Trường Mầm non Kim Sơn xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

Hưởng ứng phong trào thi đua “xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” do cấp trên phát động. Trường mầm non Kim Sơn đã triển khai Kế hoạch Xây dựng trường mầm non (MN) lấy trẻ làm trung tâm đến 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể phụ huynh và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của kế hoạch, tranh thủ sự giúp đỡ của mọi tầng lớp nhân dân vào thực hiện kế hoạch.

 

Hoạt động tại vườn rau sạch giúp trẻ tìm hiểu và gần gũi với thiên nhiên

 

Xác định rõ tầm quan trọng của môi trường vật chất, và coi môi trường vật chất là điều kiện thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Vì vậy, nhà trường luôn bám sát các yêu cầu về điều kiện vật chất, trang thiết bị cho các lớp theo Điều lệ trường MN và Thông tư 28 của Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định. Đồng thời chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên kỹ năng sử dụng các đồ dùng thiết bị, vận dụng và phát huy tối đa các điều kiện thực tế của lớp, của trường vào công tác chăm sóc giáo dục trẻ hàng ngày. Đây là điểm đột phá mà nhà trường đặc biệt quan tâm, đi sâu khai thác trong quá trình Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Với tổng diện tích là 3.476m2, hiện nay nhà trường có đủ 8 phòng học cho 8 nhóm, lớp với 139 học sinh đảm bảo quy định với tổng diện tích lớp học là 432m2, chưa kể diện tích hiên chơi. Các phòng học đều được trang bị điện chiếu sáng, quạt trần... đảm bảo đủ ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông . Các thiết bị đều đảm bảo yêu cầu an toàn và vệ sinh. Các lớp học được sắp xếp gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ; Phân chia không gian và vị trí các khu vực phù hợp với diện tích, vị trí cửa ra vào, cửa sổ...; Có không gian riêng để cất giữ đồ đạc cá nhân của giáo viên và trẻ.  100% các lớp đều được trang trí theo chủ đề chủ điểm, đảm bảo thẩm mỹ, thân thiện, phù hợp lứa tuổi: Tranh ảnh, bảng biểu được treo,dán ngang tầm mắt trẻ, màu sắc hài hòa. Đa số tranh ảnh sử dụng trong trang trí lớp là sản phẩm của giáo viên và trẻ trong quá trình triển khai các chủ đề; Tranh ảnh có chữ viết to, rõ ràng, đối với 4 lớp mẫu giáo 5 tuổi ưu tiên môi trường chữ số và chữ cái; Không vẽ tranh cố định trên tường lớp, không trang trí che chắn ánh sáng cửa sổ. Các lớp đều xây dựng góc chơi phong phú cho trẻ hoạt động và bố trí thuận tiện, hợp lý, linh hoạt, dễ thay đổi, đáp ứng nhu cầu hứng thú hoạt động vui chơi của trẻ như góc xây dựng, góc khám Phá, góc phân vai, góc nghệ thuật, góc thư viện; góc hoạt động yên được bố trí xa với góc hoạt động ồn ào; góc thư viện/sách, tranh được bố trí ở nơi nhiều ánh sáng. Các góc chơi này được luân phiên thực hiện theo từng ngày, phù hợp diện tích phòng, số lượng, lứa tuổi của trẻ và chủ đề giáo dục mà lớp đang thực hiện. Có góc cố định (Như góc khám phá, góc phân vai, góc thư viện..), và có một số góc không cố định (có thể sắp xếp thêm/ bớt hoặc di chuyển) tùy nhu cầu thực tế. Tên hoặc ký hiệu các góc đơn giản, gần gũi với trẻ, được viết theo đúng quy định mẫu chữ hiện hành; Sắp xếp các góc để giáo viên có thể dễ dàng quan sát được toàn bộ hoạt động của trẻ. Các lớp đều có đủ số lượng đồ dùng, đồ chơi, thiết bị theo quy định; Có nguyên vật liệu mang tính mở (lá cây, hột, hạt, sách, báo, giấy màu...), sản phẩm hoàn thiện, sản phẩm chưa hoàn thiện; Có sản phẩm mua sẵn, sản phẩm giáo viên và trẻ tự làm, sản phẩm của địa phương mang đặc trưng văn hóa vùng miền; Đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu an toàn, vệ sinh, phù hợp với thể chất và tâm lý của trẻ mầm non. Để đảm bảo không gian ngoài trời thuận tiện cho trẻ học tập và vui chơi, năm học 2017-2018, nhà trường tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo các khu vui chơi, hoạt động ngoài trời cho trẻ. Nhà trường có một sân chơi chung toàn trường với diện tích 2000 m2, trong đó có 100m2  được trải cỏ nhân tạo, được che chắn mái lợp thông minh, giúp trẻ được hoạt động, vui chơi trong mọi thời tiết. Trường có 1 vườn rau sạch với diện tích 300m2, thường xuyên xanh tốt, cung cấp toàn bộ rau sạch cho bữa ăn của trẻ tại trường, đồng thời là nơi trẻ quan sát, trải nghiệm, tăng cường kỹ năng sống. Vườn rau bao gồm cả rau gieo trồng, rau leo giàn… mùa nào thức nấy, đem lại một không gian xanh mát cho toàn trường. Ngay cạnh sân chơi chung là khu vui chơi phát triển vận động với đa dạng các đồ dùng đồ chơi vận động, được bảo dưỡng thường xuyên và vệ sinh sạch sẽ. Tại đây, trẻ được thoải mái vui chơi với các đồ chơi và các trò chơi dân gian trẻ yêu thích. Liền kề với khu vui chơi phát triển vận động là khu vui chơi Cát- nước- sỏi, với diện tích 60m2, được chia làm các khu hoạt động với cát, nước, sỏi riêng biệt. Có nhiều mô hình, đồ chơi… giúp trẻ khám phá và trải nghiệm thực tế sinh động, với các thí nghiệm khoa học đơn giản mà hấp dẫn. Nhà trường duy trì một khu chợ quê với các nét đặc trưng văn hóa của địa phương. Đây là một không gian thu nhỏ của cuộc sống xã hội bên ngoài, giúp trẻ có sự trải nghiệm phong phú. Do diện tích của các khu vực không quá rộng, nên nhà trường sắp xếp các lớp luân phiên hoạt động tại các khu vực, sau mỗi buổi sinh hoạt vui chơi đều được vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo cho buổi chơi sau được thuận lợi. Bên cạnh việc xây dựng môi trường vật chất và sử dụng có hiệu quả môi trường vào cơ sở giáo dục trẻ, nhà trường luôn quan tâm xây dựng môi trường xã hội thân thiện, gần gũi, an toàn cho trẻ, để trẻ cảm thấy trường lớp chính là gia đình, cô giáo và các bạn là những người thân yêu của trẻ. Trong việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục mầm non (GDMN). Trong năm học nhà trường đã tổ chức nhiều các hoạt động trải nghiệm với quy mô lớn, nhỏ như tổ chức Tết trung thu với chủ đề Đêm hội trăng rằm 2017, Xuân Yêu Thương 2018, tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ....thu hút 100% trẻ nhà trường và hàng ngàn lượt phụ  huynh, nhân dân cùng tham gia. Bên cạnh các hoạt động trải nghiệm quy mô lớn do nhà trường tổ chức, 100% các lớp mẫu giáo đều sôi nổi tổ chức các hoạt động trải nghiệm với quy mô nhỏ mỗi tháng ít nhất 1 lần, nội dung tổ chức phù hợp và trọng tâm theo chủ đề... và tăng cường nội dung trải nghiệm cho trẻ trong các hoạt động học và chơi ở trên lớp. Để đạt được hiệu quả tối đa trong Kế hoạch xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường đã thực hiện vô cùng hiệu quả công tác truyền thông, nhằm tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân và cộng đồng về GDMN, đồng thời tiếp thu sự chỉ đạo sâu sắc của cấp trên, tranh thủ sự ủng hộ của tất cả các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tại địa phương để xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất và thực hiện nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ. Thông qua các buổi họp phụ huynh toàn trường, họp ban đại diện phụ huynh học sinh, thông qua tuyên truyền tại các nhóm lớp và trên các trang thông tin truyền thông từ cơ sở đến huyện.... Làm cho nhân dân hiểu, tin tưởng và ủng hộ. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nhà trường cũng là đơn vị đi đầu của GDMN huyện trong việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Đây là một kênh thông tin, kết nối giữa nhà trường và toàn thể phụ huynh, các cấp quản lý giáo dục. Trong đó, các nhiệm vụ cụ thể của nhà trường đều được đăng tải thường xuyên, kịp thời, có chọn lọc. Từ chỗ làm cho nhân dân hiểu, tin tưởng, nhà trường đã nhận được sự ủng hộ to lớn của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trong năm học 2017-2018, công tác xã hội hóa của nhà trường đạt được những thành tựu to lớn, góp phần vào xây dựng và cải tạo môi trường GD của nhà trường. Tùy vào điều kiện thực tế, phụ huynh và nhân dân đã ủng hộ nhà trường với nhiều hình thức đa dạng như tiền mặt, hiện vật, ngày công lao động.

