Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mùa thu hoạch vải

Nhằm góp phần nâng cao sức khỏe người dân, nhất là mùa thu hoạch vải thiều đến, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) huyện Lục Ngạn chỉ đạo các xã, thị trấn chú trọng truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người tiêu dùng, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. 

Thời điểm này năm ngoái một số xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn phải thực hiện Chỉ thị số 16 của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 nên nhà hàng, quán ăn chỉ được phép bán hàng cho khách mang về. Để thực khách không quên tên, quán ăn “Bắc Hiền” tại số 343, tổ dân phố Trần Hưng Đạo, thị trấn Chũ mỗi ngày đóng gói từ 30 đến 40 suất cơm bán cho khách quen.

 Các quán ăn cố định đều thực hiện cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP.

 

Năm nay dịch Covid-19 được kiểm soát, chủ quán ăn tu sửa lại cơ sở vật chất để đón khách. Chủ quán ăn Thân Thị Hiền cho biết: “Để giữ chân khách, tôi thường mua thực phẩm ở những địa chỉ tin cậy, bảo đảm tươi ngon; quá trình chế biến tuân thủ quy định vệ sinh ATTP, thức ăn chín được cất trong tủ kính. Tất cả các thực phẩm đều được lưu mẫu”.

Tuy nhiên theo quan sát, lượng khách đến ăn uống tại quán ăn thưa thớt, đa phần là khách lẻ. “Mong rằng mấy ngày tới lượng khách sẽ đông hơn nhằm bù đắp thiếu hụt của năm trước”- chị Hiền nói.

          Trước thời gian vụ vải, quán ăn “Xuân Sơn Quán”, tổ dân phố Lê Duẩn, thị trấn Chũ bán khoảng 150 bát phở, 30 suất cơm thì thời gian này tăng lên khoảng 200 bá phở và khoảng 80 suất cơm. Anh Phan Thanh Sơn, chủ quán cho biết, năm trước do dịch, bệnh phải đóng cửa, năm nay tôi quyết định mở rộng quán mong rằng việc làm ăn sẽ gặp thuận lợi.

          Để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tuân thủ quy định về ATTP, Ban chỉ đạo liên ngành của huyện siết chặt kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn đường phố, cơ sở giết mổ, dịch vụ nhà hàng ăn uống; giám sát ô nhiễm và phòng, chống dịch bệnh truyền qua thức ăn, sẵn sàng xử trí, can thiệp kịp thời khi xảy ra ngộ độc trong mùa thu hoạch vải thiều. 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Đích, Trưởng Phòng Y tế huyện, trên địa bàn huyện Lục Ngạn hiện có hơn 50 quán ăn cùng hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, tổ kiểm tra liên ngành của huyện kiểm tra, phát hiện 1 vụ vi phạm vệ sinh ATTP, xử phạt số tiền 1,5 triệu đồng. Để bảo đảm công tác vệ sinh ATTP, thời gian từ bắt đầu thu hoạch vải, tổ liên ngành của huyện đã tổ chức 5 buổi kiểm tra nhưng chưa phát hiện vi phạm.

Cũng theo đồng chí Đích, cái khó lớn nhất của công tác vệ sinh ATTP là lực lượng mỏng, trong thời gian vụ vải nhiều quán ăn mùa vụ, vỉa hè tự phát mọc lên tương đối nhiều; bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra vệ sinh ATTP không có.

Hiện tại tổ chỉ kiểm tra mang tính chất định tỉnh, còn nếu kiểm tra định lượng, sau khi thực hiện thủ tục cần thiết, để có kết quả kiểm tra thực phẩm nghi ngờ không bảo đảm vệ sinh ATTP thì mất khoảng 1 tuần.

Chính vì vậy, công tác vệ sinh ATTP được tập trung thực hiện bằng tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định, không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị, cơ quan trong việc quản lý ATTP tại địa phương; công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về ATTP nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm trái pháp luật.

Đối với người tiêu dùng cần có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATTP; không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…

 

Quang Huấn

 

 

Chuyên mục: 

Chia sẻ Zalo
Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.