Lục Ngạn: Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt công tác này. Nhờ đó, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân và góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững trên địa bàn huyện.
Với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, từ đầu năm đến nay, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp tốt trong việc tổ chức đào tạo nghề tập trung thực hiện tốt công tác này. Để đảm bảo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng đối tượng, có hiệu quả cao, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; chủ động linh hoạt lựa chọn ngành nghề sát với điều kiện, thế mạnh của địa phương.
Với cách làm này, việc dạy nghề từng bước gắn sát với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng dạy nghề và hiệu quả việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo.
 
Buổi Thực hành nghề điện dân dụng tại Tân Đồng - Tân Mộc do Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Phương Lan phối hợp tổ chức.
 
Theo đó, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức 32 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 1 nghìn học viên. Trong đó, có 17 lớp với 559 học viên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 15 lớp với 497 học viên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi. Những ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia học gồm: May thời trang, chăn nuôi thú y, trồng trọt, điện dân dụng, sửa chữa cơ khí… Học viên tham gia các lớp đào tạo nghề là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vùng dân tộc thiểu số và người có thu nhập thấp, gia đình chính sách... Tham gia khóa học, học viên được Nhà nước hỗ trợ học phí, tiền ăn trưa; được cấp chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp và được tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm phù hợp. 
Ông Trần Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Phương Lan, đơn vị phối hợp đào tạo nghề lao động tại huyện Lục Ngạn cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Phương Lan đã phối hợp với địa phương tổ chức 14 lớp dạy nghề thường xuyên cho gần 300 Học viên đối với các ngành nghề chăn nuôi, thú ý, cơ khí... Để đảm bảo chất lượng, sát với nhu cầu đào tạo, đơn vị cũng đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của lao động, tư vấn, đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động nhằm thu hút người lao động chủ động học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp”. 
Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, cơ quan chức năng của huyện tích cực tuyên truyền các chính sách liên quan, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cán bộ chuyên môn các xã triển khai công tác đào tạo nghề và tuyển sinh đúng với nhu cầu, thời gian theo quy định.
 
Giờ học lý thuyết nghề Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi tại thôn Tân Tiến xã Tân Lập.
 
Bà Vũ Thị Dự, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, hàng năm, đơn vị phối hợp ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn rà soát, tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với phục vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới. Đặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động. 
Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, tác phong làm việc của người lao động theo hướng tiếp cận với tác phong công nghiệp. Sau khi học nghề, người dân đã ứng dụng KHKT để tăng năng suất, hiệu suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương./.
Bài, ảnh: Hoàng Phượng

Chuyên mục: 

Chia sẻ Zalo
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.