Đoàn kết các dân tộc, xây dựng quê hương Lục Ngạn phát triển giàu đẹp, văn minh

Lục Ngạn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng; có lịch sử, văn hóa lâu đời, nơi sinh sống quần tụ của 8 dân tộc gồm: Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa); trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 51,1% tổng số dân. Trong giai đoạn 2019 - 2024, được sự quan tâm của các cấp, ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và tinh thần nỗ lực của các tầng lớp nhân dân trong huyện, đặc biệt là đồng bào các DTTS, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện. Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn phát huy tinh thần đoàn kết lẫn nhau, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Những năm qua, vấn đề đại đoàn kết các dân tộc luôn được huyện Lục Ngạn tập trung thực hiện có hiệu quả, góp phần chăm lo, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc; đồng thời, triển khai đồng bộ và có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án chính sách dân tộc. 
 
Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Lục Ngạn luôn phát huy tinh thần đoàn kết lẫn nhau, cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
 
Qua đó, Lục Ngạn đã phát huy các tiềm năng, lợi thế tại địa phương, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Cùng với đó,cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào các dân tộc, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát”. 
Đồng chí Chu Văn Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết: “Huyện Lục Ngạn có 52% đồng bào DTTS. Huyện luôn xác định việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì vậy trong những năm qua HU-HĐND-UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản và tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả về công tác dân tộc trên địa bàn huyện, cụ thể: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai các CT MTQG, các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện đảm bảo đúng đối tượng và sát với tình hình thực tiễn địa phương. Vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các chính sách dành riêng cho đồng bào DTTS. Nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ thực hiện chính sách dân tộc thông qua tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, từ đó vận dụng để triển khai thực hiện chính sách đúng và hiệu quả. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Nhờ triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án trọng tâm như: Hỗ trợ làm nhà ở, chuyển đổi nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người dân vùng đồng bào DTTS vươn lên, có đời sống khá giả và có mức sống cao, tiệm cận với người dân tộc Kinh”.
 
Đồng chí Chu Văn Trọng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết huyện luôn xác định việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng
 
Thực hiện Chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2019-2024, huyện Lục Ngạn đã tập trung triển khai thực hiện giải quyết được những vấn đề cấp thiết vùng ĐBKK, vùng DTTS &MN, trong đó, đã đầu tư trên 100 công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng kinh phí trên 148 tỷ đồng đồng, tập trung ưu tiên xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng, chợ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân vùng đặc biệt khó khăn. 
 
Nhờ các nguồn lực hỗ trợ, đồng bào DTTS đã phát huy tinh thần tự lực, phấn đấu vươn lên.
 
Giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào DTTS có sự chuyển biến tích cực; mạng lưới cơ sở giáo dục được phát triển rộng khắp, cơ sở vật chất được đầu tư nâng cấp, chất lượng từng bước được nâng cao. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân tiếp tục được quan tâm.
Cùng đó, các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi được quan tâm thực hiện.
Từ Năm 2019-2024, huyện đã triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 320 hộ với tổng khinh phí thực hiện là trên 14 tỷ đồng; hỗ trợ 915 hộ có khó khăn về đất sản xuất với tổng kinh phí thực hiện là hơn 9 tỷ đồng; hỗ trợ trên 1.500 hộ có khó khăn về nước sinh hoạt phân tán với tổng kinh phí thực hiện trên 4,5 tỷ đồng.
Các chính sách tín dụng được quan tâm triển khai thực hiện tốt, chính sách tín dụng đã tạo nguồn lực quan trọng cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số làm nhà ở, chuyển đổi nghề, học nghề, xuất khẩu lao động, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
 
Ông Hỷ Văn Lỳ, Người có uy tín tại xã Quý Sơn luôn phát huy vai trò tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt pháp luật.
 
