Bảo đảm các điều kiện xuất khẩu vải thiều sang thị trường khó tính

Ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, từ đầu vụ đến nay quả vải thiều tươi của huyện Lục Ngạn cũng đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường khác. Đến nay đã có 5 tấn vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Mỹ và 6 tấn đi Australia. Đây đều là những thị trường mới của vải thiều tươi Việt Nam. Việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các thị trường Châu âu tiếp tục khẳng định thương hiệu của vải thiều Lục Ngạn và mở ra nhiều cơ hội để xuất khẩu loại nông sản này.

 

Công nhân tuyển lựa quả vải có chất lượng, mẫu mã đẹp nhất để xuất khẩu

 

Theo các chuyên gia, nông sản xuất khẩu sang các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Australia, Nhật Bản và các nước trong Liên minh châu Âu là động lực để nông dân sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn cao hơn, đồng thời mở ra cơ hội thâm nhập thêm các thị trường khác đối với mặt hàng vải thiều. Do đó vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã áp dụng sản xuất hữu cơ, quy trình VietGAP, GlobalGAP, ít sử dụng phân hóa học nên chất lượng có sự khác biệt rõ rệt. Bộ Nông nghiệp Mỹ đã cấp 18 mã vùng cho 394 hộ sản xuất vải thiều tại 7 xã của huyện Lục Ngạn với tổng diện tích 217,89 ha. Theo đó, sản phẩm từ các khu vực này đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới.

 

Dây chuyền sơ chế, bao gói quả vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thuộc dự án: “Xây dựng mô hình nâng cao thu nhập của người dân thông qua liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, quản lý trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều” được Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch triển khai Hợp tác xã sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang từ năm 2017. Đây là dây chuyền có công suất hoạt động 1 tấn/giờ với mức đầu tư ban đầu hơn 3 tỷ đồng, chi phí vận hành tiết kiệm, hiệu quả. Dây chuyền này đã giúp người trồng vải giảm bớt các khâu chi phí vận chuyển, chế biến, nâng cao giá trị quả vải thiều.

 

Quy trình đóng gói vải thiều xuất khẩu

 

 Theo ông Nguyễn Văn Đông- Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang, từ đầu vụ đến nay đã có 5 tấn vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Mỹ và 6 tấn đi Australia. Các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu đạt khối lượng lớn là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Phong Sơn Tiệm, Công ty cổ phần AMEII (a- mây) Việt Nam… Hiện tại Hợp tác xã đang chuẩn bị lô hàng 1,5 tấn để xuất sang Campuchia. Đến ngày 24- 6 tiếp tục thực hiện đơn hàng 4 tấn vải tươi sang thị trường Australia... Nguồn nguyên liệu được thu mua tại các nhà vườn có mã số vùng trồng. Giá thu mua vải thiều đã qua sơ chế, cắt cuống, đạt chất lượng cao nhất để xuất khẩu sang các thị trường này trung bình đạt từ 55 đến 60 nghìn đồng/kg. Hợp tác xã hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về xem xét thu mua tại các nhà vườn, trên tinh thần hỗ trợ cùng nhau giúp đỡ, hỗ trợ tiêu thụ vải cho nông dân. Đồng thời, Hợp tác xã cũng mong muốn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đến để thu mua vải thiều xuất khẩu.

 

Được biết, vải thiều xuất khẩu được doanh nghiệp liên hệ qua Hợp tác xã đặt hàng trực tiếp với nông dân trồng vải ngay từ đầu tháng 6. Quả vải thiều sau khi thu mua, phân loại được đưa vào hệ thống xử lý đa năng bằng hơi nước bão hòa, phun nước nóng và dung dịch PH thấp, tiếp đó được làm khô đột ngột bằng không khí kho lạnh. Qua quá trình trên, quả vải thiều được làm sạch, triệt khuẩn, xử lý nấm mốc, côn trùng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Australia, Mỹ, Thái-lan… Thông qua quá trình đóng gói sản phẩm bằng màng bao kín, quả vải thiều giữ được chất lượng và mẫu mã đẹp hơn hàng chục ngày.

 

 Ông Nguyễn Trung Đức, Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cho biết: “Quy trình xuất khẩu vải thiều sang thị trường Mỹ rất nghiêm ngặt. Sau khi tuyển lựa, vải thiều sẽ qua sơ chế, bao gói và đưa đi kiểm dịch. Ở Mỹ, người tiêu dùng chuộng vải có vị ngọt, độ đường cao và màu sắc đỏ tươi. Căn cứ vào đó thì quả vải Lục Ngạn phù hợp với sở thích của họ, tuy nhiên, vải thiều xuất khẩu sang thị trường khó tính phải bảo đảm các tiêu chí ngặt nghèo của đối tác”.

 

Quả vải thiều của huyện Lục Ngạn vẫn đang tiếp tục vươn tới những thị trường xuất khẩu tại các nước phát triển, nơi mà có những đòi hỏi khắt khe về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng nông sản nhập khẩu. Việc duy trì các thị trường đã có và tiếp cận khơi thông thị trường mới đã khẳng định được thương hiệu của vải thiều Lục Ngạn./.

 

 

Quang Huấn- Nguyễn Đoàn

 

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.