Y sỹ Sản nhi tâm huyết, nhiệt tình

Hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm vừa qua, chị Hán Thị Thoan, Y sỹ Sản nhi – Trạm Trưởng Trạm Y tế xã vùng cao Tân Lập đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thực hiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt chị đã đỡ đẻ thành công cho hàng trăm ca, trong đó có nhiều trường hợp sinh khó, mang lại niềm vui hạnh phúc cho các cặp vợ chồng.
Chị Hán Thị Thoan thăm khám thai cho thai phụ tại Trạm y tế xã

Chị Hán Thị Thoan (SN 1974) quê ở xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Vốn là người con gái được sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng nhưng sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Bắc Giang với chuyên ngành Y sỹ Sản nhi, năm 1995 chị Thoan xây dựng gia đình và theo chồng lên lập nghiệp tại thôn Tân Thịnh, xã vùng cao Tân Lập,  huyện Lục Ngạn, đồng thời chị xin làm việc tại Trạm y tế xã từ khi đó.

 

Thời gian đầu mới lên mảnh đất này, thấy cảnh đường xá đi lại gian truân, điện thì chưa có, đồng lương cán bộ hợp đồng ít ỏi, đời sống gặp muôn vàn khó khăn nên có lần hai vợ chồng chị Thoan đã bàn chuyện chuyển về Bắc Ninh sinh sống. Nhưng rồi khi chị được tiếp xúc nhiều với người dân bản, cảm mến cái bản chất thật thà, chất phát của người vùng cao; đặc biệt là thấy chị em phụ nữ nơi đây còn nhịu nhiều cơ cực, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình còn nhiều lạc hậu… nên chị Thoan đã quyết tâm khắc phục mọi khó khăn và ở lại với mong muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân nơi đây.

 

Tân Lập thuộc 12 xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Lục Ngạn, trình độ dân trí không đồng đều. Trước kia, bà con trong xã không có thói quen đến Trạm y tế khám chữa bệnh, kể cả vấn đề sinh đẻ cũng đều thực hiện ở nhà. Do đó nhiều trường hợp bệnh nặng hoặc khó sinh khi đưa đi cấp cứu thì đã muộn. Để thay đổi vấn đề này, chị Thoan đã cùng đội ngũ y, bác sỹ của Trạm y tế đã phối hợp với Hội Phụ nữ thực hiện tuyên truyền thay đổi nhận thức cho bà con bằng nhiều hình thức như thông qua hội nghị hoặc các buổi truyền thông ở thôn bản. Về cách thức tuyên truyền, chị Thoan đã lấy ngay những ví dụ tiêu biểu người thật việc thật trong xã để cho bà con tin, nhất là trong vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, việc khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế sẽ giảm nhiều nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con trong những trường hợp khó sinh. Bên cạnh đó, trong các đợt Trạm y tế tổ chức tiêm phòng vắc xin cho trẻ em, đội ngũ cán bộ Trạm đều phải trực tiếp xuống tận thôn bản tiêm, đồng thời kết hợp với việc tổ chức khám và tư vấn cho bà con. 

 

