Vải thiều Lục Ngạn khẳng định chất lượng vượt trội

Lục Ngạn là huyện miền núi nằm phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang có diện tích rộng trên 103.000 ha  được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu và thỗ nhưỡng đặc trưng phù hợp phát triển nhiều loại cây ăn quả với gần 28.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó: vải thiều 15.290 ha, sản lượng đạt khoảng 80.000 tấn (diện tích sản xuất theo quy trình Vietgap và Globalgap trên 12.000 ha); cây có múi trên 6.000 ha, sản lượng đạt trên 30.000 tấn/năm. Với những lợi thế trên, Lục Ngạn trở thành vùng chuyên canh vải thiều lớn nhất miền Bắc - là “Vương quốc” vải thiều của cả nước.

Toàn cảnh vùng Vải thiều Lục Ngạn

 

Cây vải thiều được đưa về Lục Ngạn từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tuy nhiên phải đến đầu những năm 90 việc trồng vải thiều mới thực sự phát triển mạnh. Bằng sự cần mẫn, sáng tạo, người dân Lục Ngạn đã biến những vùng đồi khô cằn trước đây thành những đồi vải bạt ngàn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hướng đến nền nông nghiệp sạch an toàn, nâng cao chất lượng giá trị sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực vải thiều trên thi trường, những năm qua, Chính quyền huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đã rất coi trọng việc chỉ đạo nhân dân  thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất vải thiều sạch, an toàn. Theo tiêu chuẩn VietGap. Nếu như đầu những năm 2000, Lục Ngạn chỉ có vài chục ha vải thiều VietGap thì đến nay toàn huyện có 11.500 ha vải thiều, được sản xuất theo quy trình VietGap chiếm trên 80% diện tích vải trên địa bàn huyện.

Khách tham quan vườn vải  chín

 

Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang có chất lượng, mẫu mã vượt trội nên được các doanh nghiệp, thương nhân, người tiêu dùng trong và ngoài nước, nhất là thương nhân Trung Quốc. Năm 2019, ngoài 18 mã vùng do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp tại 7 xã; phía Trung Quốc cũng đã cấp 36 mã số vùng trồng vải thiều Lục Ngạn tại 30 xã, thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Năm nay, dự báo tổng sản lượng vải thiều Lục Ngạn đạt khoảng 80.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 13 nghìn tấn, vải thiều chính vụ khoảng 67 nghìn tấn. Do sản lượng ổn định, chất lượng, mẫu mã sản phẩm được đánh giá tốt hơn hẳn so với năm trước, nên từ đầu vụ thu hoạch đến nay, giá bán các loại vải chín sớm tại huyện Lục Ngạn liên tục tăng cao, dao động bình quân từ 35.000-60.000 đồng/kg. Một tín hiệu vui nữa là các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc và các tỉnh phía Nam đã đến khảo sát, đặt mua hàng rất sớm ngay từ đầu vụ. Phần lớn sản phẩm quả vải thiều tươi Lục Ngạn được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc và các nước trong khu vực, đồng thời cung cấp cho các tỉnh thành trong cả nước theo hệ thống các Siêu thị; điểm phân phối bán hàng của các Tập đoàn nổi tiếng. Đặc biệt, năm 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn đã triển khai thí điểm gần 20 ha Vải thiều được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch an toàn.

 

Bên cạnh các thị trường lớn ở trong nước và Trung Quốc, từ nhiều năm nay, “Vải thiều Lục Ngạn” đã xuất khẩu và có mặt tại các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Úc, Trung Đông và các nước Đông Nam Á...; đến nay, Vải thiều Lục Ngạn đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia gồm (Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Camphuchia).

 

Ngoài những sản phẩm cây ăn quả chủ lục Vải thiều, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang còn nổi tiếng với nhiều sản phẩm đặc sản cây ăn quả khác như: Cam, bưởi, Táo và nhiều sản phẩm truyền thống, đặng trưng có chất lượng cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chộng như: mỳ gạo Chũ (13.000 tấn/năm), mật ong (trên 1.000 tấn/năm), phấn hoa vải thiều (trên 50 tấn/năm); giấm trái cây (100.000 lít/năm), rượu Kiên Thành...

