Sáng 30/6, tại hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và của Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Hội nghị được truyền trực tuyến tới điểm cầu ở 8 ban, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành. Nhiều địa phương kết nối trực tuyến đến điểm cầu ở cấp huyện, xã, với sự tham dự của hơn 81.000 đại biểu trong toàn quốc.
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương |
Dự, chủ trì ở điểm cầu tỉnh Bắc Giang có các đồng chí Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh: đồng chí Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Tống Ngọc Bắc, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh. Cùng dự có đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh…
Dự tại điểm cầu huyện Lục Ngạn có đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Cao Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy. Các đồng chí lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ. Các đồng chí là Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện; thủ trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022 nhằm đánh giá thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua và sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Ngoài ra, Hội nghị quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo báo cáo của Ban Nội chính T.Ư (cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo T.Ư phòng chống tham nhũng, tiêu cực), 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị xử lý do tham nhũng. Hơn 170 cán bộ cấp cao diện T.Ư quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 50 cán bộ diện T.Ư quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên T.Ư, 20 sĩ quan cấp tướng.
Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc. Các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án, với gần 1.100 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ roc có nhiều bài học kinh nghiệm quý được rút ra. Trước hết, cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng.
![]() |
Các đại biểu dự tại điểm cầu Lục Ngạn
|
Gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều điểm hạn chế cần khắc phục. Trong đó, một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
Tổng Bí thư yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là nhiệm vụ không mới nhưng rất quan trọng. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể.
Vũ Đoàn