Đảng bộ Lục Ngạn quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020

Bám sát vào chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; nâng cao giá trị vùng cây ăn quả, tạo nguồn lực đưa Lục Ngạn phát triển theo hướng bền vững”. Hơn 4 năm qua với sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, sự quyết tâm, cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên; sự năng động, chịu khó, sáng tạo, đồng lòng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nên Đảng bộ Lục Ngạn đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIV đã đề ra. Bằng việc cụ thể hoá 04 nhiệm vụ trọng tâm là: (1) Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động. Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. (2) Tiếp tục phát triển cây ăn quả theo hướng đa dạng, bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả; phấn đấu đưa Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả trọng điểm cấp quốc gia. Tăng cường việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây ăn quả của địa phương. (3) Tập trung nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, đô thị. Đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thị trấn Chũ, từng bước xây dựng thị trấn Chũ mở rộng thành thị xã sau năm 2020. (4) Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có kết quả các nhiệm vụ chính trị của huyện trong tình hình mới.

 

Đến nay, tổng giá trị sản xuất các ngành ước đạt 11.741 tỷ đồng, tăng 4.614 tỷ đồng so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019 đạt 12,7%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (Công nghiêp- xây dựng 31,77%, tăng 7,03% so với năm 2015; dịch vụ 38,67% tăng 2,04% so với năm 2015). Lục Ngạn đã trở thành vùng cây ăn quả đa dạng tập trung lớn với trên 28.000 ha cây ăn quả các loại. Sản lượng quả tươi đạt trên 200.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 4.500 tỷ đồng/năm; giá trị sản xuất trên 01 ha đất canh tác nông nghiệp đạt 107,3 triệu đồng, tăng 51,7% so với năm 2015. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh nên đã mở rộng thị trường tiêu thụ, vải thiều đã xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Úc, Nhật Bản, các nước EU, Trung Quốc, các nước ASEAN. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn phát triển mạnh, tổng giá trị của ngành đạt 1.254 tỷ đồng. Toàn huyện có 169 doanh nghiệp, 101 hợp tác xã, 30 chi hội, 468 tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Thương mại và các loại hình dịch vụ được mở rộng, phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của người dân; tổng giá trị ngành dịch vụ đạt 5.689 tỷ đồng tăng 2.532 tỷ đồng so với năm 2015. Hạ tầng kinh tế- xã hội phát triển nhanh có bước đột phá, trong hơn 04 năm đã huy động trên 10.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển hạ tầng. Toàn huyện đã cứng hoá được trên 1.600 km đường giao thông nông thôn (riêng 03 năm 2017-2019 đã cứng hoá được 1.200 km), tỷ lệ cứng hoá đường giao thông nông thôn đạt 82%, xây dựng mới một số tuyến đường nội thị và các khu dân cư, đô thị Chũ được chỉnh trang khang trang, mở rộng. Sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển toàn diện, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 87%, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 94,7%. Toàn huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Sự nghiệp văn hoá, thông tin, thể thao phát triển mạnh, các thiết chế văn hoá được tăng cường đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phát triển rộng khắp với 230 câu lạc bộ nghệ thuật; 232 câu lạc bộ thể thao; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Chí (Kiên Lao), hát Sình Ca của dân tộc Cao Lan (Đèo Gia) và hát Then của người Tày, Nùng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia; 41 di tích được xếp hạng, 06 nghệ nhân được công nhận nghệ nhân ưu tú. Sự nghiệp y tế có nhiều tiến bộ, 100% số xã, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ bác sỹ đạt 6,8/1 vạn dân, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,02%. Công tác xoá đói giảm nghèo được quan tâm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17% năm 2015 xuống còn 6,8% năm 2019. Đã có thêm 7 xã về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới là 8 xã. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương có nhiều đổi mới, tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được quan tâm thực hiện, gắn việc xây dựng Đảng với phát triển kinh tế, lấy hiệu quả kinh tế làm mục tiêu cốt lõi trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các đoàn thể nhân dân vững mạnh toàn diện. Huyện uỷ đã quan tâm đổi mới nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thường xuyên củng cố yếu kém, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đã kết nạp 1.488 đảng viên (đạt 148,8% chỉ tiêu Đại hội), tách 17 chi bộ sinh hoạt ghép, hằng năm, số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 85%. Công tác kiểm tra, giám sát gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, khoá XII) được chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng. Trong 04 năm, cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp đã kiểm tra 309 tổ chức đảng và 5.656 đảng viên, giám sát 161 tổ chức đảng và 3.096 đảng viên.

Công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân đạt được kết quả thực chất. Hệ thống chính trị toàn huyện đã tập trung vận động Nhân dân thực hiện có kết quả phong trào “Lục Ngạn chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhân dân trong huyện đã đóng góp được gần 300 tỷ đồng, 245.367 ngày công, hiến 183.521m2 đất để xây dựng nông thôn mới. Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân huyện đã đổi mới nội dung hoạt động, hướng về cơ sở, hằng năm đều được đánh giá xếp loại đơn vị vững mạnh đứng tốp đầu của tỉnh.

 

Chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở từng bước nâng cao năng lực, chất lượng quản lý, hiệu quả điều hành. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả”. Đã hoàn thành việc sắp xếp Trưởng Ban dân vận Huyện uỷ đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc huyện, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, thành lập mới Trung tâm Văn hoá- Thông tin và Thể thao, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Y tế huyện; sáp nhập 14 trường học thành 07 trường; hoàn thành việc lấy ý kiến Nhân dân để sáp nhập xã Nghĩa Hồ với thị trấn Chũ; sáp nhập 143 thôn thành 84 thôn; giảm 191 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, 3.536 người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, khu phố.

 

Nhìn lại sau 04 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020, chúng ta tự hào tin tưởng rằng, các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đề ra đều đạt và vượt. Có được kết quả đáng trân trọng này là nhờ các cấp uỷ đảng trong toàn Đảng bộ thường xuyên quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương; luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân; luôn chú  trọng công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới; Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết, thống nhất, đồng sức, chung lòng trong tổ chức triển khai và thực hiện mọi nhiệm vụ của địa phương.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2020, năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Với những kết quả đạt được của 04 năm qua, với những kinh nghiệm trong chỉ đạo, với tiềm năng lợi thế của địa phương tin tưởng rằng, Đảng bộ Lục Ngạn sẽ đề ra những chủ trương phù hợp để giai đoạn 2020-2025 quê hương Lục Ngạn Anh hùng tiếp tục bứt phá, đạt được nhiều thành tựu hơn nữa để trở thành vùng quê đáng sống./.

 

La Văn Nam- Phó  Bí thư Thường trực Huyện uỷ

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.