Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long cấp cứu thành công ca đột quỵ não
Vừa qua, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Đa khoa Bắc - Thăng Long đã cấp cứu và điều trị thành công một bệnh nhân bị đột quỵ não sau 2 giờ khởi phát bằng thuốc tiêu sợi huyết.
Trước đó, hồi 7 giờ 30 phút, ngày 9/5/2024, Bệnh viện Đa khoa Bắc – Thăng Long đã tiếp nhận bệnh nhân Đinh Công Đán, 69 tuổi (trú tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch: tê liệt hoàn toàn phần cơ thể bên trái, tiếp xúc chậm, khó nói.
Bác sỹ CKI. Nguyễn Chánh, Phó Trưởng Khoa Nội- Phẫu Thuật gây mê - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Đinh Công Đán.
Từ các triệu chứng lâm sàng của người bệnh và chẩn đoán sơ bộ, các bác sĩ khoa Nội – Phẫu thuật gây mê - Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Bắc – Thăng Long đã nhanh chóng cho người bệnh thực hiện quy trình cấp cứu như: xét nghiệm công thức máu, chụp cộng hưởng từ sọ não 1.5 Tesla…
Chẩn đoán đây là một trường hợp bị đột quỵ não giờ thứ 2 và chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết làm tan huyết khối. Sau 30 phút truyền thuốc tiêu sợi huyết, bệnh nhân đã có thể nói được, cơ lực cải thiện rõ rệt, tay và chân bên trái đã có thể vận động nâng lên khỏi giường, ý thức tỉnh táo.
Bác sĩ CKI. Nguyễn Chánh–Phó Trưởng khoa Nội- Phẫu thuật gây mê - Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Bắc – Thăng Long cho biết, "Giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ là 3 đến 4,5 giờ đầu kể từ khi người bệnh khởi phát, rất may mắn là gia đình đã kịp thời đưa bệnh nhân đi cấp cứu trong thời gian vàng điều trị tiêu sợi huyết.
Sau 7 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc – Thăng Long, bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt, có thể sinh hoạt gần như bình thường, không để lại di chứng và được xuất viện.
Qua ca bệnh trên, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bắc – Thăng Long cũng khuyến cáo, thời gian vàng cấp cứu đột quỵ chỉ diễn ra trong 4, 5 giờ đầu. Đây là thời gian đóng vai trò quan trọng để cứu sống người bệnh, giúp hạn chế tối đa các biến chứng; người bệnh phục hồi nhanh. Do đó, khi nhận thấy người thân hoặc những người xung quanh có triệu chứng yếu tay chân một bên, méo miệng hay nói ngọng thì không nên cạo gió, chích máu đầu ngón tay hay chờ bệnh nhân ổn mới gọi cấp cứu mà phải lập tức liên hệ các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời./.
Hoàng Phượng