Giai đoạn 2019-2024, tổng nguồn vốn thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế từ các Chương trình mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS&MN là trên 24 tỷ đồng, triển khai thực hiện hỗ trợ 49 mô hình, dự án phát triển kinh tế chăn nuôi dê sinh sản, ngựa thương phẩm, dê thương phẩm, máy cắt cỏ... phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp cho trên 1.200 hộ trên địa bàn xã, thôn (bản) đặc biệt khó khăn vùng DTTS. 
 Đồng chí Vi Thị Anh Thùy, Trưởng Phòng dân tộc huyện cho biết: “Các chính sách tại các dự án, tiểu dự án của chương trình mục tiêu, chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp đã được tập trung triển khai thực hiện đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, địa bàn, nội dung thực hiện, hiệu quả kế hoạch đề ra”. 
Với những nỗ lực của các cấp, ngành, sự đồng tình, hưởng ứng quyết liệt của Nhân dân trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc và Miền núi và các hoạt động an sinh xã hội đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt trên 14%/năm.
Đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, vùng ĐBKK bình quân hàng năm giảm nhanh hơn nhiều mức bình quân chung toàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh từ 3.378 hộ (tỷ lệ 6,81%) năm 2019 xuống còn trên 2.005 hộ năm 2024 (tỷ lệ 3,53%) giảm 1.373 hộ, tỷ lệ hộ nghèo trong 5 năm giảm 3,28%.
Xã Đèo Gia có 85% số dân là người dân tộc thiểu số, xác định công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền xã luôn ưu tiên, tập trung nguồn lực và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia. Thống kê trong 5 năm (từ 2019 đến nay), tổng kinh phí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn xã Đèo Gia là hơn 10 tỷ đồng để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kếtạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, trao đổi hàng hóa của Nhân dân, tạo đà để đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đầu năm 2023, gia đình anh Dương Văn Nghĩa, dân tộc Cao Lan, thôn Thung, xã Đèo Gia là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ theo dự án chuyển đổi nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngoài số vốn được vay ưu đãi, gia đình anh được hỗ trợ máy cắt cỏ, quần áo bảo hộ lao động. Anh Nghĩa có thêm nguồn lực đầu tư, chăm sóc vào gần 10 sào vườn trồng vải thiều, vụ vải thiều năm 2023, trừ chi phí gia đình anh thu về gần 90 triệu đồng. Bên cạnh đó, được hỗ trợ hơn 40 triệu đồng làm nhà ở, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ ngày công lao động và sự giúp đỡ từ anh em dòng họ, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà mới khang trang, vững chắc. Đến nay, gia đình anh Nghĩa đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, đồng bào DTTS đã phát huy tinh thần tự lực, phấn đấu vươn lên. Phát huy lợi thế vùng đất đai, đồng bào đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển kinh tế đồi rừng; người dân đã chú trọng hơn trong kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ, phát triển thương hiệu, uy tín quả vải thiều, chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất giúp vải thiều có chất lượng đồng đều hơn. Góp phần khẳng định được chất lượng, uy tín thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ở khắp thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Lục Ngạn còn có 6.740 ha trồng cam, bưởi các loại, với sản lượng trên 60.000 tấn/năm.... Các sản phẩm từ cây ăn quả của người dân Lục Ngạn và ngành nghề, dịch vụ liên quan đã mang lại nguồn thu nhập trực tiếp khoảng 7.000 tỷ đồng cho người dân, góp phần nâng cao giá trị sản xuất/ ha đất canh tác nông nghiệp của huyện đạt 132 triệu đồng. Cùng đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết tận dụng lợi thế của địa phương để đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại nâng cao đời sống. 
Để các mặt hàng nông sản tiêu thụ thuận lợi, ngoài công tác hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chất lượng, sản lượng sản phẩm, Cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng trên địa bàn huyện đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng hạ tầng số và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. 
Bắt nhịp cùng với sự phát triển nhanh chóng của internet, huyện Lục Ngạn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền,  hướng dẫn nhân dân tiếp cận với ứng dụng số; tăng cường phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện.
Có thể thấy, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, làm thay đổi nhận thức của người dân. Không chỉ người dân vùng thấp mà người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã biết ứng dụng chuyển đổi số, bán hàng nông sản qua các sàn thương mại điện tử như lazada, Shoppe, tiktok, face book… mang lại lợi nhuận và hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 233-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu cơ bản đảm bảo kế hoạch, tiến độ. Nhân dân đã tự nguyện tháo dỡ hàng trăm công trình, tường bao, hiến hàng trăm nghìn m2 đất, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng các công trình.
Các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai đồng bộ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp. Cùng với nguồn ngân sách nhà nước đầu tư trên 207 tỷ đồng và nguồn lực từ nhân dân, đã bê tông hóa trên 1.560 km đường giao thông nông thôn; cứng hóa trên 366 km kênh mương nội đồng, xây dựng nhiều thiết chế văn hóa, góp phần hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2019-2024 trên địa bàn huyện Lục Ngạn. 
Với sự nỗ lực quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền cùng những đóng góp tích cực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, đến cuối 2023, toàn huyện đã có 18/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn nâng cao, thị trấn Chũ đạt đô thị văn minh, 6 thôn đạt nông thôn mới, 11 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu, 19 khu dân cư đạt đô thị văn minh; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. 
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", đến hết năm 2023, đã có 33 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên, trong đó đa số các sản phẩm có vùng nguyên liệu từ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và do người dân tộc thiểu số là chủ thể sản phẩm, do đó đã phát huy được những lợi thế của vùng.
Trong thời điểm đặc biệt khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Lục Ngạn là một trong những địa phươngnằm trong tâm dịch, xuất hiện một số ổ dịch có nguy cơ lây lan cao. Một bài toán đặt ra rất nặng nề đối với Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn là cùng một lúc phải thực hiện thành công “mục tiêu Kép”  đó là “vừa phòng chống dịch, bệnh Covid-19 hiệu quả vừa thực hiện tốt kế hoạch tiêu thụ vải thiều cho nhân dân”.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cùng một thời điểm, huyện Lục Ngạn đã thực hiện nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời triển khai hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản của địa phương. 
     Phát huy tối đa các kênh phân phối truyền thống với các bạn hàng trong và ngoài nước; triển khai kênh phân phối thương mại điện tử; linh hoạt phương pháp giao nhận hàng để đảm bảo phòng, chống dịch. Nhờ vậy, huyện đã thực hiện thành công mục tiêu kép, nhân dân tiêu thụ vải thiều thuận lợi.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, biểu dương khen thưởng gương điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN được quan tâm thực hiện. Người uy tín trong vùng đồng bào DTTS&MN đã phát huy vai trò trong việc tuyên truyền vận động người dân tham gia chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, góp phần bảo vệ an ninh trật xã hội trong vùng đồng bào DTTS&MN trong những năm qua.
 
