông nản chí, xao nhãng trong công việc. Ngay từ khi tiếp quản Đài, ông đã kiêm nhiệm nhiều công việc từ viết tin bài, biên tập, đọc phát thanh, đến sửa chữa máy móc, thiết bị, đường dây...Có lẽ nghề đã chọn đúng người, với phẩm chất của một người lính bộ đội Cụ Hồ đã giúp ông vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề suốt hơn 2 thập kỷ. 
Bên cạnh việc tiếp âm 5h/ngày nội dung chương trình phát thanh đài Trung ương, đài tỉnh, đài huyện, ông Cờ còn truyền tải đến người dân những chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước thông qua các chuyên mục do ông tự viết và biên tập.
 
Cài đặt lịch phát tự động của đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT thông qua máy tính hoặc điện thoại kết nối internet.
 
 
        Vài năm trở lại đây, nhận thấy mô hình truyền thanh có dây (cũ) đang dần tụt hậu với xu thế 4.0, đồng thời nắm bắt được Đề án “Chuyển đổi số” của tỉnh được thực hiện thí điểm tại xã Hồng Giang, ông Cờ mạnh dạn đề xuất lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, UBND xã Hồng Giang tạo điều kiện cho ông được đến tham quan học tập kinh nghiệm 2 mô hình “truyền thanh thông minh” tại xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Hòa Bình và xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa để về ứng dụng thực tiễn tại địa phương.
Năm 2022, cùng với xã Phúc Hòa của huyện Tân Yên, xã Hồng Giang được Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình điểm “Chuyển đổi số” với gần 500 triệu đồng, trong đó trang bị lắp đặt và vận hành hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông.Nhờ sự say mê tận tụy ông đã không ngừng tìm tòi, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào sản xuất chương trình phát thanh.
Với chuyên môn và lòng nhiệt huyết của mình trong công việc, đài truyền thanh do ông  Cờ phụ trách luôn được Đài cấp trên và chính quyền địa phương đánh giá là đài hoạt động tốt trong hệ thống đài cơ sở của huyện Lục Ngạn. 
Dù tuổi đời đã ngoài 60, ông Cờ cũng luôn hy vọng các thế hệ làm phát thanh cơ sở, dù là cán bộ chuyên trách hay kiêm nhiệm, nhất là lớp trẻ, luôn giữ được tinh thần và lòng nhiệt huyết; vượt qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, đưa thông tin đến với cơ sở./.
Phương Thảo

Chuyên mục: 

Chia sẻ Zalo
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.