Mùa con ong làm mật

Hàng năm, cứ vào mùa hoa vải nở, người dân huyện Lục Ngạn nói chung, xã Giáp Sơn nói riêng lại rộn ràng đón mùa ong đi lấy mật hoa vải. Nơi đây đã và đang trở thành miền đất hấp dẫn để những đàn ong sinh sôi và cho những giọt mật thơm ngon, bổ dưỡng. 
Là người gắn bó với nghề nuôi ong nhiều năm, mỗi dịp tháng 3, khi vải thiều nở hoa, anh Phạm Văn Khoa, ở tỉnh Lâm Đồng lại di chuyển hơn 300 đàn ong của mình đến xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn khai thác mật hoa vải. Năm nay, mặc dù mới đầu vụ, lượng mật khai thác chưa nhiều, song chất lượng cao hơn so với mọi năm do tỷ lệ hoa vải nở cao, lại gặp thời tiết nắng ấm. Hiện anh đang chuẩn bị điều kiện cho khai thác lứa mật vải đầu tiên.

Thợ ong kiểm tra đàn ong trước khi quay mật

Không chỉ anh Khoa, những ngày này, anh Uông Văn Trung, một chủ ong từ Tây Nguyên cũng đang bận rộn bước vào khai thác lứa mật hoa vải đầu tiên năm nay tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn. Để chuẩn bị cho vụ mật vải, anh đã di chuyển gần 400 đàn ong ngoại đến đặt tại xã Giáp Sơn, đồng thời kết nối với nhân công lao động tại địa phương để tiến hành các công đoạn vận chuyển, xếp đặt đàn ong tại các vườn vải rồi quay mật. Thời điểm này hoa vải thiều và nhiều loại hoa như cam, bưởi và nhãn đồng loạt nở nên anh Trung dự kiến lứa này đạt khoảng hơn 1 tấn mật. Mật khai thác đến đâu được xuất cho các đại lý, doanh nghiệp hoặc bán cho người dân ngay đến đó. Với giá bán ngay từ đầu vụ dao động từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg. Như vậy, mỗi lần quay, trừ các khoản chi phí, anh thu về khoảng gần 40 triệu đồng. Anh Trung cho biết: năm nay tỷ lệ hoa vải nhiều nên sẽ cho sản lượng mật cao hơn so với một số mật khác, chất lượng cũng có phần vượt trội.

Vụ hoa vải nở thu hút nhiều lao động địa phương tham gia các công đoạn khai thác mật

Mùa hoa vải nở không chỉ mang đến cho các chủ ong mà còn là dịp thu hút đông đảo lao động địa phương tham gia. Nắm bắt nhu cầu về nguồn lao động tham gia các công đoạn khai thác mật, nhiều người đã kết nối và hình thành các nhóm lao động theo nghề để tìm kiếm việc làm tại các trại ong. 
Là  người có nhiều năm làm nghề quay ong cho các thợ, anh Trương Văn Trưởng, ở thôn Thái Hòa, xã Giáp Sơn chia sẻ: Cứ đến vụ hoa vải, anh em lại rủ nhau tìm kiếm việc làm tại các trại ong khai thác mật hoa vải tại địa phương. Công việc thường là bốc xếp, kê tổ ong tại các vườn vải đến công đoạn quay mật. Mỗi một lần quay mật, các chủ ong sẽ trả công từ 300 đến 320 nghìn/người (tùy theo số lượng đàn ong và sản lượng mật). 

Ông Nguyễn Đức Tứ, Chủ tịch UBND xã Giáp Sơn cho biết: Xã Giáp Sơn có hơn 1300ha cây ăn quả các loại, trong đó diện tích vải thiều là trên 900ha. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ vải thiều ra hoa đạt trên 95%. Do vậy, hàng năm địa phương này có khoảng từ 5 đến 7 nghìn đàn ong ngoại từ khắp nơi tấp nập được các thợ ong di chuyển về khai thác mật hoa vải. Không những vậy, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, nhiều hộ cũng đầu tư phát triển đàn ong. Đến nay toàn xã có khoảng hơn 2 nghìn đàn ong mật của người dân địa phương đang bước vào khai thác mật vải. Trung bình mỗi đàn ong khai thác được từ 35 đến 40kg mật hoa/vụ. Như vậy tính ra, vụ này toàn xã Giáp Sơn thu hoạch được khoảng trên 360 tấn mật từ hoa vải. 

Các chủ ong bắt đầu quay những lứa mật vải đầu tiên

Để tạo điều kiện cho các thợ ong về địa phương đặt điểm khai thác mật, chính quyền xã Giáp Sơn đã rà soát, bảo đảm an ninh trật tự, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc bố trí các điểm đặt đàn ong hợp lý vừa đảm bảo việc thụ phấn cho vải, vừa tạo điều kiện tốt nhất cho đàn ong khai thác mật hoa đạt chất lượng cao. 
Mật ong hoa vải đã trở lên nổi tiếng trong cả nước bởi hương vị thơm ngon đặc trưng, có hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Với lợi thế là vùng cây ăn quả trọng điểm lớn nhất miền Bắc, Lục Ngạn nói chung, xã Giáp Sơn nói riêng có nhiều thuận lợi để mở rộng các mô hình nuôi ong lấy mật, khai thác hiệu quả nguồn hoa dồi dào, vừa mang lại giá trị kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. 

Vũ Đoàn   
 

Chuyên mục: 

Chia sẻ Zalo
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.