 

Bên cạnh sản phẩm mỳ gạo Chũ truyền thống đã xác lập được thương hiệu vững chắc ở thị trường trong và ngoài nước, huyện Lục Ngạn đã và đang hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu đối với các sản phẩm có thế mạnh khác như: các sản phẩm chế biến từ trái cây; gạo nếp Phì Điền; mật ong - phấn hoa, rượu Kiên Thành... Dự kiến từ nay đến năm 2020, thực hiện Chương trình quốc gia "Mỗi xã 1 sản phẩm" (OCOP), huyện Lục Ngạn sẽ mở rộng xây dựng, phát triển một số sản phẩm đặc trưng gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương, như chăn nuôi ngựa và các sản phẩm từ thịt ngựa ở xã Phong Vân; trâu và các sản phẩm từ thịt trâu xã Phong Minh; dê và các sản phẩm từ thịt dê xã Biên Sơn; các sản phẩm lâm nghiệp; các sản phẩm thủy sản hồ Cấm Sơn và các sản phẩm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch giàu tiềm năng khác đang chờ được đầu tư khai thác... Đặc biệt là tiềm năng thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn gắn với du lịch tâm linh (khu di tích Đền Hả, chùa Am Vãi) và du lịch văn hóa, cộng đồng, trải nghiệm vùng cây ăn quả Lục Ngạn.

 

Nhằm tiếp tục nâng cao uy tín thương hiệu, giá trị sản phẩm và mở rộng đa dạng thị trường tiêu thụ, chính quyền huyện Lục Ngạn đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát thực hiện nghiêm việc sản xuất vải thiều an toàn theo quy trình VietGap, GlobalGap; sản xuất theo hướng sinh học; chỉ đạo thực hiện chặt chẽ việc quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm cây ăn quả vải thiều đạt chuẩn, từng bước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, để có sản phẩm hàng hóa đồng nhất ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Từ đó đáp ứng các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường xuất khẩu trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

 

 Theo đó: Quy trình sản xuất vải thiều VietGap tại Lục Ngạn được nhân dân áp dụng khép kín tuân thủ nghiêm các quy định trong các giai đoạn sản xuất: từ khâu tỉa cành, tạo tán, vệ sinh vườn sau thu hoạch đến việc sử dụng nguồn nước sạch hợp vệ sinh và thuốc BVT trong phòng, trừ sâu bệnh (hoàn toàn ưu tiên sử dụng các loại thuốc BVTV nguồn gốc sinh học, thảo mộc hữu cơ ) đều được cán bộ chuyên môn hướng dẫn và giám sát chặt chẽ, giúp bà con nông dân sản xuất đúng quy trình kỹ thuật đã tạo ra trái Vải sạch an toàn đến tay người sử dụng.

 

Cùng với sự quan tâm tích cực của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và tỉnh; huyện Lục Ngạn đã chủ động đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở trong nước và phía Trung Quốc. Đặc biệt là  sự kiện Tuần lễ Vải thiều và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được tổ chức tại Hà Nội. Thông qua các Diễn đàn là dịp để Quảng bá, giới thiệu và khẳng định chất lượng vượt trội của vải thiều và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; từ đó kết nối cung cầu giữa các Doanh nghiệp, chính quyền địa phương và bà con nông dân trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 

Để tạo thuận lợi nhất cho việc tiêu thụ sản phẩm vải thiều, chính quyền tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông trên toàn huyện, trọng tâm là các tuyến kết nối huyện Lục Ngạn với các tỉnh lân cận... Bên cạnh đó, UBND huyện đã đề nghị ngành chức năng tỉnh Bắc Giang và chỉ đạo chính quyền các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất về các thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục đăng ký tạm trú... cho người nước ngoài đến giao dịch tiêu thụ vải thiều trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, huyện cũng cam kết tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho tất cả các thương nhân trong và ngoài  nước đến thu mua, tiêu thụ vải thiều trên địa bàn.

 

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và chính quyền huyện Lục Ngạn; sự nỗ lực của người nông dân trong sản xuất cùng với sự tích cực từ phía các Doanh nghiệp, sẽ là các điều kiện thuận lợi để trái vải thiều Lục Ngạn ngày càng nâng cao về chất lượng và giá trị góp phần “chắp cánh” cho thương hiệu vải thiều Lục Ngạn vươn xa.

 

 

Vũ Đoàn

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.