Hội Nông dân huyện Lục Ngạn dấu ấn từ 3 phong trào thi đua

Nhiệm kỳ  qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã không ngừng phấn xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững, đồng thời thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác Hội, các cuộc vận động và phong trào thi đua, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.   

 

sản xuất vải thiều xuất khẩu tại xã Tân Mộc

 

Với chủ đề: "Hội Nông dân Lục Ngạn đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, chung sức xây dựng nông thôn mới". Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2012 - 2018, Ban chấp hành Hội Nông dân huyện Lục Ngạn đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động  theo hướng thiết thực, hiệu quả gắn với sản xuất và nâng cao đời sống, phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân; phát triển các tổ, nhóm liên kết sản xuất, tổ tín chấp vay vốn, các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước cho hội viên nông dân. Các cấp Hội Nông dân huyện còn triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động; trong đó nổi bật là phong trào: nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hoá; phong trào nông dân thi đua xây dựng xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh gắn với phòng chống các tệ nạn xã hội và các loại tội phạm; phát động và tổ chức cho hội viên đăng ký tham gia và phấn đấu đạt danh hiệu hộ sản xuất giỏi các cấp đồng thời tham gia xây dựng các mô hình điểm và mô hình kinh tế trang trại để tuyên truyền nhân ra diện rộng. Các phong trào thi đua đã tạo nên khí thế rộng khắp trên địa bàn dân cư, thu hút ngày càng nhiều số hộ làm nông nghiệp tham gia vào tổ chức hội. Theo đó, toàn huyện đã kết nạp được 3.563 hội viên mới, nâng tổng số hội viên trong toàn huyện lên 36.399 hội viên, đạt 80,0% số hộ nông nghiệp. Năm 2017, toàn huyện có 28/30 cơ sở Hội đạt vững mạnh và vững mạnh xuất sắc, tăng 05 cơ sở so với đầu nhiệm kỳ. Điển hình các xã làm tốt công tác phát triển hội viên như: Thị trấn Chũ, Mỹ An, Tân Sơn, Nghĩa Hồ và xã Hồng Giang…

 

Cùng với việc củng cố, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, những năm qua, các cấp hội Nông dân trong huyện đã đẩy mạnh phong trào “nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hưởng ứng phong trào này, hội viên nông dân ở khắp các xã từ vùng thấp đến vùng cao trên địa bàn huyện đã thi đua sản xuất kinh doanh giỏi ở hầu hết các lĩnh vực như: Sản xuất Vải thiều Vietgap, Globagap, kinh doanh phân bón thuốc trừ sâu kết hợp chăn nuôi gà, lợn; sản xuất cây ăn quả có múi; chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao. Để phong trào đi vào chiều sâu, phát triển về chất, hàng năm, các cấp hội nông dân (HND) chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Theo đó, hằng năm các cấp hội Nông dân huyện đã phối hợp mở được từ 350 – trên 400 lớp tập huấn chuyển giao KHKT về trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân và hàng chục lớp dạy nghề ngắn hạn, tư vấn học nghề cho hàng trăm lao động nông thôn; phối hợp với các doanh nghiệp, công ty tổ chức ký hợp đồng hỗ trợ nông dân mua phân bón trả chậm với tổng số hơn 21.000 tấn, phục vụ kịp thời cho sản xuất vải thiều và cây có múi các loại. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Trạm khuyến nông cung ứng hàng ngàn cây, con giống cho hội viên nông dân phát triển, sản xuất.....Cùng đó, để giúp hội viên có nguồn vốn phát triển kinh tế. Hội Nông dân huyện đã tín chấp với 2 Ngân hàng chính sách xã hội huyện, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lục Ngạn với nguồn vốn vay trên 343 tỷ đồng, giúp cho hàng nghìn lượt hộ nông dân vay để phát triển kinh tế gia đình. Với những việc làm thiết thực, phong trào đã thu hút và khích lệ hàng nghìn hộ nông dân hưởng ứng, tham gia, giúp các hội viên đổi mới tư duy và sáng tao trong lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những cây, con giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và áp dụng các biện pháp KHKT vào sản xuất, Hội Nông dân huyện còn chỉ đạo các Hội cơ sở đẩy mạnh và phát huy hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân trong toàn huyện đạt trên  1,7 tỷ đồng, tăng 880 triệu đồng so với nhiệm kỳ trước. Từ nguồn quỹ này, các cấp hội nông dân đã xây dựng được 58 dự án cho 94 hộ hội viên vay vốn để phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn tiếp nhận nguồn vốn từ Hội Nông dân tỉnh và Trung ương Hội triển khai, thẩm định cho vay 9 dự án, trị giá hơn 3,8 tỷ đồng ở các xã Phong Vân, Phú Nhuận, Tân Sơn và Tân Hoa... Các dự án có vốn vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đều mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập trong nông dân.

