Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

 

Sáng 25/4, đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCTT-TKCN năm 2022. Tại điểm cầu Lục Ngạn, đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện chủ trì. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện; một số cơ quan, ban ngành liên quan.

Năm 2021, thiên tai tuy không khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp với 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở nguy hiểm. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên thiệt hại do thiên tai giảm nhiều so với năm 2020 và các năm trước đó. Cụ thể, thiên tai làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế hơn 5,2 nghìn tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).

Tại Bắc Giang, năm 2021 chỉ chịu ảnh hưởng gián tiếp từ rìa xa hoàn lưu các cơn bão số 2, 3, 6, 7, 8 và ATNĐ cơn bão số 1 gây mưa rào và dông đơn thuần (riêng bão số 7 ảnh hưởng trực tiếp gây mưa vừa, mưa to). Thiên tai làm 1 người chết, 3 người bị thương; làm ngập lụt khoảng 312 ha lúa, 14 ha rau màu.

Thảo luận tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTT còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế kéo dài chưa xử lý dứt điểm và hạn chế mới phát sinh cần sớm được khắc phục như: Còn thiệt hại về người trong thiên tai do chủ quan, bất cẩn; việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ", nhất là xây dựng lực lượng xung kích PCTT ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa phát huy tốt hiệu quả; công tác khắc phục hậu quả triển khai còn chậm, không dứt điểm... 

Để ứng phó với thiên tai trong năm 2022, nhất là trong điều kiện khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật cao, lượng mưa trong năm có xu hướng tăng, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan, một số ý kiến đề nghị cần chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Trong đó lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, các chương trình, dự án đầu tư của các bộ, ngành địa phương, nhất là các dự án phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung tránh làm gia tăng rủi ro thiên tai. 

Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành nhấn mạnh, do tác động của biến đổi khí hậu nên thiên tai dự báo ngày càng khó lường, phức tạp hơn. Do đó để ứng phó hiệu quả thiên tai đòi hỏi nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, các lực lượng vũ trang và người dân. Trước hết phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, coi đây là yếu tố quyết định, làm cơ sở cho việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Đồng chí La Văn Nam chủ trì tại điểm cầu  huyện Lục Ngạn.

Với phương châm “phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa”, đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương tiện, phương án, kế hoạch PCTT trên phạm vi toàn quốc để không bị động trước các tình huống. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến của thiên tai. 

Khi tình huống xấu xảy ra, cả hệ thống chính trị phải phản ứng nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đặc biệt là cấp ủy đảng, chính quyền, các lực lượng cơ sở, cấp xã, cấp huyện bởi đây là lực lượng quan trọng, quyết định đến hiệu quả của việc ứng phó, xử lý tình huống.

Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao năng lực của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT- TKCN các cấp, nhất là cấp xã, huyện, bảo đảm đủ năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện thiên tai ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường. Củng cố lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở, lực lượng trực tiếp, có trách nhiệm xử lý theo phương châm “4 tại chỗ” khi thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó từng bước xây dựng lực lượng chuyên nghiệp, hiện đại để ứng phó với tình huống phức tạp.

Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, trong đó quan tâm ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp truyền thông để thông tin đến được với từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng; tập trung tuyên truyền, củng cố kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố đến người dân. Lồng ghép nội dung PCTT vào chương trình đào tạo, giảng dạy trong nhà trường cũng như trong các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng.

Quan tâm đầu tư cho PCTT bởi đây là đầu tư cho phát triển bền vững. Cùng với đầu tư từ ngân sách cần đa dạng hóa, sử dụng hiệu quả nguồn lực, ưu tiên bố trí kinh phí để kịp thời khắc phục sự cố, nâng cấp đê điều, hồ đập, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, đầu tư trang thiết bị chuyên dùng TKCN. Triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, chính sách pháp luật về PCTT, sự cố; rà soát, xây dựng chính sách để động viên, khuyến khích sự tham gia của người dân...

Để giảm bớt thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, đồng chí Lê Văn Thành đề nghị, sau hội nghị này, Bộ Nông nghiệp và PTNT - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT-TKCN chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCTT-TKCN trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào đầu tháng 5 tới.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 10 tập thể, cá nhân; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen cho 109 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT-TKCN năm 2021.

Quang Huấn

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.