Câu lạc bộ Sình Ca xã Phú Nhuận duy trì văn hóa dân tộc.
 
Hoạt động bảo tồn, quảng bá, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa riêng của người dân địa phương phát triển rộng khắp với 14 Hội bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc Sán Dìu được thành lập. Các sự kiện văn hóa, thông tin, thể thao lớn của huyện được tổ chức rất thành công, tạo được dấu ấn tốt đẹp và sự lan tỏa sâu rộng. 
Chính sự thay đổi trong nhận thức của đồng bào đã trở thành điểm tựa tinh thần để nhiều người đến với văn hóa truyền thống, góp phần tạo ra môi trường để có thể nuôi dưỡng nhiều loại hình di sản khác nhau. Các giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được quan tâm bảo tồn và phát huy, không chỉ trở thành một tài sản tinh thần cho thế hệ mai sau, mà còn là một tài nguyên mới cho sự phát triển du lịch của huyện nhà.
Trong công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, các nghệ nhân dân gian chính là những người "giữ lửa", "truyền lửa" tình yêu văn hóa dân tộc cho cộng đồng. Họ có đóng góp to lớn trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Điển hình như Nghệ nhân ưu tú Phan Văn Minh, dân tộc Sán Dìu, thôn Đồng Tuấn, xã Thanh Hải. Nhiều năm qua ông Minh đã dành thời gian sưu tầm tư liệu, biên tập nhiều cuốn sách, dạy tiếng, biên tập các bài hát dân ca tiếng Sán Dìu và được trình bày công phu dưới dạng song ngữ (tiếng Kinh và tiếng Sán Dìu). 
Từ năm 2003 đến nay, ông Minh đã mở nhiều lớp dạy miễn phí cho con em dân tộc Sán Dìu vào dịp nghỉ hè, ngày chủ nhật. Ông còn dành tâm huyết biên tập những cuốn sách các bài hát dân ca dân tộc Sán Dìu gửi đến từng hội viên, qua đó giúp cho mỗi hội viên sử dụng tiếng Sán Dìu được đầy đủ và chính xác hơn. 
Ông Phan Văn Minh, thôn Đồng Tuấn, xã Thanh Hải cho biết: “Điều mong muốn lớn nhất của ông hiện nay là trong mỗi thôn có đông dân tộc thiểu số sinh sống đều có lớp dạy tiếng dân tộc để giữ gìn loại hình di sản văn hóa tốt đẹp này. 
Những năm qua, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chỉ đạo trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số được huyện quan tâm và có chuyển biến tích cực.  
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; chú trọng nắm tâm tư, nguyện vọng và giải quyết các yêu cầu hợp pháp, chính đáng của đồng bào DTTS. 
Qua đó, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Huyện Lục Ngạn tiếp tục triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng, triển khai kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung lồng ghép nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học... Khảo sát, nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội các xã, thôn đặc biệt khó khăn làm cơ sở xây dựng các nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số những năm tiếp theo. 
Đồng chí Chu Văn Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện cho biết thêm: “Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân, thời gian tới, huyện Lục Ngạn sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác điều hành triển khai thực hiện CT MTQG vùng đồng bào DTTS, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tiếp theo như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động Nhân dân vùng đồng bào DTTS tự giác, chủ động thực hiện tốt các chính sách về dân tộc. Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành hệ thống chính sách phù hợp với đặc điểm KT-XH của địa phương. Xác định ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS. Nâng cao mức sống của người dân tộc thiểu số cả về vật chất và tinh thần, nhất là ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. 5. Phấn đấu đến năm 2030 giảm số xã đặc biệt khó khăn xuống còn 5 xã. Giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nói chung và hộ nghèo người dân tộc thiểu số nói riêng xuống dưới 2%.
Từ kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế xã hội đối với đồng bào dân tộc, các xã có thôn bản đặc biệt khó khăn đã từng bước tạo tiền đề cơ bản để các địa phương có những chuyển biến rõ rệt về mọi mặt. Từng bước giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng ở các thôn bản đặc biệt khó khăn; trang bị phương tiện và kiến thức làm kinh tế nông, lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ thay đổi dần tập quán canh tác manh mún, lạc hậu, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 
Tuy nhiên để  làm được điều đó, trước hết, phải tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của chính phủ cho đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách văn hoá, y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi; Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho đồng bào thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập; Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là đầu tư cho các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để người dân được cải thiện đời sống./.
Bài, ảnh: Hoàng Phượng- Bùi Được

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.