Chăn nuôi ngựa Bạch - hướng đi mới của người dân thôn Khuôn Kén - xã Tân Sơn

Trong vài năm gần đây, tận dụng lợi thế đồi rừng rộng, một hộ dân ở bản Khuôn Kén - Bản xa nhất và khó khăn nhất của xã Tân Sơn đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi ngựa Bạch từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao cho kinh tế hộ gia đình. Xuất phát từ hiệu quả đó, Chi bộ thôn Khuôn Kén đã họp, mạnh dạn ra nghị quyết chuyên đề về phát triển và nhân rộng mô hình này ra toàn thôn. Nghị quyết này đã thực sự trở thành một luồng gió mới nhằm từng bước giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững.

Gia đình bà Hoàng Thị Lá, ở thôn Khuôn Kén, xã Tân Sơn đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi ngựa bạch


Sau nhiều năm lắt lay với cuộc sống nghèo túng nơi vùng cao heo hút, gia đình bà Hoàng Thị Lá, người dân tộc Nùng, ở bản Khuôn Kén, xã Tân Sơn đã chọn chăn nuôi con ngựa Bạch làm hướng đi phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, do điều kiện đi lại khó khăn, gia đình bà chỉ nuôi một con ngựa Kim để sử dụng vào việc thồ hàng và đi lại ra trung tâm xã. Năm 1998, sau nhiều lần sang xã Hữu Kiên chơi, thấy có giống ngựa Bạch được người dân địa phương nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Gia đình bà đã quyết định bán ngựa Kim, vay mượn được 20 triệu đồng để mua 2 con ngựa Bạch con về nuôi để nhân giống. Do có diện tích đồng cỏ, đồi rừng rộng, nên việc chăn thả ngựa không mấy vất vả. Đàn ngựa Bạch nhà bà cứ thế phát triển, có thời điểm tăng lên gần 30 con các loại. Để chủ động được nguồn gen, năm 2004, bà mua thêm 2 con ngựa đực non để gây giống. Hiện nay, gia bà Lá luôn duy trì đàn ngựa Bạch ở mức 16 con giống bố mẹ; trong đó có 14 con giống Bạch. Vừa rồi, gia đình bà đã xuất bán 10 con ngựa Bạch con, 5 tháng tuổi với giá 16 triệu đồng/con, bà Lá thu về 160 triệu đồng.

Anh Hoàng Văn Trường – Trưởng thôn chăm sóc đàn ngựa bạch của gia đình


Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi của gia đình bà Lá đem lại, nhiều hộ ở khu Suối Am cũng đã mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi ngựa Bạch. Để thúc đẩy mô hình chăn nuôi phát triển và từng bước nhân rộng ra toàn thôn, Chi bộ thôn Khuôn Kén đã ra nghị quyết chuyên đề phát triển chăn nuôi gia súc, trong đó trọng tâm là con ngựa bạch. Để nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, chi bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới cán bộ và nhân dân. Trong đó, đảng viên là người đi đầu làm trước. Với cách làm như vậy, đến nay ở thôn Khuôn Kén có 165 hộ thì đã có gần 100 hộ vay vốn đầu tư nuôi ngựa Bạch, với tổng đàn lên tới trên 200 con các loại. Có hộ chăn nuôi từ 10 đến 16 con. Điển hình như gia đình bà Hoàng Thị Lá 16 con; ông Vi Văn Sớn, 11 con; Hoàng Văn Tọoc, 12 con...


Theo người dân nơi đây, với điều kiện đồi rừng rộng, nguồn sinh thủy dồi dào rất thuận lợi cho việc chăn nuôi đại gia súc, trong đó có con ngựa Bạch. Không những vậy, việc chăn nuôi ngựa bạch có nhiều ưu điểm là vốn đầu tư ban đầu thấp, giá trị kinh tế cao hơn nuôi ngựa Kim hoặc nuôi trâu. Một hộ chỉ cần từ 10 đến 15 triệu đồng mua một con ngựa Bạch giống non khoảng 5 tháng tuổi. Sau 3 năm ngựa cái cho sinh sản, mỗi năm 1 con. Đến 5 tháng tuổi ngựa con có thể bán giống từ 13 đến 15 triệu đồng. Nếu nuôi đến lúc trưởng thành có giá từ 40 đến 45 triệu đồng; ngựa đực có giá trị cao hơn khoảng 60 triệu đồng một con.
Có thể nói, nghị quyết phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa ở chi bộ thôn đặc biệt khó khăn Khuôn Kén đã thực sự đem lại luồng gió mới làm thay đổi tư duy sản xuất cố hữu của đồng bào nơi đây. Bởi đây không chỉ là một chủ trương đúng mà còn là một bước chuyển mạnh mẽ trong mục tiêu thoát nghèo bền vững. Điều đáng mừng là chính từ phát triển chăn nuôi ngựa bạch, năm 2014, bản Khuôn Kén đã có thêm 10 hộ thoát nghèo.

Vũ Đoàn

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.