Với cách thức tuyên truyền liên tục nhiều năm như vậy nên những năm gần đây, cơ bản nhân dân đã đến Trạm y tế xã khám chữa bệnh kịp thời mỗi khi đau ốm. Đặc biệt là 100% phụ nữ có thai trong xã đều đến Trạm y tế khám thai và thực hiện việc sinh đẻ tại cơ sở y tế.Với bản tính nhã nhặn dịu dàng, luôn nhiệt tình tâm huyết với nghề và không ngừng khiêm tốn học hỏi đồng nghiệp nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tính từ năm 1995 đến nay, chị Hán Thị Thoan đã thực hiện việc đỡ đẻ thành công cho hơn 600 ca trong xã. Trong đó có nhiều ca sinh khó. Điển hình như ca đỡ sinh đôi vào ngày 20 – 3 – 2014. Hôm đó, trời mưa to gió lớn, người nhà đưa thai phụ Lài Thị Lam Linh (SN 1993) ở thôn Luồng đến khám thai. Nhưng khi khám, chị Thoan thấy thai to quá và có biểu hiện chuyển dạ sinh rồi. Trường hợp này lẽ ra phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Lục Ngạn sinh đề phòng rủi ro nhưng khi gọi taxi mãi không được mà thai phụ đã biểu hiện sinh đến nơi rồi nên chị phải xin ý kiến của các bác sỹ ở Bệnh viện cho đỡ đẻ tại Trạm, đồng thời yêu cầu tư vấn hỗ trợ. Mặc dù đã có kinh nghiệm đỡ đẻ nhiều năm nhưng bản thân chị Thoan lại chưa từng đỡ sinh đôi bao giờ nên rất lo. Quả thực ca đỡ đẻ rất khó, chị vừa phải phải thực hiện kích ở ngoài, vừa phải dùng tay kéo bên trong và liên tục điện thoại hỏi ý kiến bác sỹ chuyên khoa tại Bệnh viện. Cuối cùng việc đỡ đẻ cũng thành công, hai cháu trai được sinh ra đều to khỏe và nặng từ 3,4 – 3,5 kg/cháu. Khi hoàn thành nhiệm vụ này thì bản thân chị Thoan đã mệt gần như muốn ngất đi!Quá trình công tác từ năm 1995 đến năm 1998, chị Thoan làm cán bộ hợp đồng tại Trạm y tế và kiêm cán bộ chuyên trách dân số xã. Đến 1999, chị được tuyển dụng chính thức vào làm Y sỹ Sản nhi tại Trạm y tế xã Tân Lập. Do lập được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nên đến tháng 12 năm 2004, chị Hán Thị Thoan đã vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam và đến tháng 1 năm 2007, được cấp tin tưởng trên bổ nhiệm làm Trạm Trưởng Trạm y tế xã. Trên cương vị mới, chị Hán Thị Thoan luôn gương mẫu trong mọi lĩnh vực, triển khai công việc khoa học trong công tác lãnh đạo tập thể Trạm nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Đặc biệt trong công tác xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã năm 2014, chị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng mới 3 phòng chức năng, sửa chữa các phòng đã xuống cấp và mua sắm thêm một số trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh. Cùng đó, hàng năm chị đều cử cán bộ của Trạm đi học tập, tập huấn nâng cao kiến thức về mọi mặt. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Theo đó, Trạm y tế xã đã đạt 10/10 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Trong sinh hoạt chuyên môn, quy chế dân chủ ở cơ quan được phát huy, thực hiện chế độ tài chính công khai. Nhờ thế đội ngũ cán bộ y, bác sỹ trong trạm luôn đoàn kết phấn đấu xây dựng tập thể vững mạnh. Không những vậy, năm 2014, chị Hán Thị Thoan còn được chi bộ nơi cư trú tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn Tân Thịnh. Có thể nói, ở cương vị nào chị cũng năng động, nhiệt tình phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Và hầu như năm nào, chị Thoan cũng nhận được giấy khen của các cấp chính quyền và ngành cấp trên. Theo đó đã có hai lần chị Thoan được nâng lương trước thời hạn 6 tháng. Chị tâm sự, để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác ngoài sự nỗ lực của bản thân, chị còn nhận được sự giúp đỡ động viên, chia sẻ rất nhiều của gia đình, đặc biệt là người chồng. Nói về kỷ niệm sâu sắc nhất trong nghề, chị Thoan xúc động kể lại: Vào buổi chiều tháng 8 năm 1998, chị đang trực tại Trạm y tế thì có người nhà bệnh nhân ở thôn Hòa Trong cách Trạm gần chục km đến đón về nhà khám chữa bệnh. Khi ấy, xã Tân Lập còn chưa có điện, đường xá đi lại khó khăn phải đi bằng xe đạp, nhà của bệnh nhân thì cách đường những mấy quả đồi nên chị Thoan phải để xe ở ngoài vệ đường đi bộ vào. Lúc đến nơi thì thai phụ Phạm Thị Phương đã đau đẻ nhưng mãi không sinh được. Do dặn đẻ khó nên khi sinh ra cháu bé đã bị ngạt, để sơ cứu chị Thoan đã phải dùng miệng mình để thổi ngạt cho bé. Lúc đó mà không có tâm huyết thì đúng là cháu đã mất. Đỡ đẻ xong đâu đấy thì trời đã tối xẩm. Gia đình nhà bệnh nhân nghèo mời chị nghỉ lại và dùng cơm. Bữa cơm dọn ra chỉ có mỗi đĩa củ cải muối. Cứ ngỡ là củ cải luộc như ở quê mình, chị gắp cho cả miếng đưa vào miệng thì thấy mặn chát, nuốt không được nhè cũng không xong! Rồi cả đêm hôm đó, chị Thoan không ngủ được bởi lo cái xe đạp để ở ven đồi bị mất… .Những ngày này, khi cả nước đang hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2015), chị Thoan lại cùng Ban nữ công của Công đoàn Trung tâm y tế huyện Lục Ngạn tập luyện các tiết mục văn nghệ dâng lên lời ca tiếng hát của những người thầy thuốc hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ - chăm sóc sức khỏe nhân dân trong lễ kỷ niệm./.

 
 Đức Thọ
 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.