Thanh niên tích cực Ứng dụng công nghệ số quảng bá, tiêu thụ nông sản

Nhận thấy lợi thế của địa phương trong trồng chăm sóc và đưa ra thị trường nhiều mặt hàng nông sản – thảo dược chất lượng cao, nhưng việc quảng bá, tiêu thụ nông sản chủ yếu thực hiện qua các kênh bán hàng truyền thống. Do đó, độ nhận diện nông sản chưa cao và phụ thuộc vào thương lái. Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương, thanh niên Lê Quang Dũng, sinh năm 1991, ở Kim 1, Phượng Sơn là Giám đốc HTX Nông dược BaGia Herbe, đã kết hợp với các kênh bán hàng mới thông qua các sàn thương mại điện tử như shopee, website... cùng với các nền tảng mạng xã hội Tiktok, Facebook... để kinh doanh phân phối sản phẩm các loại Trà thảo mộc và quả ngọt đặc trưng theo mùa của huyện. 
Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2023, HTX Nông dược BaGia Herbe chuyên thu mua các nông sản thảo dược tại địa phương rồi sơ chế, đóng gói và tiêu thụ trên các nền tảng số như: Tiktok, Facebook,...  
Với nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng đa kênh thương mại trực tuyến. Hiện 2 sản phẩm chính của HTX gồm: Trà Hoa sâm gạo lứt và trà cà gai leo rau má đã được 2 siêu thị lớn tại Hà Nội ký kết tiêu thụ hơn 2.000 sản phẩm.  Dự kiến từ nay đến tết Nguyên đán 2025, HTX tiếp tục sơ chế, đóng gói và đẩy mạnh việc tiêu thụ qua các kênh trực tuyến khoảng 5000 sản phẩm. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho hàng chục thành viên HTX và nhiều hộ dân trên địa bàn. 

Đại diện HTX Nông dược BaGia Herbe giới thiệu sản phẩm với khách hàng

Anh Lê Quang Dũng, Giám đốc HTX Nông dược BaGia Herbe, chia sẻ thêm: “Tôi đã có 2 năm kinh nghiệm trong xây dựng kênh truyền thông, 2 năm bán hàng trực tuyến qua facebook, tiktok shop. Hiện đang làm chủ 2 kênh truyền thông với tổng gần 60 nghìn người theo dõi và đang mentor cho 1 người nổi tiếng về lĩnh vực nông sản trên mạng xã hội với hàng trăm nghìn người theo dõi”. Vì thế bên cạnh việc quảng bá, tiêu thụ các nông sản tại địa phương, mục tiêu chính mà  HTX hướng tới là đào tạo nhân sự cho thanh niên, bà con nông dân tại địa phương kĩ năng bán hàng trực tuyến, livestream, xây dựng các kênh chuyên chia sẻ về nội dung phản ánh đời sống sản xuất nông thôn, quảng bá đặc sản đặc trưng, văn hóa ẩm thực vùng miền, do cộng đồng thanh niên nông thôn, doanh nghiệp, HTX và bà con địa phương sản xuất. Giúp các doanh nghiệp, bà con và thanh niên địa phương dễ dàng đưa sản phẩm nông sản đặc trưng, thực phẩm chất lượng của mình tới với hàng triệu khách hàng trên toàn quốc qua chính kênh mà dự án xây dựng. 

Là hộ có thâm niên trồng, sơ chế thủ công các cây dược liệu tại xã Mỹ An, trước đây hộ anh Trần Văn Hanh, thôn Ngọc Nương, xã Mỹ An đã thử bán hàng qua kênh trực tuyến trên mạng xã hội facebook. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và độ tương tác không cao, nên chưa thành công. “Từ khi được HTX Nông dược BaGia Herbe thu mua bao tiêu đầu ra của dược liệu, gia đình anh Hanh đã yên tâm mở rộng diện tích trồng chăm sóc cây.  Tích cực quảng bá theo sự hướng dẫn của HTX từ khi chăm sóc cây đến khi thu hoạch và thường xuyên cập nhật trên mạng xã hội. Như vậy, khách hàng theo dõi được quy trình sản xuất và sản phẩm sẽ được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn”. Anh Trần Văn Hanh chia sẻ.

Thực tế cho thấy, việc tìm kiếm, kết nối đưa sản phẩm, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử là phương tiện truyền thông, thông tin đến người tiêu dùng nhanh nhất, chính xác nhất. Trên sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng được biết đến quy trình sản xuất, thông tin sản phẩm, chứng nhận của Nhà nước về sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng. 

HTX Nông dược BaGia Herbe tại lễ ký kết cung ứng sản phẩm vào chuỗi siêu thị
 

Đồng chí Dương Văn Hiến, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: "Nhằm hỗ trợ các hoạt động lập nghiệp, khởi nghiệp của thanh niên, bên cạnh các hình thức quảng bá, mua bán truyền thống, việc đưa các sản phẩm của thanh niên lên sàn thương mại điện tử đang được chú trọng. Năm 2024, Huyện đoàn Lục Ngạn đã tiến hành rà soát, đánh giá hàng chục mô hình khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn để kịp thời triển khai việc hỗ trợ đưa sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp lên các sàn Tthương mại điện tử.
Kết nối để đưa sản phẩm kinh doanh, sản phẩm OCOP của thanh niên lên các sàn thương mại điện tử là hướng đi hiệu quả, góp phần khắc phục tình trạng "được mùa mất giá”, giúp giữ ổn định giá nông sản, hạn chế sự phụ thuộc vào thương lái... Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực kết nối của các cấp, thanh niên là chủ các sản phẩm kinh doanh, sản phẩm OCOP cần chủ động trong việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Quỳnh Nga – Phương Thảo

Chuyên mục: 

Chia sẻ Zalo
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.