Thầy giáo trẻ đam mê sáng tạo nơi vùng cao

Hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm qua, thầy giáo trẻ Vũ Công Phong đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, mang tri thức của mình truyền đạt cho hàng nghìn học sinh nơi vùng cao Sa Lý. Cùng đó, thầy Phong đã thực hiện nhiều mô hình sáng tạo khoa học công nghệ ứng dụng vào giảng dạy và đã đạt được giải thưởng cao trong các cuộc thi ở cấp tỉnh, cấp Quốc gia.
Vào những ngày cả nước đang đẩy mạnh những hoạt động nhằm tri ân các thầy cô giáo, chúng tôi quyết định cưỡi xe máy vượt chặng đường đồi dài hơn 50 km đường từ trung tâm thị trấn Chũ đến thăm Trường THCS Sa Lý, nơi có thầy giáo - Thạc sỹ trẻ Vũ Công Phong đang công tác giảng dạy; đây cũng là mảnh đất xa xôi và khó khăn vào bậc nhất của huyện miền núi Lục Ngạn (Bắc Giang). Với dánh người hoạt bát nhanh nhẹn và nụ cười thường trực trên môi, tiếp chúng tôi, thầy giáo Phong hóm hỉnh: Giáo viên bọn em ở trên này phải kết hợp vừa dạy vừa dỗ học sinh, dạy thì ít thôi nhưng dỗ phải nhiều. Bởi nếu nói nặng lời các cháu bỏ học thì gay to. Niềm vui lớn nhất của bọn em là được nhìn thấy học trò của mình trưởng thành như mong muốn và tập thể sư phạm nhà trường đã và đang phấn đấu làm được điều đó… .
Thầy giáo Vũ Công Phong (SN 1983) tại thôn Cầu Đất, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn). Ngay từ thủa còn là học sinh phổ thông, Phong đã luôn chứng tỏ là học sinh khá, giỏi. Sau khi học xong THPT, Phong thi đỗ vào Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2, học chuyên ngành Sinh – Hóa. 4 năm miệt mài kinh sử nơi mái trường sư phạm, đến năm 2007, Phong tốt nghiệp Đại học ra trường và được phân công lên công tác giảng dạy tại Trường THCS của xã vùng cao Sa Lý. Vốn là một thanh niên được sinh ra, lớn lên và học tập ở nơi phố xá đông vui, nay phải lên công tác mãi nơi vùng cao heo hút, cách nhà đến hơn 60 km. Thời gian đầu, Phong cũng cảm thấy buồn chán. Bởi khi ấy, đường xá đi lại khó khăn, khu nhà ở tập thể giáo viên thì không có sóng điện thoại, nhất là những đêm ở vùng cao không có điện càng làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch….
Nhưng rồi tất cả những khó khăn đó đều được thầy Phong vượt qua nhanh chóng. Bởi khi Phong tiếp xúc với học sinh nơi đây, thấy các em đời sống khó khăn nhưng rất ngoan, chịu khó học tập; tiếp xúc với phụ huynh thì thấy cảm mếm cái bản chất thật thà, chất phác và tính hiếu khách của người vùng cao. Và rồi chẳng hiểu có phải tình thương của thầy giáo trẻ dành cho học sinh vùng cao đã giúp thầy Phong vượt qua mọi khó để gắn bó với mảnh đất này, hay chính tình cảm của học sinh nơi đây như có “ma lực” nào đấy líu giữ các thầy cô. Để rồi cái suy nghĩ, mong muốn làm sao giúp cho học sinh nơi vùng cao được học hành đến nơi đến chốn, có tri thức, để có việc làm và thu nhập ổn định, thoát khỏi cảnh sống khổ, vất vả như bố mẹ chúng đã luôn thường trực trong tâm trí của thầy Phong cũng như nhiều thế hệ thầy cô giáo đã và đang công tác ở mảnh đất này.

