Niềm vui nơi mái trường Phổ thông dân tộc bán trú Hộ Đáp

Giữa bộn bề những khó khăn trong buổi đầu mới được thành lập nhưng cả thầy và trò của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hộ Đáp, huyện Lục Ngạn đều cảm thấy vui và phấn khởi. Bởi giờ đây, các thầy cô giáo có điều kiện được chăm sóc và dạy bảo các em học sinh tốt hơn. Còn học sinh không còn lo âu vì hằng ngày phải trèo thuyền vượt hồ Cấm Sơn để đến trường.
Cũng như 136 học sinh dân tộc Nùng đang được ăn ở bán trú trong khu nhà tập thể của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hộ Đáp, sáng nay, sau khi đi học về em Hoàng Thị Chi, học sinh lớp 8A, ở thôn Khuôn Trắng lại được ăn cơm tập thể do nhà trường thuê người nấu. Bữa cơm có đầy đủ các món thịt, đậu, rau, canh… bảo đảm cung cấp đủ dưỡng chất cho các em sinh hoạt và học tập. Đây là một trong ba bữa ăn trong ngày được chế biến từ tiêu chuẩn  do nhà nước hỗ trợ cho học sinh bán trú tại trường gồm 15 kg gạo cộng 460 nghìn đồng/tháng.

Bữa cơm tập thể đoàn kết và đủ dưỡng chất mang lại niềm vui cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hộ Đáp
Tâm sự với chúng tôi, Chi phấn khởi cho biết: Do nhà em nằm trong thôn bị nước hồ Cấm Sơn chia cắt đường giao thông nên mỗi lần đi học, em và các bạn trong thôn đều phải đi lại bằng thuyền lênh đênh trên mặt hồ Cấm Sơn khoảng 30 phút mới đến được trường. Gặp những hôm trời mưa gió thì rất nguy hiểm, bọn em thường phải nghỉ học. Vì thế cũng ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập. Còn giờ đây, bọn em được nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở tại trường lại có người nấu cơm, chỉ lo việc học thôi nên bọn em có nhiều thời thời học tập và tham gia các hoạt động ngoại khoá với nhà trường. Còn trước kia chưa có chế độ của nhà nước quan tâm, nếu bọn cháu ở trọ lại gần trường học cũng chỉ tự nấu cơm ăn với rau, cháo là chính.
Không chỉ có những bữa ăn đủ chất được chuẩn bị chu đáo, các em học sinh ở bán trú tại trường còn được các thầy cô giáo quan tâm đến thời gian học tập và cả việc sinh hoạt hằng ngày. Em Chu Thị Tâm, học sinh lớp 8 B, cùng ở thôn Khuôn Trắng tâm sự: Bọn em ở tại trường được các thầy cô giáo rất quan tâm, động viên. Các giờ học buổi tối, nếu bạn nào chưa hiểu bài đều được các thầy cô hướng dẫn chỉ bảo tận tình.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hộ Đáp là một trong hai trường Phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện vừa được Chủ tịch UBND Lục Ngạn ra Quyết định thành lập vào ngày 15 – 5 – 2014 (Cùng với Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sơn Hải), trên cơ sở chuyển toàn bộ hệ thống bộ máy lãnh đạo quản lý, giáo viên, nhân viên và sơ sở vật chất của Trường THCS Hộ Đáp. Nhà trường có tổng diện tích 4.100 m2, có 6 phòng học kiên cố đủ điều kiện học 2 ca và 4 phòng học bộ môn Lý, hóa, sinh, tin.

ở bán trú tại Trường, các em học sinh có điều kiện nâng cao chất lượng học tập hơn
Trong năm học 2014 – 2015, trường có tổng cộng 378 học sinh, trong đó chiếm gần 82% dân tộc Nùng. Có thể nói, việc được thành lập Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hộ Đáp không chỉ là niềm vui mừng, phấn khởi đối với thầy và trò nhà trường mà niềm vui chung đối với đối với cán bộ và nhân dân ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn này. Bởi giờ đây, con em của đồng bào dân tộc được Đảng và nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho nơi ở và  kinh phí để ăn, học tốt hơn. Nhất là đối với học sinh đang sinh sống ở các thôn giao thông bị chia cắt bởi nước hồ Cấm Sơn như: Đồng Phai, Đồng Chùa, Héo B, Khuôn Trắng, Khuôn Nghiều… .
Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Điệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trong buổi đầu thành lập, nhà trường còn muôn vàn khó khăn như: Diện tích đất còn thiếu khoảng 1.500 m2, đặc biệt là trong khuôn viên nhà trường hiện đang có một hộ dân sinh sống và đi lại qua cổng trường nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của nhà trường. Hiện trường đang đề nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện về kinh phí theo đề án xây dựng Trường Phổ thông dân tộc bán trú để bồi thường cho hộ dân trên di chuyển đến nơi ở mới, đồng thời  xây dựng thêm các phòng: phòng học tiếng Anh, phòng âm nhạc, phòng nghe nhìn, nhà đa năng, nhà bảo vệ, nhà ở và khu vệ sinh chung cho học sinh.

Thầy giáo Hồ Phi Trường, Hiệu Trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hộ Đáp hướng dẫn em Hoàng Thị Chi, HS lớp 8A làm bài.
Khi chúng tôi đến thăm, Ban Giám hiệu nhà trường cùng vừa xét duyệt xong hồ sơ cho tổng cộng 249 học sinh dân tộc Nùng đủ điều kiện được ăn ở bán trú tại Trường để trình UBND huyện Lục Ngạn phê duyệt. Nếu theo tiêu chuẩn 8 học sinh/phòng ở thì với số học sinh bán trú trên cần đến 31 phòng, trong khi hiện nay nhà trường  mới chỉ có 12 phòng ở học sinh.
Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng nhà trường đã nỗ lực tu sửa, cải tạo thêm khu nhà ở học sinh như lát nền và làm thêm mái hiên để tạm thời bố trí bàn ăn tập thể sạch sẽ cho học sinh bán trú. Hay khoan thêm giếng để có nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt của học sinh. Còn đối học sinh, việc được nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí ăn ở và học tập tại trường đã là niềm vui lớn nhất của các em./.


 Đức Thọ

Chuyên mục: 

Các tin khác

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.