 

Nhiều nông dân thông qua phong trào đã vượt khó, vươn lên làm giàu. Điển hình trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc vải thiều theo quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm sản xuất ra quả vải sạch, an toàn, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu phải kể tới hộ anh Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu), ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn. Với diện tích vườn vải rộng hơn 2 ha, không chỉ là hộ sản xuất vải thiều VietGAP,GLOBAGAP hiệu quả, mà anh Hành còn nghiên cứu, thực hiện thành công biện pháp cho cây vải thiều ra quả trong thân nên năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế mà quả vải mang lại cao hơn. Giải pháp khoa học kỹ thuật này, đã giúp anh Hành đạt được các giải cao trong cuộc thi Sáng tạo khoa học nhà nông cấp tỉnh và cấp Trung ương. Tiêu biểu năm  2017, mặc dù chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết Elnino, nhiều hộ trồng vải trên địa bàn huyện hầu như mất trắng, nhưng nhờ biết cách chăm sóc nên vườn vải nhà anh Hành vẫn cho sản lượng khoảng 15 tấn, với giá bán bình quân 32 nghìn đồng/kg, cho doanh thu  gần 500 triệu đồng. Từ những hộ như gia đình anh Hành, đến nay toàn huyện đã có 11.000 ha vải thiều được sản xuất theo quy trình Vietgap, hầu hết đều được dán tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Góp phần đưa thương hiệu vải thiều Lục Ngạn  ngày càng bay xa.  

 

Bên cạnh thế mạnh phát triển kinh tế từ cây vải thiều, vài năm trở lại đây nông dân ở Lục Ngạn còn tập trung phát triển mô hình cây có múi như: cam Ngọt, cam Lòng Vàng, bưởi da xanh, bưởi ngọt các loại cho giá trị kinh tế cao. Một trong những người đi đầu trong việc đưa cây có múi vào trồng trên đồng đất Lục Ngạn là gia đình  bà Nguyễn Thị Chiếm, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc. Năm 2009, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Lục Ngạn phù hợp cho trồng, chăm sóc cây cam ngọt và cam lòng vàng, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân gia đình bà đã mạnh dạn chuyển đổi 2 mẫu đất đang trồng vải thiều của gia đình  sang trồng hai giống cây này. Sau 3 năm vừa làm, vừa tích cực học hỏi và tự đúc rút kinh nghiệm. Đến năm 2011, vườn cam nhà bà được mùa được giá, cho tổng thu nhập khoảng 1,1 tỷ đồng. Từ đó đến nay vườn cam đều đặn cho thu nhập mỗi năm từ 1- 2 tỷ đồng. Đưa gia đình bà Chiếm trở thành hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện. Nhận thấy hiệu quả của cây có múi mang lại, từ đó đến nay nhân dân trên địa bàn huyện đã trồng được hơn 5.000 ha cây có múi các loại, năm 2017 doanh thu ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Góp phần đưa Bắc Giang trở thành vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc.

Không chỉ làm giàu bằng việc thâm canh các loại cây ăn quả, cán bộ  hội viên nông dân Lục Ngạn còn năng động - sáng tạo trên nhiều mặt trận kinh tế, điển hình như: ông Nguyễn Văn Báo, sinh năm 1966, dân tộc Sán Dìu, thôn Giành Cũ, xã Quý Sơn đã làm giàu từ mô hình nuôi lợn - cá kết hợp kinh doanh vật tư nông nghiệp. Ban đầu ông chỉ nuôi khoảng 30 - 40 con lợn nái Móng Cái,  sau đó nhận thấy nhiều mô hình nuôi lợn siêu nạc mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Báo đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại để chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Với số lượng gần 600 con bao gồm các khu lợn nái, lợn đực giống, lợn thương phẩm. Hiện nay, mỗi tháng trang trại lợn của ông Báo xuất bán ra thị trường gần 10 tấn lợn hơi, doanh thu mỗi năm khoảng 4,5 tỷ đồng, trừ đi chi phí lãi từ 300 - 350 triệu đồng. Ngoài ra, với hơn 4 ha diện tích mặt nước  anh chia nhỏ làm 4 ao để chủ động cho việc thâm canh, đánh bắt cá. Sản lượng cá thịt hàng năm ước đạt khoảng 25 - 30 tấn, trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng. Cùng đó, doanh thu từ cây ăn quả, kinh doanh vật tư nông nghiệp và thức ăn gia súc khoảng 200 triệu đồng/năm. Đến nay, tổng các nguồn thu từ kinh doanh lân đạm, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả và nuôi lợn - cá của gia đình anh khoảng gần 10 tỷ đồng/năm. Cơ sở của anh đang tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động thường xuyên và hơn 20 lao động thời vụ với mức lương bình quân gần 6 triệu đồng/người/tháng. 