Thầy  giáo Vũ Công Phong thực hiện việc kết nối kính hiển vi

với máy tính và máy chiếu


Đến với Trường THCS Sa Lý, điều đầu tiên thầy Phong và các thầy cô giáo khác phải quan tâm đó là công tác vận động học sinh đi học. Vì cuộc sống phải bươn trải mưu sinh và nhận thức con lạc hậu nên học sinh nơi đây hay bỏ học giữa chừng. Nhất là sau các dịp nghỉ hè, nghỉ lễ Tết. Để duy trì sĩ số học sinh, mỗi thầy cô giáo đều phải đến nhà người dân để làm công tác tuyên truyền, vận động học sinh đi học. Và muốn làm tốt công tác này, thì thầy Phong cũng phải học cách uống rượu với người dân bản. Còn nhớ cách đây khoảng 5 năm, khi mà nạn khai thác vàng trái phép xảy ra trên địa bàn xã Sa Lý, một số học sinh bỏ học đi đãi vàng. Chính thầy Phong và các thầy giáo trong trường đã phải ra tận bãi vàng để kéo các em học sinh về đi học.
Thế rồi bằng kiến thức chuyên môn, bằng lòng yêu nghề và nhiệt huyết với công việc và đặc biệt là bằng tình yêu thương học sinh trong sáng, các thầy cô giáo đã truyền dậy tri thức của mình cho bao thế hệ học sinh ở nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này. Cùng đó là việc góp phần tuyên truyền hình thành nên ý thức học tập mới. Xưa kia, chủ yếu các em học sinh ở Sa Lý chỉ học hết lớp 9 là nghỉ học ở nhà lao động, rồi dựng vợ, gả chồng. Nay thì cơ bản học sinh đều xác định mục tiêu học lên cao hơn như THPT hoặc đi học nghề… .
Công tác giảng dạy nơi vùng cao Sa Lý, thầy Phong được học sinh quý mến, được người dân tin yêu và được đồng nghiệp quan tâm nhiệt tình giúp đỡ. Theo đó năm 2009, thầy Phong tiếp tục thi đỗ Cao học, ngành Sinh học thực nghiệm. Vừa học tập, vừa lao động, đến năm 2011, Phong bảo vệ luận văn và lấy bằng Thạc sỹ. Từ khi học xong với kiến thức chuyên môn được củng cố vững chắc và chuyên sâu hơn, thầy Phong có điều kiện nghiên cứu khoa học thuận lợi và giảng dạy cho học sinh hiệu quả hơn.

             Thầy giáo Phong tận tình chỉ dậy cho học sinh vùng cao


Ngoài những tiết học chính trên lớp, thầy Phong còn nhận bồi dưỡng học sinh giỏi môn Sinh. Theo đó, năm học 2012 – 2013, Trường THCS Sa Lý đã có 1 giải khuyến khích cấp huyện môn Sinh đầu tiên. Đồng thời đoạt giải 3 cấp Quốc gia về mô hình “Vận dụng kiến thức môn học giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường xã Sa Lý”. Để có được kết quả đó, thầy Phong đã hướng dẫn học sinh, sử dụng tranh vẽ, các khẩu hiệu tuyên truyền về vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, rồi vận động mỗi hộ dân vất rác đúng nơi quy định… . Cũng với cách làm đó, đến năm học 2013 – 2014, Trường THCS Sa Lý đã có 4 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện môn sinh học, trong đó có 2 giải ba và 2 giải khuyến khích. Đặc biệt thầy Phong đã nghiên cứu thực hiện thành công “Mô hình tháp sinh thái trong sản xuất rau thuỷ canh”. Đây là công trình khoa học được các cấp, các ngành đánh giá cao. Mô hình đã giành giải ba cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và giải nhì ở cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết tình huống thực tiễn cấp Quốc gia. Mô hình được thực hiện nhằm giải quyết tình trạng thiếu rau xanh trên địa bàn xã Sa Lý. Theo thiết kế mô hình có 3 tầng: phía trên cùng có hệ thống thu năng lượng mặt trời nhằm cung cấp năng lượng cho máy bơm nước; dưới là ba tầng trồng rau theo hình tháp trên giá thể mùn cưa và chấu. Dung dịch cung cấp cho cây dinh dưỡng phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của cây. Tháp sinh thái có thể di chuyển được nhờ thệ thống bánh xe để tận dụng ánh sáng vào bảo vệ rau xanh. Ưu điểm của mô hình là có thể lắp đặt được ở ban công, trên tầng thượng, sân bê tông nhằm cung cấp lượng rau xanh cho gia đình. Ngoài ra rau trồng theo mô hình này không sử dụng thuốc trừ sâu, không tốn diện tích, không tốn năng lượng và nước. Các vật liệu để xây dựng mô hình đều dễ kiếm ở địa phương.
Bên cạnh mô hình này, thầy giáo Phong còn hướng dẫn cho học sinh sáng chế “Nước rửa tay có nguồn gốc từ thiên nhiên”, trong đó sử dụng dịch chiết từ ba loại quả bò hòn, bồ kết và vỏ quả bưởi, được pha trộn với tỷ lệ thích hợp. Nước rửa tay có nguồn gốc từ thiên nhiên có ưu điểm dễ làm, sử dụng hiệu quả cao và không gây ô nhiễm môi trường. Sáng chế này cũng đã giành giải nhì Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và được chọn đi thi cấp Quốc gia.

Thầy Phong cùng học sinh đưa mô hình Tháp sinh thái

trồng rau thủy canh đi dự thi cấp tỉnh

 

Mô hình Thấp sinh thái trong trồng rau thủy canh của thầy Phong


Sang năm học 2014 – 2015, thầy Vũ Công Phong lại tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng thành công mô hình sử dụng bộ phận kết nối kính hiển vi quang học với máy tính và máy chiếu, gọi là “Kính hiển vi điện tử”. Mô hình giúp cho hiệu quả các tiết học sử dụng kính hiển vi hiệu quả hơn.
Với những thành tích đã đạt được trong công tác, tháng 9 năm 2013, thầy giáo Vũ Công Phong đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản Việt Nam. Ba năm liền Phong đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 – 2014 và nhiều giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn.

 Đức Thọ

Các tin khác

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.