Hội nghị trực tuyến đánh giá thiệt hại sau bão số 3

Chiều 10/9, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố đánh giá tình hình thiệt hại và triển khai các phương án khắc phục hậu quả sau bão số 3.
Dự tại điểm cầu huyện có đồng chí Vương Tuấn Nghĩa, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện và các thành viên Ban chỉ huy PCTT – TCKN huyện.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo nhanh tình hình thiệt hại, biện pháp triển khai ứng phó với mưa lũ. Đồng thời nêu các giải pháp khắc phục sự cố sớm cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc trở lại; xử lý các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông; công tác khám, chữa bệnh, vệ sinh môi trường.
 
 
Đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện báo cáo nhanh thiệt hại và giải pháp khắc phục
 
Đại diện lãnh đạo huyện Lục Ngạn, đồng chí La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện báo cáo. Hiện hiện huyện còn một số thôn trong vùng lòng hồ Cấm Sơn và toàn bộ xã Sa Lý bị chia cắt; xã Đèo Gia và Tân Lập chưa có điện. Nhiều diện tích cây ăn quả nguy cơ mất trắng do bị ngập lụt, đường Quốc Lộ 31, đoạn dốc Cầu Lau thuộc xã Biển Động bị lở móc hàm ếch quá nửa đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông, huyện đã làm đường tránh và lập chốt gác, chỉ cho phương tiện thô sơ, xe ô tô con và xe máy qua, Ngầm Tà Cang xã Phong Minh bị hỏng nặng gây chia cắt. Huyện đề xuất UBND tỉnh sớm hỗ trợ người dân gặp khó khăn, nhất là có giải pháp giãn nợ, giảm lãi suất cho các khách hàng bị thiệt hại do mưa lũ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón… giúp người dân khôi phục sản xuất. 
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh có 3 vấn đề lớn cần quan tâm hiện nay đó là: Hệ thống đê điều trước áp lực nước sông lên cao, trọng điểm là hệ thống đê sông Cầu, sông Thương; công trình hồ chứa nước và tình trạng ngập úng ở một số nơi. Đồng chí yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung ứng phó các sự cố đê điều. Tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện, xử lý kịp thời sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu, nhất là hệ thống đê sông Cầu, sông Thương; kiểm tra lại toàn bộ vật tư, phương tiện, thực hiện canh gác và phát quang cây cối; nghiêm cấm xe có trọng tải lớn đi trên đê vào mùa mưa lũ.
Đối với hệ thống hồ đập, ngành Nông nghiệp tiếp tục nâng cao trách nhiệm cho các đơn vị thủy nông bố trí lực lượng tuần tra, giám sát chặt chẽ; thường xuyên báo cáo tình hình, nâng cao công tác dự tính, dự báo, đặc biệt là theo dõi chặt chẽ mực nước hồ Cấm Sơn. Nếu cần thiết sẽ chủ động tổ chức sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm.
Các địa phương thường xuyên nắm thông tin tại các địa bàn bị ngập lụt, sẵn sàng phương tiện, vật tư hỗ trợ nhân dân bảo đảm đời sống. Đối với các khu vực thiệt hại về sản xuất, ngành Nông nghiệp phải cử người hướng dẫn người dân khắc phục kịp thời. Các ngành chức năng cần tập trung khắc phục ngay các điểm sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt; khôi phục hoàn toàn điện, viễn thông, nước sạch./.
Bùi Được

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.