Tích cực đẩy mạnh phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ

Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn cùng các tổ chức, cá nhân, gia đình và toàn xã hội luôn dành mọi điều kiện tốt nhất để cho trẻ em vui chơi và phát triển trong một môi trường an toàn, lành mạnh. Nhờ đó, tình hình tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em nói chung và tai nạn đuối nước nói riêng đã giảm đáng kể, nhận thức người dân ngày càng được nâng cao.

 

Trên cơ sở Luật Trẻ em năm 2016, ngày 5/2/2016, UBND huyện Lục Ngạn đã nhanh chóng ban hành hàng loạt các văn bản chỉ đạo các cơ quan, ngành và chính quyền địa phương các cấp tổ chức triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn. Cụ thể là: văn bản số 113 ngày 3/4/2013 về việc thực hiện “Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2016- 2020”, kế hoạch số 124 ngày 4/11/2016 về Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016- 2020 cùng một số nội dung tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em năm 2019. 

 

ác em học sinh khó khăn của Trường Tiểu học Thanh Hải được dạy bơi miễn phí

 

Đồng thời, nhiều hoạt động truyền thông, đào tạo, tập huấn nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em đã được cấp ủy, chính quyền các xã thị trấn trong huyện triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.

 

Từ 2017 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành như Huyện đoàn, Phòng Giáo dục & Đào tạo, Công an, Điện lực, Trung tâm VH – TT và TT huyện, Trạm y tế 30 xã- thị trấn tổ chức nhiều hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm trang bị kiến thức kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn giao thông, đường điện cho trẻ em; sơ cứu, kỹ thuật cứu đuối cho cộng tác viên, tình nguyện viên thôn bản. Ngoài ra, UBND huyện còn chỉ đạo phòng ban chuyên môn duy trì cung cấp các sản phẩm truyền thông, như: tranh gấp, tờ rơi, băng đĩa trực quan… gắn với các hoạt động với những nội dung chuyển tải ngắn gọn, sinh động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm thức cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ xã hội, cho cộng đồng và người dân trên địa bàn toàn huyện trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em với kinh phí hàng chục triệu đồng.

 

Riêng đối với công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, UBND huyện chỉ đạo Ngành Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các trường học trên địa bàn chú trọng phát động phong trào học bơi, dạy bơi, đặc biệt là tại một số xã có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao. Trong năm học 2018- 2019, 31 trường học trên địa bàn đã và đang hoàn thiện việc lắp đặt bể bơi, đến nay có 4/ 31 bể bơi của các trường Tiểu học Phong Vân, Phú Nhuận, Hồng Giang và Trù Hựu hoàn thiện việc lắp đặt và đi vào sử dụng hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng số trẻ ở lứa tuổi Tiểu học và THCS biết bơi mỗi năm trên 4 nghìn em (chiếm tỷ lệ khoảng 20- 25% tổng số học sinh toàn huyện).

 

Việc trẻ được trang bị kỹ năng bơi lội cũng đã phần nào giảm thiểu đáng kể tình trạng đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ trong những năm gần đây, cụ thể: năm 2017 toàn huyện xảy ra 20 trường hợp đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em, đến năm 2018 giảm còn 5 trường hợp và từ đầu năm 2019 đến nay chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra trên địa bàn.

 

Có thẻ nói, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn toàn huyện hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, như:  Một bộ phận xã hội chưa thật sự quan tâm nhiều đến trẻ em và các hoạt động trợ giúp chưa thật sự mang tính xã hội hóa cao, mới chỉ tập trung ở những sự vụ, sự việc đã xảy ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến tại gia đình và trẻ em chưa kịp thời; nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành còn hạn chế. Nhận thức của gia đình và cộng đồng với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em chưa đầy đủ, phần nào còn xem nhẹ. Một số gia đình còn khó khăn, tập trung lo phát triển kinh tế, ít dành thời gian cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em; do mâu thuẫn gia đình, nhiều thói quen, tập quán làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em... Nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn, thương tích cho trẻ em chủ yếu là môi trường cộng đồng còn thiếu kiến thức về phòng, chống; sự bất cẩn, các trang thiết bị an toàn cho trẻ em chưa được sử dụng phổ biến, môi trường xã hội còn tiềm ẩn gây tai nạn thương tích; một số địa phương còn hạn chế về công tác truyền thông phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn giao thông và tai nạn đuối nước.

 

Vì vậy, để thực hiện có hiệu quả về công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trong thời gian tới, UBND huyện Lục Ngạn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người dân về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em như: Sử dụng mũ bảo hiểm khi đi xe máy, sử dụng áo phao khi lưu thông đường thủy, trang bị các trang thiết bị an toàn dành riêng cho trẻ nhỏ; gắn kết hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Triển khai nhân rộng các mô hình an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đã phát huy hiệu quả... Qua đó xây dựng môi trường sống an toàn, từng bước kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em./.

Phương Thảo

 

 

Chuyên mục: 

Zircon - This is a contributing Drupal Theme
Design by WeebPal.