 

Các bé làm quen với an toàn giao thông

 

Trải qua 16 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp giáo dục của địa phương. Từ năm 2000 đến nay trường liên tục đạt tập thể lao động tiên tiến, tập thể lao động xuất sắc và được UBND tỉnh tặng cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2011 - 2012; Tổ chức Công đoàn, Chi đoàn thanh niên luôn đạt Vững mạnh và Vững mạnh xuất sắc, Chi bộ liên tục đạt “Trong sạch vững mạnh, vững mạnh xuất sắc”. Cơ quan trường học liên tục đạt cơ quan văn. Năm 2012, được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận đạt chuẩn quốc gia, năm 2014 được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục.

 

Cô giáo Dương Thị Nghĩa - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Trong giai đoạn 2 (Năm học 2017-2018) của “Kế hoạch xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” được triển khai trong toàn huyện, đến thời điểm này, trường MN Kim Sơn đã hoàn thành các tiêu chí theo nội dung kế hoạch giai đoạn đã mang lại cho nhà trường một diện mạo mới, có sự thay đổi sáng tạo theo từng ngày”.

 

Trong lộ trình phát triển của những năm tiếp theo, nhà trường vẫn bám sát các tiêu chí của Kế hoạch để hoàn thiện các tiêu chí, duy trì và phát huy ngày càng cao hơn về mặt chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, mở rộng thêm sân chơi, các khu vực vườn hoa, cây cảnh…góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ tại nhà trường, nhằm ngày một nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường, giữ vững Kiểm định chất lượng GD, duy trì chất lượng giáo dục ở tốp dẫn đầu của GDMN Lục Ngạn. Chuyên đề Xây dựng môi trường GD lấy trẻ làm trung tâm ở trường MN Kim Sơn đã đạt được những kết quả to lớn, là điểm sáng trong phong trào GDMN, góp phần nhân rộng và lan tỏa phong trào tới các trường MN trong toàn huyện. Khẳng định một thông điệp, cũng là kim chỉ nam cho nhà trường trong mọi hoạt động: “Lấy trẻ làm trung tâm - Con đường nhân văn để hoàn thiện nhân cách”./.

 

Bùi Được – Hoàng Phượng

 

Chuyên mục: 

Các tin khác

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.