 

Mô hình chăn nuôi vịt

 

Từ những kết quả trên, bình quân mỗi năm toàn huyện có 13.092 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, tăng 1097 hộ so với đầu nhiệm kỳ, trong đó: cấp Trung ương gần 344 hộ, cấp tỉnh có 1.656 hộ. Qua phong trào đã xuất hiện trên 6000 hộ nông dân trong toàn huyện có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; 594 hộ có thu nhập bình quân hằng năm từ 300 – gần 500 triệu đồng/năm; 142 hộ có thu nhập từ 500 đến gần 1 tỷ đồng/năm và 27 hộ có thu nhập từ 1 tỷ - 3,5 tỷ đồng/năm; 2 sản phẩm thế mạnh của huyện là vải thiều và Mỳ Chũ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam 2 lần tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; 2 hội viên tiêu biểu là ông Bùi Đức Long và ông Nguyễn Văn Nam được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc và được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Không chỉ có kinh tế ổn định mà nhiều hội viên nông dân còn vươn lên làm giàu, trở thành những triệu phú, tỷ phú. Tiêu biểu có mô hình: Mô hình trồng cam Ngọt của ông Bùi Đức Long, xã Hồng Giang cho thu nhập 3,5 tỷ đồng; mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap của ông Nguyễn Duy Tuấn, xã Thanh Hải; dịch vụ kinh doanh tổng hợp của ông Đào Hồng Đức và ông Trần Quang Khải, xã Hồng Giang, mô hình sản xuất và tiêu thụ mỳ Chũ của ông Nguyễn Văn Nam, xã Nam Dương …Ngoài ra, còn rất nhiều tấm gương nông dân từ vùng thấp đến vùng cao có thu nhập cao từ trồng vải thiều, cây ăn quả có múi, chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm và trồng rừng. Góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện năm 2017 xuống còn 14,3%, giảm 13,19% so với năm 2012.

 

Đi đôi với phát triển phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, cán bộ, hội viên, nông dân còn tích cực phổ biến kinh nghiệm làm ăn, giúp đỡ vốn, cây, con giống, hỗ trợ ngày công, tạo việc làm tại chỗ cho 2.650 hộ nông dân nghèo, với số tiền trên 8 tỷ đồng. Đặc biệt từ 2012 đến nay, Hội Nông dân huyện đã tổ chức đợt vận động: “hội viên giúp đỡ hội viên” giúp gia đình hội viên nghèo cải thiện nhà ở. Kết quả, đã vận động được trên 60 triệu đồng, giúp 3 hộ hội viên cải thiện nhà ở tại các xã Cấm Sơn, Biển Động và Biên Sơn. Nhờ đó đã có 310 hộ nông dân thoát nghèo vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

 

Việc thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu vag giảm nghèo bền vững giúp nhận thức và đời sống của nhân dân trên địa bàn được nâng lên, từ đó tác động tích cực tới các phong trào thi đua khác của địa phương như: Phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng, an ninh và phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Trong phong trào nông dân thi đua xây dựng Nông thôn mới, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tự nguyện như: đóng góp tiền, ngày công, hiến đất vườn, đất nông nghiệp, giữ gìn vệ sinh môi trường, tham gia tu sửa, bảo dưỡng đường giao thông nông thôn...Kết quả, nông dân trong huyện đã tham gia tu sửa, bảo dưỡng được 395km đường giao thông, khơi thông hàng nghìn km kênh mương, đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hiến 463.000 m2 đất và hàng nghìn ngày công để xây dựng hạ tầng nông thôn. Tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường có hộ ông Nguyễn Văn Tuấn ở chi hội Biềng, xã Nam Dương hiến 7000m2 đất, ông Vũ Công Hiến, xã Tân Mộc ủng hộ 180 triệu đồng; ông Vũ Công Hàn, Vũ Công Hà, Vũ Công Hậu, xã Tân Mộc mỗi hộ ủng hộ 60 triệu đồng.... Từ kết quả phong trào xây dựng nông thôn mới của Hội Nông dân các cấp, đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và xây dựng đời sống mới, con người mới ở địa phương. Điều đó đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, bộ mặt nông thôn mới đang khởi sắc từng ngày.

 

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn; với truyền thống yêu nước và cách mạng của giai cấp Nông dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang; Cán bộ, hội viên, nông dân huyện Lục Ngạn tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ do Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện lần thứ X đề ra, góp phần tích cực cùng đảng bộ và nhân dân trong huyện thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng quê hương Lục Ngạn ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 

Quỳnh Nga - Phương Thảo

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.