Điện lực Lục Ngạn: Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm sử dụng điện

Tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm trong sử dụng điện, qua đó đề xuất cơ quan chức năng hướng xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Điện lực Lục Ngạn (Bắc Giang) thời gian qua.

Cùng với việc lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra sử dụng điện của các đơn vị, cá nhân nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm, Điện lực Lục Ngạn còn chú trọng phân tích, theo dõi đánh giá tình hình sử dụng điện của khách hàng để có giải pháp cụ thể trong việc khoanh vùng, kiểm tra các đối tượng có nghi vấn vi phạm. Đa phần các vụ vi phạm sử dụng điện chủ yếu được phát hiện từ các bộ phận ghi chỉ số, phúc tra chỉ số, kiểm tra điện kế hoặc từ nguồn tin báo của người dân.

 Cán bộ Điện lực Lục Ngạn kiểm tra đột suất nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm trong sử dụng điện

Kết quả kiểm tra cho thấy, hình thức vi phạm sử dụng điện chủ yếu ở hành vi câu móc trực tiếp từ đường dây điện vào nhà mà không qua công tơ điện. Đây là sai phạm rất nguy hiểm đến tính mạng con người vì thiếu an toàn. Thực tế đã từng có nhiều trường hợp tai nạn dẫn đến thương vong từ tình trạng câu móc đường dây điện nêu trên. Bên cạnh đó, việc tác động trực tiếp vào công tơ điện làm sai lệch chỉ số đồng hồ điện kế cũng diễn ra nhiều. Ngoài ra, hành vi can thiệp gián tiếp vào công tơ điện bằng cách dùng vật tác động vào công tơ điện cũng để làm sai lệch chỉ số điện kế. Tất cả những động cơ đó chủ yếu nhằm mục đích ăn cắp điện để trả tiền điện ít hơn nhu cầu sử dụng thực tế.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, Tổ trưởng tổ Kiểm tra- Giám sát mua bán điện- Điện lực Lục Ngạn cho biết: Trong năm 2020, Điện lực Lục Ngạn phát hiện hơn 20 trường hợp vi phạm sử dụng điện, đã tham mưu với UBND các cấp xử lý 16 trường hợp; riêng những tháng đầu năm 2021, đơn vị tiếp tục phát hiện 4 trường hợp vị phạm, trong đó UBND các xã xử lý 2 trường hợp, 2 trường hợp còn lại đề nghị UBND huyện ra quyết định xử lý.

Theo Điều 12, Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nêu rõ các vi phạm và hình thức xử phạt trong sử dụng điện.

Theo đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 30 triệu đồng đối với các hành vi như: Cản trở người có thẩm quyền kiểm tra việc sử dụng điện; vô ý gây sự cố hệ thống điện của bên bán điện; tự ý cấp điện cho tổ chức, cá nhân bị ngừng cấp điện do vi phạm các quy định về sử dụng điện; vi phạm pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường; tự ý lắp đặt, đóng, cắt, sửa chữa, di chuyển, thay thế các thiết bị điện và công trình điện của bên bán điện… Khoản 9, Điều 12 của Nghị định 134/2013/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 2- 50 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức với số lượng đến dưới 20 nghìn kWh điện. Riêng trường hợp trộm cắp điện từ 20 nghìn kWh trở lên thì cơ quan chức năng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Bên cạnh hình thức xử phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của các sự vụ.

Ông Kiều Đặng Hải, Phó Giám đốc Điện Lực Lục Ngạn cho rằng, để thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý và ngăn ngừa vi phạm sử dụng điện, nhằm góp phần giảm tổn thất điện trong quản lý kinh doanh, bảo đảm nguồn điện cung cấp cho khách hàng, Điện lực Lục Ngạn tiếp tục duy trì các giải pháp nhằm hạn chế các vi phạm như: tăng cường thực hiện các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực sử dụng điện trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với việc treo pa- nô, dán áp- phích, phát tờ rơi tại các buổi họp tiếp xúc người dân. Mặt khác, đơn vị đẩy mạnh công tác đánh giá, phân tích biến động sản lượng điện bất thường của khách hàng; tổ chức điều tra tại các trạm công cộng có tổn thất cao, kết hợp với việc sử dụng thiết bị đo so lệch dòng điện; khoanh vùng đối tượng khách hàng nghi ngờ vi phạm sử dụng điện để kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có.

Việc “mạnh tay” phát hiện, xử lý các hành vi trộm cắp điện góp phần quan trọng trong việc giảm tổn thất điện năng thương mại, tăng cường kỷ cương trong kinh doanh, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn…/.

 

Quang Huấn- Vũ Đoàn

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.